Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra tình hình hạn hán tại các địa phương trong tỉnh. Quan điểm: “Tận dụng triệt để các nguồn nước, thực hiện tưới tiết kiệm, hiệu quả để hạn chế thất bát mùa màng và tránh được tác động xấu đến đời sống, sinh hoạt của người dân”.
Diện tích lúa bị hạn tăng nhanh
Vụ hè thu (HT) năm nay, Quảng Bình gieo cấy trên 14.000 ha lúa. Đây là diện tích được cân đối phù hợp tưới, đảm bảo đủ nước cho đến cuối vụ.
Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài, lượng nước bị tiêu hao lớn. Tính đến giữa tháng 7, 17 hồ chứa do Cty Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (Cty Thủy lợi) quản lý có dung tích trung bình đạt 43% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa do địa phương quản lý dung tích chỉ đạt 20% so với dung tích thiết kế. Nhiều hồ đạt thấp dưới 10%, hoặc đã thấp dưới mực nước chết.
Do vậy, diện tích lúa HT đã gieo cấy nhưng không đủ nước tưới gần 1.000 ha. Trong đó, các huyện có diện tích bị khô hạn lớn như Tuyên Hóa (250 ha), Bố Trạch (230 ha)… Theo ông Mai Văn Minh, Giám dốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, dự kiến khả năng diện tích bị hạn sẽ tăng thêm trên 1.500 ha nếu thời tiết không có mưa.
“Thời tiết bất lợi đến cuối vụ thì các địa phương sẽ có diện tích lúa HT bị hạn tăng nhanh như huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh…”, ông Minh nhìn nhận. Từ nay đến khi kết thúc vụ HT, Quảng Bình còn khoảng 2-3 đợt tưới. Do vậy, các đơn vị, địa phương đang tập trung, căng hết sức mình trong cái nắng khốc liệt của mùa hạn hán, hạn chế thấp nhất thiệt hại mùa màng.
Vét nước từ đáy sông, ao hồ cho cây lúa
Sông Rào Nan bắt nguồn từ phía đông dãy Trường Sơn và ở hạ nguồn nước được bơm lên kênh chính để dẫn về tưới cho 9 xã vùng nam thị xã Ba Đồn.
Hệ thống bơm của trạm bơm Rào Nan đặt có cốt dương (+) 0,8m. Do thời tiết không mưa kéo dài nên mực nước trên sông thấp dần. Đến đầu tháng 6, tại trạm bơm này, mực nước đã tụt thấp âm (-) 0,7 m.
Do vậy, hệ thống bơm đã phải gác vòi lên cạn. Công ty Quản lý khai thác CTTL Quảng Bình đã triển khai phương án đắp đê quai xanh lấn sông, khẩn trương lắp máy bơm công suất lớn cơ động đặt trên đê và bơm tiếp sức nước từ đáy sông lên bể lớn để từ đó bơm tiếp lên kênh chính.
Có mặt hiện trường để chỉ đạo vận hành máy và xử lý sự cố, ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Cty Thủy lợi cho biết đã cắm 4 máy bơm, mỗi máy có công suất 1.000 m3/h.
“Cả 4 máy đều chạy 24/24 giờ mới đủ nước cho hệ thống máy bơm của trạm. Theo tính toán, nước trên sông Rào Nan còn khoảng 2 triệu m3, đảm bảo tưới được cho gần 1.800 ha lúa HT của 9 xã vùng nam này.
Tuy nhiên, nếu mực nước cạn dần thì chúng tôi phải thực hiện mở rộng đê quai xanh, tăng thêm hệ thống bơm cơ động để bơm tiếp sức lên kênh chính”, ông Quảng cho hay.
Hầu hết các hồ thủy lợi do các địa phương quản lý mức nước xuống quá thấp nên không còn sức để bơm tưới cho đồng ruộng. Cty Thủy lợi tỉnh đã tung lực lượng đến các “tọa độ lửa” để đặt các trạm bơm dã chiến bơm tận dụng nước còn lại tại các ao, hồ, kênh dự trữ… trên địa bàn để bổ sung vào kênh mương dẫn về ruộng.
