| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ Bảy 01/06/2024 , 14:51 (GMT+7)

Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường tại Quảng Ngãi.

Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là một trong những điểm du lịch nông thôn thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: HP.

Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là một trong những điểm du lịch nông thôn thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: HP.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, sau khi HĐND tỉnh này ban hành Nghị quyết số 34, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí hơn 9,7 tỷ đồng cho các địa phương triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM năm 2023 và 2024.

Với nguồn kinh phí hỗ trợ này, đến nay hoạt động du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Ngãi phát triển đáng kể, được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh biết đến và tham gia trải nghiệm. Trong đó có thể kể đến như du lịch cộng đồng làng Bình Thành (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành); du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn); du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ)…

Tại huyện Mộ Đức cũng đã thành lập HTX Du lịch cộng đồng xóm Cây Gạo (xã Đức Tân) thu hút rất nhiều người dân địa phương đăng ký tham gia. Định hướng của huyện Mộ Đức là phát triển du lịch cộng đồng sẽ dựa trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, không gian sinh sống ở làng quê xóm Cây Gạo. Du khách sẽ được tận hưởng không gian sống thanh bình của xóm Cây Gạo, với các sản phẩm du lịch nông nghiệp và sông nước.

“Ở đây chúng tôi có các dịch vụ như chèo thuyền hay câu cá dọc sông Thoa, trải nghiệm dịch vụ homestay, cuộc sống thôn quê qua hoạt động nông nghiệp, thưởng thức những món ăn dân dã. Thông qua phát triển du lịch, sản phẩm nông nghiệp làm ra sẽ mang lại hiệu quả kinh tế kép. Đó là vừa làm sản phẩm du lịch, vừa bán cho du khách, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân chúng tôi”, ông Phạm Văn Thạnh (xã Đức Tân) chia sẻ.

Có thể nói du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch mang lại nhiều cơ hội làm việc cho người lao động, đặc biệt là lao động tại khu vực nông thôn. Điều này không chỉ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân mà còn là điều kiện để quảng bá, giao lưu, trao đổi văn hóa, các sản phẩm OCOP đặc trưng của mỗi địa phương vùng miền…

Trải nghiệm cuộc sống thôn quê qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Ảnh: ĐN.

Trải nghiệm cuộc sống thôn quê qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Ảnh: ĐN.

Theo ông Từ Văn Tám, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, phát triển du lịch nông thôn gắn với NTM đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. “Về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp. Về mặt xã hội sẽ góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội; bảo tồn đa dạng sinh thái, làm mới làng xã theo hướng xanh, sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp”, ông Tám nói.

Tuy nhiên, ông Tám cũng cho rằng, qua quá trình triển khai thực hiện các nội dung của chương trình đến nay, những mô hình, sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ là tiềm năng. Nguyên nhân là chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức để phát huy những giá trị vốn có về văn hóa, bản sắc đặc trưng.

Ngoài mô hình hoạt động của hợp tác xã, tổ cộng đồng, còn xuất hiện nhiều mô hình, sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn tự phát, theo thời vụ, cạnh tranh không công bằng giữa các chủ thể trong phục vụ du khách. Diều này dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp của du lịch Quảng Ngãi.

Do đó, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa cho lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Xem phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và chặt chẽ của các cấp uỷ đảng.

“Cần chú trọng phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tăng cường sự quản lý điều hành của nhà nước về đầu tư nguồn lực cho phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn. Có như thế thì du lịch Quảng Ngãi sẽ không ngừng phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hướng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững”, ông Từ Văn Tám, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi nói.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Ngựa núi, gà đồi... đậm hương vị Tây Bắc được ưa chuộng dịp Tết

Các sản phẩm mang hương vị Tây Bắc giờ đây có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM nhờ được chứng nhận OCOP.

Bình luận mới nhất