| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi còn nhiều việc phải làm để khắc phục thẻ vàng

Thứ Bảy 28/11/2020 , 08:08 (GMT+7)

Với nhiều nỗ lực trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành quả trong công tác chống khai thác IUU, góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng của EC.

Những chuyển biến tích cực

Theo thống kê mới nhất của tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 30/10 toàn tỉnh có tổng số tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên là 5.278 chiếc, tổng công suất máy chính là 1.846.061 CV.

Quảng Ngãi đã có 79,3% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: L.K.

Quảng Ngãi đã có 79,3% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: L.K.

Hiện tại, địa phương đã có 2.653 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tổng số 3.347 tàu thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt (chiếm tỷ lệ 79,3%). Các thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá đã kết đồng bộ với phần mềm dùng chung của Tổng cục Thủy sản và được chia sẻ, phân quyền sử dụng cho các cơ quan chức năng quản lý, sử dụng.

Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng trong tỉnh đều được phân quyền truy cập dữ liệu tàu cá của tỉnh để phục vụ cho công tác quản lý, chuyên môn.

Qua hệ thống giám sát tàu cá, hàng ngày, Chi cục Thủy sản theo dõi toàn bộ tàu cá của tỉnh hoạt động trên các vùng biển, kịp thời cảnh báo, nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng khi tàu vượt ra ngoài ranh giới vùng biển Việt Nam hoặc ngắt kết nối.

Đối với công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5 cảng cá được Bộ NN-PTNT chỉ định là cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Sở NN-PTNT tỉnh đã thành lập Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại 4 cảng cá là Tịnh Kỳ và Tịnh Hòa, Mỹ Á và Sa Huỳnh.

Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá cùng với Ban Quản lý các cảng cá, lực lượng biên phòng đã triển khai việc kiểm tra, giám sát tàu xuất bến, cập bến, lên cá của các tàu hoạt động khai thác hải sản.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian qua, công tác thực thi pháp luật đã được ngành chức năng trong tỉnh tăng cường thực hiện nhằm xử lý triệt để hành vi cố tình vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác IUU dưới mọi hình thức, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

“Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, không cho xuất bến những tàu không có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc lắp đặt nhưng ngắt kết nối, không còn kẹp chì. Tỉnh này đã ngăn chặn triệt để tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm trái phép vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương”, ông Minh thông tin.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những gì đã đạt được thì công tác triển khai chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có không ít những tồn tại. Trong đó có thể kể đến là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá chậm, không đúng lộ trình theo quy định của Chính phủ hoặc lắp đặt nhưng ngắt kết nối.

Công tác triển khai chống khai thác IUU ở Quảng Ngãi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Ảnh: L.K.

Công tác triển khai chống khai thác IUU ở Quảng Ngãi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Ảnh: L.K.

Ngoài ra, việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định, tàu không đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác, tàu khai thác bất hợp pháp vẫn thường xuyên cập cảng lên cá; tình trạng lên cá ở các bến cá tư nhân vẫn còn phổ biến.

Đối với công tác truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng theo yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi, tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường Châu Âu. Cơ chế kiểm soát hiện nay chưa đảm bảo được nguồn gốc hợp pháp của một phần sản phẩm chế biến ở Việt Nam, không kiểm soát được nguồn nguyên liệu ở các nhà máy chế biến…

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những điểm hạn chế này như: Nguồn lợi thủy sản vùng biển trong tỉnh ngày càng suy giảm nghiêm trọng, trong khi số lượng tàu cá của tỉnh quá nhiều, cơ cấu nghề không hợp lý (tỷ lệ nghề lưới kéo quá cao), thường xuyên hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước, nhiều năm liền không về tỉnh nhà. Địa phương mới quản lý hạn ngạch giấy phép khai thác chứ chưa quản lý hạn ngạch sản lượng khai thác.

Cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là các cảng cá của Quảng Ngãi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cảng cá loại II, đầu tư chưa đồng bộ. Chưa bố trí đủ nguồn lực (trang thiết bị, phương tiện, con người, kinh phí) cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Quảng Ngãi cũng chưa thành lập lực lượng kiểm ngư và là tỉnh duy nhất trong 28 tỉnh, thành phố có biển nhưng chưa có tàu kiểm ngư. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên biển được UBND tỉnh tạm thời giao cho lực lượng biên phòng. Do kinh phí có hạn nên việc tuần tra, kiểm soát trên biển không được thường xuyên…

“Trước thực tế này, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để tiếp tục đầu tư hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và đầu tư mới theo Quyết định số 1976. Đồng thời, sớm công bố ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam để ngư dân biết, không vi phạm và để các cơ quan chức năng làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm”, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.