| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Kiên quyết dẹp nạn đánh bắt … giã cào

Thứ Năm 28/06/2018 , 14:30 (GMT+7)

Với những giải pháp mạnh, lực lượng thanh tra thủy sản Quảng Bình, BĐBP tỉnh đã ngăn chặn có hiệu quả nạn khai thác giã cào ven bờ...

"Những năm trước, cứ vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 là hoạt động đánh bắt theo hình thức giã cào rộ lên ở vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Bình. Cơ bản là các tàu cá có công suất lớn của ngư dân các tỉnh phía Nam thực hiện hành vi vi phạm này. Để ngăn ngừa và đi đến chấm dứt tình trạng này, lực lượng Thanh tra Thủy sản của Chi cục Thủy sản Quảng Bình (gọi tắt là lực lượng thanh tra) phải căng sức ra mà làm”- ông Nguyễn Văn Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình chia sẻ.
 

Giã cào đến hồi… giã biệt

Nếu như những năm trước, vào thời gian tháng 6 thì lực lượng thanh tra với chiếc tàu cũ chạy chỉ xịt toàn khói đen quần quật đêm ngày trên vùng biển ven bờ để xua đuổi, xử lý tàu giã cào.

07-27-10_nnvn__1
Cặp tàu giã cào bị bắt giữ trong tháng 5/2018

Theo ông Nguyễn Văn Linh, việc tàu giã cào hoạt động khai thác thủy sản trái phép không những làm suy giảm nguồn lợi thủy sản mà còn làm mất, hư hỏng ngư lưới cụ của ngư dân khai thác ven bờ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên biển. Trên vùng biển ven bờ Quảng Bình, ngoài tàu lưới kéo đôi (giã cào) ngoại tỉnh khai thác thủy sản trái phép thì hiện tượng một số tàu giã cào của ngư dân các xã Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), xã Đức Trạch (Bố Trạch), xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) sử dụng xung điện để khai thác tận diệt thủy sản.

Đầu năm 2018, tỉnh Quảng Bình rốt ráo chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp về tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm để ngăn chặn tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết, trên tinh thần đó, chúng tôi tổ chức cho các chủ tàu giã cào ký cam kết chấp hành quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ theo phân cấp.

“Trong trường hợp địa phương đã thực hiện kiểm tra nhưng tình hình vượt tầm kiểm soát thì Sở NN-PTNT, lực lượng BĐBP tỉnh phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm” - ông Lợi nhấn mạnh.

Qua 6 tháng đầu năm, lực lượng thanh tra phối hợp với lực lượng biên phòng và các địa phương thực hiện 17 cuộc tuần tra. Phát hiện và xử lý 35 lượt tàu cá vi phạm, xử phạt 250 triệu đồng. Trong đó, phát hiện và xử lý 4 tàu giã cào.

Vào ngày 19/4, tàu của lực lượng thanh tra kiểm soát vùng biển thuộc địa bàn xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), đã phát hiện và bắt giữ hai tàu giã cào có số hiệu QNg 98086TS và QNg 98087TS (cùng có công suất trên 500 CV), của ông Huỳnh Hoàng (ở Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) khi đang khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ. Lực lượng thanh tra đã xử phạt 2 tàu cá trên tổng cộng 49,5 triệu đồng và yêu cầu chủ tàu ký cam kết không tái phạm.

Trong chuyến kiểm tra vào ngày 10/5, tại vùng biển ven bờ xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy), vào lúc 4 giờ sáng, lực lượng thanh tra bắt quả tang 2 tàu cá mang số hiệu QNg 92999TS (do ông Đỗ Văn Hùng làm thuyền trưởng) và tàu cá QNg 97929TS (do ông Võ Thanh Châu làm thuyền trưởng) đang thực hiện khai thác giã cào. Cả 2 tàu này đã được lực lượng thanh tra đưa về cảng Quảng Bình để xử lý. Trong quá trình làm việc, ông Đỗ Văn Hùng, thuyền trưởng tàu cá QNg 92999TS thừa nhận: "Tàu của chúng tôi có công suất trên 500 CV chỉ được phép khai thác ngoài khơi. Do việc khai thác không thuận lợi nên trên đường đi vào đã lén khai thác trái quy định và đã bị phát hiện, bị xử phạt nặng. Sau này, chắc chắn chúng tôi không dám vi phạm nữa”.

