Chợ Đồng Hới là nơi tập trung cũng như là chợ đầu mối về thịt lợn. Tại chợ, có trên 100 quầy, bàn bán thịt từ sáng đến tối. Giá vẫn giữ nguyên con số 150 ngàn đồng/kg thịt và chưa có dấu hiệu giảm giá, mặc dù lượng người mua ít so với trước.
Giá vẫn cao
Chị Võ Thị Hương có quầy nằm ở vị trí dãy đầu nên khá thuận lợi cho việc mua, bán. Trước đây, mỗi ngày chị bán sỉ và lẻ hơn tạ thịt, xương.
Nay chị chỉ lấy bằng số nửa thôi vì sợ bán không hết. Tất cả các quầy ở đây đều bán đồng giá. Thịt ba chỉ, mông sấn, vai, xương… có giá 150 ngàn đồng/kg. “Giá như vậy ổn định từ sau Tết đến chừ đó” - chị Hương cho hay.
Ở huyện Lệ Thủy, nơi đông dân của tỉnh cũng không có gì xáo trộn. Các chợ lớn như chợ Tréo, chợ Hôm, chợ Thùi… hàng thịt cũng vắng hơn ngày thường, nhưng giá cả thì cũng hàng hàng với chợ thịt ở TP Đồng Hới.
Chị Nguyễn Thị Thu bán quầy thịt cho hay: “Giá từ nông thôn đến dưới phố cũng giống nhau mà thôi. Giá 150 ngàn đồng/kg thịt ngon mà”.
Trong khi đó, giá niêm yết bán hàng tại quầy thịt siêu thị Coopmart (tại trung tâm TP Đồng Hới) vẫn cao hơn nhiều giá bán ở chợ.
Tại siêu thị, giá sườn non là trên 185 ngàn đồng/kg; thịt ba rọi 184 ngàn đồng/kg, thịt thăn có giá 178 ngàn đồng/kg… Theo chị Lê Thị Châu (người mua hàng) thì: “Giá bán này có từ tuần trước chứ chưa thấy giảm chút nào”.
Hiện ở Quảng Bình, tổng đàn lợn gần 240 ngàn con. Trong đó, lợn được chăn nuôi ở các trang trại lớn, doanh nghiệp… chiếm khoảng 60% tổng đàn. Số lượng lợn này chủ yếu xuất bán cho thị trường ngoài tỉnh.
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Bình thì thị trường thịt lợn nội tỉnh chủ yếu được cung cấp bởi lợn nuôi ở gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, tác động đến việc giảm giá thịt lợn trên thị trường sẽ rất chậm.
“Có thể vào tuần sau, thị trường thịt lợn ở Quảng Bình mới giảm giá” - ông Tám nhận định.
Đẩy nhanh tái cơ cấu đàn lợn
Theo kế hoạch tái đàn lợn của Quảng Bình, đến cuối năm nay, tổng đàn đạt trên 352.000 con (trong đó có gần 314.000 lợn thịt) và con số sẽ tiếp tục tăng lên.
Trên thực tế từ cuối năm ngoái, các trang trại đã tái đàn lợn và tăng số lượng đàn để phục vụ nhu cầu thịt của dịp tết Canh Tý 2020. Lúc đó, tổng đàn lợn đã đạt 241.000 con (tăng 11.300 con so với trước thời điểm dịch tả lợn Châu Phi hoành hành).
Ở xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) chỉ có 2 trang trại đủ điều kiện để nuôi lợn với số lượng lớn. Đó là trang trại của anh Nguyễn Thọ Kiên, quy mô 300 con và trang trại anh Trương Văn Dễ, quy mô 26 nái, 180 con lợn thịt. Vào dịp cuối năm, anh Kiên, anh Dễ cũng mạnh dạn tái đàn với tổng số lượng 340 con cung ứng cho thị trường Tết.
“Bây giờ thì chúng tôi đã tái đàn với số lượng xấp xỉ trước đây và sẽ duy trì đến cuối năm” - anh Kiên cho hay.
Trang trại chăn nuôi Vũ Trung (huyện Lệ Thủy) có quy mô tổng đàn 1.200 con lợn thịt. Anh Nguyễn Xuân Vũ, chủ trang trại cho biết vừa mới xuất bán 200 con lợn (mỗi con từ 80-100kg). Số lợn này được mổ bán tại chuỗi cửa hàng gia đình và nhập cho các siêu thị trên địa bàn. Theo anh Vũ, giá bán lần này đã có nhẹ so với trước.
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, đến nay đã ổn định được đàn lợn đực giống 350 con, lợn nái gần 32.000 con sẽ đáp ứng cho nhu cầu cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho việc tái đàn.
“Chúng tôi tiếp tục bám sát cơ sở để chỉ đạo việc tái đàn, tăng đàn lợn và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh” - ông Trần Công Tám nói.
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Yêu cầu Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức tín dụng, ngân hàng khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ vốn tái đàn lợn”.