| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Đàn gia súc giảm mạnh do dịch chồng lên dịch

Thứ Ba 03/12/2019 , 07:01 (GMT+7)

Do ảnh hưởng bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và lở mồm long móng (LMLM), tổng đàn gia súc toàn tỉnh đang giảm mạnh

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, đàn lợn toàn tỉnh giảm 30%, đàn trâu bò đều giảm 9% so với cùng kỳ.

Do chịu ảnh hưởng của dịch LMLM, đàn trâu bò tỉnh Quảng Bình đang có xu hướng giảm mạnh.

Lợn là đối tượng chăn nuôi giảm đàn mạnh nhất, hiện tổng đàn chỉ còn khoảng 229.400 con, bằng 61% kế hoạch, giảm 30% so với cùng kỳ; đàn trâu, bò cũng còn khoảng 94.000 con, tương đương gần 92% kế hoạch, giảm gần 9% cùng kỳ. Nguyên nhân là do bệnh DTLCP và dịch LMLM xuất hiện và diễn biến phức tạp tại 8/8 huyện, thành phố.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, tính từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên (giữa tháng 6) đến cuối tháng 11/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 293 hộ/134 thôn của 51 xã, phường thuộc 8 huyện, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh tiêu hủy là trên 2.300 con, trọng lượng tiêu hủy gần 119.000 kg.

Hiện tại, còn 34 xã thuộc 8 huyện, thành phố đang có dịch; trong đó 25 xã, phường đang có dịch chưa qua 30 ngày, 9 xã đã qua 30 ngày nhưng phát dịch trở lại (xã Xuân Hóa,Trọng Hóa, Yên Hóa- huyện Minh Hóa; xã Tiến Hóa, Phong Hóa, Mai Hóa, Thạch Hóa - huyện Tuyên Hóa; xã Hưng Thủy, Mai Thủy - huyện Lệ Thủy ).

Còn ổ dịch bênh LMLM phát hiện đầu tiên vào ngày 23/10 tại xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) với số trâu, bò bị mắc là 71 con (đã chết 7 con) của 32 hộ thuộc 4 thôn trong xã.

Tại huyện miền núi Minh Hóa, dịch LMLM cũng đang có chiều hướng lan rộng. Theo Phòng NN - PTNT huyện này, đến nay trên địa bàn huyện đã có gần 500 con trâu, bò của 105 hộ dân ở các xã Hồng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến… bị mắc bệnh LMLM. Một số địa phương khác trong tỉnh cũng đã xuất hiện dịch LMLM trên đàn trâu, bò; tuy dịch đang ở mức độ nhỏ lẻ, rải rác nhưng diễn biến phức tạp, khó lường…

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình chia sẻ: "Trong khi đang phải gồng mình phòng chống DTLCP trên đàn lợn thì dịch LMLM trên đàn trâu, bò lại bùng phát. Lực lượng thú y chúng tôi phải căng sức mình dập dịch “kép". Hiện, Chi cục đã cử 100 % cán bộ kỹ thuật xuống phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm xử lý các ổ dịch triệt để, hạn chế lây lan ra các địa phương khác".

Các chủ trang trại, hộ chăn nuôi cũng được chi cục khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tích cực tiêm vắc xin phòng chống dịch LMLM, đẩy mạnh tiêu độc khử trùng chuồng trại… nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh và nâng cao hiệu quả chăn nuôi...

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.