Thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang nơi tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương cho Cty TNHH thép Việt Pháp di dời đến
Theo ông Thu, cái tên Việt Pháp tưởng là người nước ngoài làm chủ nhưng không phải vậy. Dự án của người Việt Nam đầu tư. “Nhà máy ở thị xã Điện Bàn mới đưa vào hoạt động mấy năm chưa làm được gì nhiều. Về nguồn nước ô nhiễm thì qua kiểm nghiệm của hội đồng khoa học công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ vẫn chưa có vấn đề gì. Giờ họ muốn đi thì phải kiếm chỗ cho đi”, ông Thu cho hay.
Người đứng đầu tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, theo quy định là có chủ trương đầu tư, người ta tiến hành khảo sát đánh giá, họp dân là bình thường. “Nhà máy thép Việt Pháp nhập sắt phế liệu bỏ vào nấu ra thành phẩm. Một quy trình duy nhất, rất đơn giản. Quy trình làm giống như ông thợ rèn mua sắt về thổi lửa lên và đập ra sản phẩm rồi bán”, ông Thu dẫn giải.
Như NNVN đã thông tin, Nhà máy thép Việt Pháp tại Cụm Công nghiệp Thương Tín 1 có quy mô 2,9ha chính thức đi vào hoạt động năm 2012. Thời gian qua, người dân xung quanh khu vực cụm công nghiệp Thương Tín 1 phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường do mùi của khói khi nấu phôi gây ra, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực và hoạt động SX của nhà máy.
Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho Cty TNHH thép Việt Pháp di dời nhà máy từ Cụm Công nghiệp Thương Tín 1 lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, thượng nguồn sông Vu Gia. Trước việc này, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc di dời nhà máy luyện cán thép quy mô 180.000 tấn lên thượng nguồn sông Vu Gia - nơi cung cấp 99% nhu cầu nước sạch cho thành phố Đà Nẵng.