Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh vừa thực hiện mô hình gieo sạ lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 bằng thiết bị bay không người lái (drone) trên diện tích 22ha tại huyện Lệ Thủy. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng thiết bị bay không người lái trong gieo sạ đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh thực hiện liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với bao tiêu sản phẩm trong vụ đông xuân 2023 - 2024 tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy). Toàn bộ diện tích được sử dụng giống lúa chất lượng cao Hương Bình và phân bón hữu cơ Sông Gianh.
Mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 dùng để gieo sạ, rải phân, bón lót và phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Với hệ thống điều khiển từ xa, người vận hành máy bay không người lái chỉ cần đứng tại một địa hình tốt là có thể chủ động thực hiện các thao tác vận hành thiết bị.
Qua thực tế cho thấy, thực hiện gieo sạ và bón phân bằng máy bay không người lái nhanh hơn, lượng giống ít hơn nhưng đều hơn gieo cấy truyền thống. Đặc biệt là không hề có những dấu chân trên mặt ruộng, giảm chi phí và sức lao động. Hiện tại, nông dân địa phương đang gieo sạ phổ biến với lượng giống trên 5kg/sào (500m2), trong khi ruộng mô hình chỉ dùng 3,7kg/sào.
Anh Trần Duy Khánh, hộ dân liên kết sản xuất trong mô hình cho hay, đã thuê diện tích ruộng tại địa phương để thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. “Tôi đã ký kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Nhờ thực hiện liên kết sản xuất nên tôi rất yên tâm đầu tư, đưa công nghệ mới vào sản xuất”, anh Khánh cho hay.
Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, mô hình sẽ làm cơ sở để mở rộng trên địa bàn. Thiết bị bay không người lái với động cơ sử dụng pin sạc, mỗi chuyến bay mang được khoảng 50kg giống. Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ nên cho tải khoảng 40kg trong điều kiện thời tiết có gió. “Quá trình sản xuất có hiệu quả sẽ thu hút, khuyến khích nông dân có điều kiện thuê đất sản xuất với diện tích lớn và đưa công nghệ cao vào đồng ruộng để giảm chi phí, tăng hiệu quả”, ông Hải nói.
Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa sẽ giúp giảm lượng giống gieo sạ, giải phóng sức lao động cho nông dân và giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, thân thiện với con người và môi trường. Theo tính toán, việc sử dụng thiết bị bay trong các khâu bón lót, gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật… trong mô hình sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất khoảng 10 triệu đồng/ha.