| Hotline: 0983.970.780

Sớm đầu tư, nâng cấp hạ tầng nghề cá ở Quảng Nam

Thứ Tư 25/11/2020 , 18:18 (GMT+7)

Khu neo đậu An Hòa và Cảng cá Tam Quang hoàn thành sẽ thuận lợi cho việc kiểm soát tàu ra vào cảng đồng thời dễ dàng truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Khu neo đậu An Hòa được đầu tư, nâng cấp sẽ tăng công suất tàu thuyền lên 1.200 chiếc. Ảnh: L.K.

Khu neo đậu An Hòa được đầu tư, nâng cấp sẽ tăng công suất tàu thuyền lên 1.200 chiếc. Ảnh: L.K.

Hậu cần nghề cá còn nhiều bất cập

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng trên 3.000 tàu cá các loại hoạt động đánh bắt, khai thác thủy, hải sản. Trong đó có 745 tàu có chiều dài trên 15m.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, tại khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Nam, nơi có Khu neo đậu An Hòa (huyện Núi Thành) đang tập trung khoảng 2/3 số lượng tàu thuyền của tỉnh. Thế nhưng, các khu neo đậu tập trung cho tàu thuyền vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Đa số người dân vẫn neo đậu tàu thuyền của mình tại các bãi đậu truyền thống, nhỏ lẻ.

Theo ông Ngô Tấn, các bãi neo đậu truyền thống này thường rất cạn, chỉ đáp ứng được cho các tàu thuyền có công suất nhỏ ra vào. Khi Nghị định 67 ra đời, số lượng tàu công suất lớn tại Quảng Nam ngày một tăng lên, dẫn đến việc sử dụng các bãi neo đậu truyền thống không còn phù hợp.

Không chỉ có các bãi neo đậu truyền thống mà cả vùng neo đậu An Hòa đến thời điểm hiện tại đã xuất hiện nhiều nhiều bất cập như luồng lạch bị bồi lắng, cạn dần, tàu công suất lớn không thể ra vào. Các trụ neo tại đây quá gần, tàu cá dễ bị va đập khi neo đậu…

Bên cạnh đó, các cảng cá, bến cá tại địa phương này chưa đáp ứng điều kiện về kho bãi, cơ giới hóa, nhà phân loại, các dịch vụ hậu cần như nước đá, dầu… Một điểm nữa là do cảng cá tại Quảng Nam thường ở địa điểm cách xa cửa biển và hạ tầng giao thông khó khăn, không có cơ sở thu mua thủy sản tươi. Dẫn đến lượng tàu thuyền về cập cảng ít.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khảo sát Khu neo đậu An Hòa và Cảng cá Tam Quang. Ảnh: L.K.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khảo sát Khu neo đậu An Hòa và Cảng cá Tam Quang. Ảnh: L.K.

Ông Ngô Văn Định, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, thực trạng này đã gây không ít khó khăn cho địa phương trong việc triển khai các biện pháp để chống khai thác IUU. Đặc biệt là vấn đề kiểm soát tàu ra vào cảng và truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản khai thác.

“Tỉnh Quảng Nam chỉ có một cảng cá loại 2 chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Tuy nhiên, cảng này nằm sâu trong đất liền nên chỉ có tàu câu mực xà và chụp mực ở địa phương gần cảng về cập bến. 

Hơn nữa, ngư dân có thói quen bán sản phẩm hải sản khai thác được tại các nậu, vựa vùng gần cửa biển, bãi ngang, bến cá. Do vậy việc kiểm tra, giám sát sản lượng tại cảng cá An Hòa chưa được nhiều”, ông Định nói.

Sớm đầu tư, nâng cấp hạ tầng nghề cá

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Quảng Nam hoàn thiện thiết kế dự án sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão An Hòa để trình thẩm định, phê duyệt.

Dự án triển khai vào quý IV năm 2020 với tổng kinh phí hơn 98 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh, xây dựng 2 đê chắn sóng trước luồng ra vào khu neo đậu tàu cá An Hòa với tổng chiều dài gần 600m đáp ứng cho 600 tàu thuyền neo đậu trong đó có cả những tàu lớn.

Trước đó, ngày 21/8, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành quyết định về việc đầu tư, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa thành khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng với quy mô 1.200 chiếc; nâng cấp Cảng cá Tam Quang đạt tiêu chí cảng cá loại I với quy mô 120 lượt/400CV; 16.000 tấn thủy sản qua cảng mỗi năm.

Việc kết hợp Khu neo đậu An Hòa đáp ứng đủ cho tàu thuyền ra vào với Cảng cá Tam Quang sẽ giúp cho công tác quản lý hàng hóa của các tàu thuyền qua cảng, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác thuận lợi hơn. Đây cũng là một trong những việc mà ngành thủy sản Việt Nam đang tích cực triển khai nhằm gỡ thẻ vàng IUU của EC.

Đại diện Ban quản lý Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Quảng Nam cho biết, để xây dựng Khu vực neo đậu An Hoà và Cảng cá Tam Quang theo quyết định số 1976 của Thủ tướng Chính phủ, qua khảo sát và tính toán sơ bộ của đơn vị, mức kinh phí xây dựng khoảng 563 tỷ đồng. Do nguồn kinh phí của tỉnh chỉ có 98 tỷ đồng nên trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ lập kế hoạch để xin chủ trương đầu tư.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngoài một số hạng mục của dự án đã được tỉnh Quảng Nam chủ động đầu tư thì việc tiếp tục đầu tư để liên hoàn các hệ thống cảng và khu neo đậu tránh trú bão là việc rất cần thiết đã được Bộ NN-PTNT và Thủ tướng quan tâm.

“Sau khi khảo sát chúng tôi sẽ hướng dẫn địa phương thực hiện các thủ tục cần thiết và tiến hành báo cáo với Bộ NN-PTNT rằng đây là một trong những công trình được ưu tiên. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tham mưu với các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ để sớm đầu tư, xây dựng Khu neo đậu An Hòa và Cảng cá Tam Quang”, ông Luân nói.  

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.