Trạm bơm cơ động (chạy bằng nguyên liệu dầu diezen) đặt sát tuyến kênh máng Quảng Lộc. Tiếng máy nổ rền như át cả cái nắng dội xuống từ phía mặt trời.
Anh Đinh Xuân Long (phụ trách trạm) ngồi tránh nắng dưới gốc cây trứng cá gần đó đội nắng chạy ra. Anh Long giới thiệu, con hói Trường nối xã Quảng Hòa với Quảng Lộc. Hiện mực nước ở hói còn sâu khoảng 1,5m. Máy bơm công suất 600m3/h tiếp vào kênh máng đưa về cánh đồng cấp nước cho khoảng 200ha.
“Lúa ở đó khoảng 7 ngày nữa là trổ đòng. Nếu thiếu nước là sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy chúng tôi phải tiếp nước tận dụng để đảm bảo đủ nước trong giai đoạn này”, anh Long cho hay.
Do trạm cơ động nên chưa kịp làm lán nghỉ. Anh Long phải ngồi trực dưới bóng cây. Anh bới nước uống rồi gửi nhờ vào tủ lạnh của nhà dân cách đó đoạn đường. Thi thoảng lại chạy về lấy nước để giải tỏa cơn khát nực.
Anh bộc bạch: “Chịu khó một chút cũng không sao, chỉ mong còn có nước để mà bơm phục vụ cho bà con kẻo mất mùa thì cực lắm”.
Đi kiểm tra các trạm bơm và tình hình hạn hán ở các địa phương, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN - PTNT Quảng Bình chỉ đạo Cty thủy lợi, các địa phương cân đối nguồn nước tưới để có lịch tưới cụ thể cho từng xứ đồng. Tuân thủ nguyên tắc tưới tiết kiệm, sử dụng các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nước hồi quy, bơm nước từ các khe, suối, ao, hồ tự nhiên.
Theo Chi nhánh Thủy nông Rào Nan (thuộc Cty thủy lợi), đã phải huy động trạm bơm cũ với hơn 10 máy phục vụ bơm nước để cấp tưới cho các địa phương của thị xã Ba Đồn.
Tuy nhiên, ở các địa phương ở cuối nguồn, như: xã Quảng Văn, Quảng Tiên… rất khó tiếp cận được nguồn nước bơm chống hạn.
“Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, một số địa phương cuối nguồn có khả năng mất trắng vụ lúa hè - thu này”, ông Trần Hồng Quảng trao đổi.
Đến trưa ngày 20/7, nắng nóng vẫn khốc liệt trên các địa phương ở Quảng Bình. Dự báo nắng nóng vẫn kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với nền nhiệt cao dẫn đến diện tích sản xuất nông nghiệp của một số địa phương trên địa bàn thị xã Ba Đồn có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ.
Đặc biệt, là các xã vùng nam như Quảng Tiên, Quảng Văn, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Sơn, Quảng Minh... và các phường Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Phúc. Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cho hay, trên địa bàn có gần 300 ha lúa HT đã bắt đầu thiếu nước tưới. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài, diện tích trên sẽ bị hạn khô.
Ngừng cấp nước sinh hoạt
Vào ngày 8/7, Nhà máy cấp nước sinh hoạt số 1 Quảng Trạch (thuộc Ban quản lý dự án ODA Quảng Trạch) đã ra thông báo về việc tạm ngừng cấp nước cho 10 xã vùng nam thị xã Ba Đồn vì do mực nước đầu vào tại sông Rào Nan xuống thấp.
Như vậy, khi Nhà máy nước sạch tạm ngừng cung cấp, nhiều hộ dân ở vùng nam phải dùng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn, hoặc nước khe, suối.
Ở những khu vực dân cư xa khe suối, nguồn nước giếng bị nhiễm phèn nặng nên bà con phải đi mua nước ngọt chở về dùng ăn uống hàng ngày.
“Giá mỗi khối nước ngọt có giá linh động từ 10 - 15 nghìn đồng/m3. Nhưng cũng có khi, có nơi phải mua đến giá 20 nghìn đồng/m3”, một người dân cho hay.