Dù lần đầu tiên tay chạm, tận mắt nhìn thấy máy bay phun thuốc không người lái (drone) nhưng ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc HTX Tín Phát (tỉnh Sóc Trăng) đã quyết định mua máy. Nghe nói Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 có trưng bày nhiều drone phun thuốc, ông Đậm đành tạm gác công việc để đến tham quan, lựa chọn thiết bị phục vụ công việc của HTX.
Drone phun thuốc này hiện có giá 190 triệu đồng nhưng với ông Đậm, đó là số tiền xứng đáng để chi, giúp tiết kiệm nhân công, thời gian và chi phí sản xuất.
“Muốn thành công, thì phải sử dụng máy móc hiện đại chứ không dựa mãi vào sức người được. Giờ thuê người phun thuốc cũng khó lắm chứ đâu có dễ, mà cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nữa. Nếu có thiết bị này thì từng thành viên của HTX đều có lợi. Chúng tôi cũng có thể dùng máy này để phun thuốc thuê, trực tiếp tạo nguồn thu cho HTX”, ông Đậm chia sẻ.
HTX Tín Phát cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Điều này giúp HTX Tín Phát có được những mùa vụ năng suất cao, chất lượng lúa gạo tốt.
Còn đối với lão nông Lê Hoàng Hổ (tỉnh Hậu Giang), việc có được chiếc drone phun thuốc bảo vệ thực vật vẫn là ước mơ nhiều năm nay. Tham quan từng gian hàng tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo nhưng ông Hổ lại chọn dừng chân lâu nhất điểm trưng bày máy phun thuốc không người lái của Tập đoàn Lộc Trời. Không cần ai giới thiệu, ông vẫn có thể phân biệt được những dòng máy DJI Agras T40, DJI Matrice 300 RTK hay DJI M300 với những ưu điểm khác nhau.
Ở tuổi hơn 60, sức khỏe không cho phép ông Hổ đeo những bình thuốc để trừ sâu bệnh qua từng mùa vụ. Ông đang rủ nhiều nông dân khác cùng chung tiền, mua máy bay phun thuốc không người lái để khỏe người, được việc. Những thiết bị này không chỉ giúp ông phun thuốc mà còn có khả năng giám sát đồng ruộng.
“Nếu có được thiết bị này thì còn gì bằng nữa. Ai bảo mấy thiết bị hiện đại này không phù hợp cho mấy lão nông. Đúng hơn là nó phục vụ cho nông dân tuổi này, giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Tuổi này rồi thì việc tự mình đi phun thuốc theo cách cũ là rất khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe mà vừa đau nhức mình mẩy”, ông Hổ bày tỏ.
Không chỉ được đánh giá là sự chuyển mình, máy bay phun thuốc không người lái còn được kỳ vọng giúp người canh tác lúa tạo được đột phá mới.
Dịp này, chỉ tính riêng mảng cung cấp máy bay phun thuốc không người lái đã có khoảng 6 đơn vị tham gia, giới thiệu. Hầu hết, các doanh nghiệp này đều có những đơn hàng trực tiếp hoặc có cho mình những khách hàng tiềm năng.
Trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, màn trình diễn thiết bị bay không người lái trong lễ phát động Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp được đại biểu và khách tham quan chú ý. Nhìn những thiết bị không người lái vút cao, bay lượn khắp cánh đồng thực hiện nhiệm vụ sản xuất một cách nhanh chóng, thuần thục khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Cũng tại Festival, nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại khác phục vụ sản xuất lúa gạo được các doanh nghiệp mang tới quảng bá như: máy xay xát và đánh bóng gạo, nhiều chủng loại máy thu hoạch lúa, máy cấy lúa, gieo xạ… Đây là cơ hội để nhà sản xuất, các đại lý phân phối sản phẩm và người có nhu cầu gặp được nhau, đáp ứng mục tiêu số hóa ngành nông nghiệp. Từ đó, ngành lúa gạo sẽ tạo được những đột phá mới, kịp thời bắt nhịp xu thế quốc tế.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trưởng Ban tổ chức Festival, cho biết: “Festival là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, các công nghệ mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đang ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng”.