07-27-10_nnvn__2_1
Chủ tàu bị xử lý và ký cam kết không tái phạm

Với những giải pháp mạnh, lực lượng thanh tra thủy sản Quảng Bình, BĐBP tỉnh đã ngăn chặn có hiệu quả nạn khai thác giã cào ven bờ. Ông Hoàng Viết Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình so sánh: “Nếu như trong mùa tàu giã cào hoạt động của năm 2017, thì lực lượng chúng tôi đã phát hiện và xử lý 26 tàu công suất lớn, mà chủ yếu là tàu của ngư dân các tỉnh phía Nam với số tiền xử phạt gần 700 triệu đồng thì đến tháng 6 năm nay, chỉ phát hiện xử lý 4 tàu. Qua đó cho thấy, số lượng tàu giã cào vi phạm trên vùng biển ven bờ Quảng Bình đã được ngăn chặn. Lực lượng chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát để chấm dứt hoạt động khai thác trái phép này”.
 

Chặn đứng… xung điện

Việc ngư dân sử dụng bộ kích điện để khai thác trái phép trên biển cũng đã được lực lượng thanh tra ngăn chặn có hiệu quả. Ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế của Chi cục (là người luôn có mặt trên những chuyến đi tuần tra, kiểm soát trên biển) cho biết, khi thực hiện hành vi này, ngư dân rất biết luồn lách. “Khi xuất bến, trên tàu của họ không hề có bộ dụng cụ kích điện. Nhưng khi ra đến biển là họ đã có 2-4 bộ rồi. Tàu, thuyền của họ về bến thì cũng chỉ có cá chứ không hề có bộ hủy diệt này” - ông Tuấn nói.

Hóa ra, khi tàu ngư dân ra đến điểm khai thác là đã có tàu thu mua cập đến và những bộ kích điện giấu trên tàu thu mua được chuyển sang để ngư dân sử dụng. Đến lúc vào bờ, những bộ kích điện này được chuyển sang tàu thu mua để cất giấu, tránh sự phát hiện của lực lượng thanh tra và cơ quan chức năng. Trong một lần kiểm tra, lực lượng thanh tra phát hiện trên tàu thu mua mang số hiệu QB811…TS, của ông Trần Thanh M. (quê xã Bảo Ninh - TP Đồng Hới) có cất giấu 13 bộ kích điện. Trước lực lượng thanh tra, ông M. một mực khẳng định toàn bộ số kích điện này là của ông và đề nghị được xử phạt.

“Trong quy định, lực lượng thanh tra chỉ được xử phạt hành vi tàng trữ, sử dụng bộ kích điện chứ không xử phạt theo số lượng. Có nghĩa là, tàu có tàng trữ 1 bộ kích điện thì mức xử phạt hành chính cũng giống như tàu tàng trữ 10 bộ” - ông Tuấn giải thích thêm.

Biết được số bộ kích điện này là của nhiều ngư dân khác gửi giấu ở đây nên lực lượng thanh tra cố sức thuyết phục, vận động. Sau hơn một giờ đồng hồ đấu tranh, rốt cuộc, ông M. phát bộ đàm gọi 6 tàu, thuyền của ngư dân đến nhận, chịu xử phạt và ký biên bản cam kết không tái phạm. “Có như vậy, chúng tôi mới lần ra được nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, góp phần chặn được nạn sử dụng bộ kích điện hủy diệt thủy sản này” - ông Tuấn chia sẻ.

07-27-10_nnvn__3
Những bộ kích điện trên tàu thu mua bị lực lượng thanh tra phát hiện xử lý

Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Văn Tú (xã Bảo Ninh) tỏ ra hồ hởi: “Nhờ có lực lượng làm mạnh nên tình trạng tàu giã cào, đánh bắt bằng xung điện được ngăn chặn. Ngư dân đánh bắt ven bờ chúng tôi mừng lắm. Có như vậy thì an ninh trật tự mới được giữ an, cá tôm được sinh sôi và ngư cụ của chúng tôi cũng ít bị hư hại, bị mất. Chỉ mong bình yên trên biển ven bờ được mãi vậy thôi”.

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.