Sáng 26/11, ngư dân Mai Quốc Vương, thuyền trưởng tàu KH 90677 TS ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã cho tàu trở về cập cảng cá Hòn Rớ sau 20 ngày bám biển. Trước đó, để chấp hành các quy định về pháp luật, cũng như khuyến nghị của EC, anh Vương đã báo cơ quan chức năng tàu sẽ cập cảng trong vài giờ tới.
“Về đến cảng, tôi nhanh chóng khai báo cho Trạm kiểm soát Biên phòng Hòn Rớ là tàu đã cập cảng. Sau đó lên Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đặt tại cảng cá, nộp nhật ký khai thác và khai báo sản lượng thủy sản đánh bắt…”, anh Vương nói việc này đã được tàu anh cũng như các tàu chấp hành theo quy định vài năm nay nên đã đi vào nề nếp.
Cũng theo anh Vương chia sẻ, chuyến này, tàu anh đánh bắt được 20 tấn cá ngừ sọc dưa tại ngư trường Trường Sa của Việt Nam, không có đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Với giá bán trung bình từ 22- 25 ngàn đồng/kg, doanh thu gần 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi hàng trăm triệu đồng.
“Thời gian qua, để gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, tàu của tôi kiên quyết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Cụ thể, tàu đánh bắt theo bản đồ khuyến cáo cơ quan chức năng, lúc nào cũng cách vùng biển giáp biên các nước khoảng 10 hải lý.
Để canh việc này, tôi quan sát vị trí tàu trên máy định vị, cũng như theo dõi thiết bị giám sát hành trình đã lắp đặt. Chỉ cần tàu đánh bắt giáp vùng biên có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài, máy sẽ nhắn tin “bạn chuẩn bị qua ranh giới đánh bắt” là tôi lập tức cho tàu quay vào ngay”, anh Vương khẳng định.
Tương tự, tàu KH 99171 TS, ở Hà Ra, phường Vĩnh Phước (Nha Trang) cùng 12 lao động cũng đã trở về cập cảng Hòn Rớ trong sáng nay. Ông Huỳnh Điệm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cho biết, chuyến biển này tàu đánh bắt tại ngư trường Trường Sa được 10 tấn cá sọc dưa, doanh thu 220 triệu đồng, trong khi chi phí chuyến biển đã 150 triệu đồng.
“2 năm nay, giá cá thu mua ở mức thấp so với những năm trước cho nên các tàu đánh bắt không có lãi nhiều. Nguyên nhân là do chưa rút được “thẻ vàng”, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, giá cá không thể tăng cao lên được.
Do đó, tàu tôi đã cam kết nói không với vi phạm vùng biển nước ngoài từ nhiều năm nay”, ông Điệm nói cũng mong các chủ tàu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật để thủy sản Việt Nam sớm gỡ “thẻ vàng”, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nâng cao thu nhập chứ không lợi cho riêng cá nhân ai.
Cùng quan điểm ông Điệm, anh Võ Văn Trương, chủ tàu KH 91179 TS, ở phường Ninh Thủy, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) cũng cho rằng, 2 năm nay giá cá ngừ sọc dưa thu mua ở mức thấp, trung bình khoảng 20 ngàn đ/kg, trong khi những năm trước trung bình khoảng 30 ngàn đ/kg.
Vì vậy, việc gỡ “thẻ vàng” là rất cần thiết để giúp việc xuất khẩu thuận lợi kéo theo giá cá được thu mua ổn định và cao hơn.
“Chuyến này tàu chỉ đánh bắt 6 tấn cá sọc dưa, do giá bán thấp từ 15-20 ngàn đ/kg nên lỗ tổn”, anh Trương chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biêt, toàn tỉnh có hơn 4.200 tàu khai thác thủy sản, trong đó 750 tàu có chiều dài 15m trở lên. Thời gian qua, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, Chi cục đã phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bà con tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản.
Đồng thời, Chi cục bố trí lực lượng trực 24/24 giờ giám sát chặt chẽ các tàu cá hoạt động trên biển thông qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trạm bờ. Từ đó, thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để tránh xâm phạm.
“Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên ý thức của ngư dân được nâng lên. Do vậy từ cuối 2018 đến nay, tàu cá Khánh Hòa không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, đến nay đã có 635/750 tàu cá ở Khánh Hòa đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Số tàu còn lại chưa lắp đặt, trong đó phân nửa ngưng hoạt động nằm bờ (có đơn xin) và cũng có tàu kinh tế khó khăn, có tàu chây ì không chịu lắp đặt. Do đó, số tàu này chúng tôi không giao dịch thủ tục hành chính cũng như cho tàu xuất bến…”, ông Chánh chia sẻ.