Ông Nguyễn Trọng Minh, Chỉ huy trưởng quân sự, phụ trách khu nuôi trồng đánh bắt thủy sản phường Yên Thanh (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), cho biết gia đình ông có hơn 2ha đất khai hoang tại khu Núi Gạc, được TP Uông Bí giao đất làm phương án nuôi trồng thủy hải sản.
Thời gian đầu ông nuôi cá rô phi đơn tính, cá trắm trắng, cá chép nhưng hiệu quả không cao. Sau khi được tham gia lớp học mô hình nuôi cá trắm đen tại một số địa phương, nhận thấy cá trắm đen phù hợp với nguồn nước, thổ nhưỡng tại khu vực Uông Bí nên ông Minh đã quyết tâm áp dụng mô hình này trên chính quê hương.
"Nuôi cá trắm đen, theo phương pháp công nghiệp dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, thị trường tiêu thụ rộng nên đạt hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cá truyền thống", ông Minh chia sẻ.
Có hơn 2ha đất, ông Minh bắt tay vào đào ao, nuôi cá trắm đen từ tháng 5/2020. Vụ đầu tiên ông thả gần 8.000 con với mật độ 0,4 con/m2. Ông Minh cho biết, quá trình nuôi cá trắm đen phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường cũng như các hoạt động của cá để có biện pháp chăm sóc thích hợp. Thức ăn cho cá chủ yếu là thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm khoảng 35%, ngoài ra có thể cho cá ăn thêm ốc để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn.
Theo kinh nghiệm ông Minh tích lũy, để nuôi cá trắm đen đạt hiệu quả kinh tế cao cần lưu ý cá trắm đen có nhu cầu ô xy cao hơn các loài cá khác. Nếu không đủ ôxy cá chậm phát triển, dễ bị bệnh và chết.
Do đó, môi trường ao nuôi luôn sạch, bề mặt ao thoáng. Mực nước trong ao luôn giữ khoảng 1,5-2m, khi cá lớn hơn 2 kg cần duy trì mức nước sâu trên 2m. Hàng tuần bơm thêm nước mới để kích thích sinh trưởng và thay nước nếu thấy cần thiết. Để phòng trừ dịch bệnh cho cá, định kỳ 10-15 ngày ông Minh cho rắc vôi bột với liều lượng 2 kg/100m2.
Ngoài ra, cá trắm đen hay bị bệnh viêm ruột xuất huyết do ăn phải thức ăn kém phẩm chất sau nhiễm khuẩn. Để hạn chế thiệt hại, vị cán bộ phường khuyến cáo bà con cần thường xuyên kiểm tra thức ăn, tránh cho cá ăn thừa thức ăn, thức ăn nhiễm nấm mốc, thức ăn chất lượng kém.
"Lúc mua cá giống có trọng lượng trung bình 4 lạng/con. Do được chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật nên đàn cá của gia đình lớn nhanh, ít bị dịch bệnh. Sau 5 tháng nuôi thấy tốc độ phát triển của cá rất tốt, hiện cá trắm đen tại ao đạt khoảng trên 3kg/con", ông Minh vui mừng chia sẻ.
Sau khi thấy nuôi cá trắm đen rất phù hợp, ông Minh đã vận động thêm nhiều hộ dân ở phường Yên Thanh áp dụng mô hình này, đồng thời thường xuyên tư vấn, hướng dẫn cho bà con cách nuôi cá. Hiện trên địa bàn phường Yên Thanh có 5 hộ nuôi cá trắm đen quy mô, tốc độ sinh trưởng của cá đều rất tốt.
"Với tốc độ phát triển tốt như này, đến khoảng tháng 5 sang năm là các hộ dân được thu hoạch. Lúc đó, cá trắm đen xuất bán ra thị trường nặng gần 8kg/con; đột biến sẽ có con nặng trên 10kg, với giá bán dao động từ 80.000 - 100.000đ/kg, tùy vào từng thời điểm. Tính trung bình, trừ chi phí, 01 héc ta nuôi cá trắm đen có thể lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng", ông Minh hào hứng nói.
Ông Trịnh Quang Vinh, Bí thư Đảng bộ phường Yên Thanh, nhận định mô hình nuôi cá trắm đen hứa hẹn mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Hiện nay, sản lượng cá nuôi tại TP Uông Bí chưa nhiều trong khi nhu cầu của thị trường với cá trắm đen thương phẩm tương đối lớn.