Phun thuốc tiêu độc khử trùng nơi có dịch. |
"Trong khi đang phải rốt ráo phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn thì dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò lại bùng phát. Lực lượng thú y chúng tôi phải căng sức mình dập dịch “kép". Điều đáng nói là, việc tiêm vắc xin phòng chống dịch LMLM tại các địa phương đạt tỷ lệ rất thấp”, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh Quảng Bình cho hay.
Nguy cơ lan rộng
Trước đó, ngày 23/10, nhận được thông tin có trâu, bò bị bệnh LMLM tại xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy), Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lệ Thủy và UBND xã Sơn Thủy tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế trâu, bò có triệu chứng sốt, bỏ ăn, miệng chảy nước dãi, lợi lưỡi lở loét, viêm loét kẽ móng, vành móng, nghi bị bệnh LMLM.
Tính đến ngày 31/10, tổng số trâu bò toàn xã Sơn Thủy là 520 con, trong đó bị bệnh 71 con (đã chết 7 con) của 32 hộ thuộc 4 thôn (Lại Xá, Ngô Xá, Hoàng Viễn và Mỹ Đức). Chi cục đã chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh và hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm.
Theo ông Trần Công Tám, bệnh LMLM xảy ra tại các ổ dịch cũ, chủ yếu trên đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM. “Công tác vệ sinh tiêu độc chuồng trại của các hộ chăn nuôi còn hạn chế. Thậm chí các hộ có trâu, bò bị bệnh không báo cáo với chính quyền địa phương và cán bộ thú y mà tự chữa trị. Trong khi đó, thời tiết đang chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và lây lan”, ông nói thêm.
Ngay sau khi kiểm tra, chi cục đã cử 4 cán bộ phối hợp với địa phương trực tiếp tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch. Ông Nguyễn Xuân Vương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, đã tổ chức tiêm phòng được 3.400 liều, hiện đang triển khai tiêm phòng cho trâu, bò tại các xã thuộc vùng uy hiếp như Phú Thủy, thị trấn Lệ Ninh.
Tại huyện miền núi Minh Hóa, tình hình dịch LMLM cũng đang có chiều hướng lan rộng. Theo Phòng NN-PTNT huyện này, từ ngày 21/10 đến nay, đã có gần 300 con trâu, bò của 90 hộ dân ở các xã Hồng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến… bị mắc bệnh LMLM.
Theo ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa, địa phương này đáng cố gắng bao vây dập dịch. Phòng NN-PTNT đã cùng chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
“Hiện, trong gần 300 con trâu, bò bị mắc bệnh LMLM đã có khoảng 100 con khỏi bệnh. Chưa ghi nhận con trâu, bò nào bị chết”, ôngTuyết nói.
Một số địa phương khác trong tỉnh Quảng Bình cũng đã xuất hiện dịch LMLM trên đàn trâu, bò. Tuy nhiên, dịch đang ở mức độ nhỏ lẻ ở các hộ và nguy hiểm ở chỗ người nuôi tự mua thuốc về tiêm hoặc sử dụng các biện pháp chữa trị truyền thống như xát khế chua vào vết lở loét hoặc đun nấu các loại lá chát như sung, khế…rửa vết thương ở chân cho đàn gia súc.
"Nếu các địa phương triển khai chậm việc tiêm phòng vắc xin LMLM thì việc lây lan dịch sẽ tiếp tục xảy ra”, ông Tám cảnh báo.
Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp
Việc tiêm phòng vắc xin LMLM được triển khai 2 đợt trong năm. Đợt 1 từ tháng 2- 3 hàng năm tỷ lệ tiêm phòng của Quảng Bình chỉ đạt gần 62.000/93.600 con (chiếm 66%). Các địa phương tỷ lệ tiêm phòng đạt khá chỉ có Lệ Thủy, Đồng Hới, Minh Hóa. Các huyện còn lại đạt tỷ lệ rất thấp như Quảng Trạch (7,2%)…Thậm chí có địa phương triển khai cho có như TX Ba Đồn.
Cách ly bò để tránh lây lan. |
Theo chương trình tiêm phòng vắc xin LMLM đợt 2 (từ tháng 9- 10), thì cả tỉnh Quảng Bình mới thực hiện được trên 27.000 con trâu, bò (đạt tỷ lệ khoảng 30% kế hoạch). Nhiều địa phương vẫn còn “đủng đỉnh” trong việc triển khai tiêm phòng. Cho đến khi dịch LMLM xuất hiện mới ráo riết chỉ đạo thực hiện.
Huyện Lệ Thủy có 14.000 con trâu, bò phải tiêm (đợt 2), nhưng cũng chỉ mới tiêm được 3.400 con. Kế hoạch đến cuối tuần này, các địa phương trong huyện sẽ triển khai đồng loạt việc tiêm phòng bệnh LMLM. “Trong vòng 3 ngày, chúng tôi sẽ tiêm hết số lượng trâu, bò theo kế hoạch. Đó cũng là biện pháp để phòng ngừa , ngăn chặn dịch lây lan”, ông Vương cho hay.
Theo ông Trần Công Tám, vướng mắc lớn nhất của việc tiêm phòng vắc xin LMLM đạt thấp do hệ thống Trạm Thú y cơ sở đã sáp nhập vào các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp địa phương. Vì vậy, việc chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi- Thú y cũng không còn nhiều hiệu quả.
Mặt khác, chính quyèn các địa phương gần như giao khoán việc triển khai tiêm phòng các loại vắc xin nói chung cho đàn gia súc, gia cầm cho các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nên thiếu đi sự kiểm tra, kiểm soát cụ thể. Sau khi mưa lũ xảy ra, chi cục đã có công văn cho các địa phương về việc nhận xắc xin tiêm phòng LMLM đàn gia súc. Tuy nhiên, một số địa phương không nhận để thực hiện.
"Sau khi xuất hiện dịch bệnh LMML, chúng tôi đã cử cán bộ hướng dẫn các hộ gia đình mua vắc xin về tiêm, dùng vôi bột rắc vào chuồng trại và các trục đường giao thông để khoanh vùng dịch. Đồng thời, tách những con trâu, bò bị bệnh nuôi nhốt riêng để tránh lây lan dịch bệnh. Chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ và nghiêm cấm việc xuất nhập gia súc không rõ nguồn gốc trên địa bàn xã trong thời gian có dịch. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở giết mổ trâu, bò để hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng”, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình. |