| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị: Cán bộ làm đường, càng khiến người dân thêm khổ

Thứ Sáu 03/02/2023 , 08:12 (GMT+7)

Dự án đường liên huyện Gio Linh - Cam Lộ thi công giang dở, đi lại khó khăn; nông sản bị ép giá khiến cuộc sống người dân thôn Trảng Rộng khốn khổ.

Xẻ lô mở đường

Cách cổng chào thôn Trảng Rộng (nay là thôn Hải Hòa, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) chừng nửa km, hầu hết xe ô tô phải dừng lại. Phía trước là tuyến độc đạo vào thôn nhưng xe máy, xe đạp phải rẽ vào con đường nhỏ mở giữa các lô keo, cao su, sắn của người dân để tiếp tục hành trình. Đây là con đường chính của 64 hộ dân nếu muốn ra vào thôn Trảng rộng.

Empty

Tuyến độc đạo vào thôn Trảng Rộng ngập ngụa trong sình lầy. Ảnh: Võ Dũng.

Con đường này gần 2 năm nay, đơn vị thi công đổ đất nền nhưng chưa hoàn thành việc đổ cấp phối, đổ nhựa khiến đường bị xẻ thành hào rãnh sâu, trời mưa nước đọng thành những vũng lớn, nắng lên bụi tung mù trời. Bùn sục, sình lầy đến tận ngõ các hộ dân sinh sống ở khu vực ngoài mặt đường. Trời đã hửng mưa từ vài ngày qua và hé nắng nhưng muốn đi bộ qua con đường này người dân phải sử dụng ủng.

Bài liên quan

Để khắc phục tình trạng trên, người dân thôn Trảng Rộng đã đóng cọc tre ngăn xe ô tô đi vào và lát đá ven đường để có thể đi bộ. Nhưng nhu cầu vận chuyển nông sản và vật liệu ra vào thôn, xe tải 2 cầu vẫn phải đi trên con đường này khiến mặt đường không ngừng bị xẻ thành những rãnh cao, hào sâu.

Ông Lê Đức Thiện là người đầu tiên phá lô keo, sắn của gia đình, lấp mương nước, bắc cầu tre tạm, lót cành cây để đi lại. Thấy vậy, 3 hộ trong thôn cũng làm theo. Một lối mòn đi giữa 4 lô cao su, keo, sắn do người dân thôn Trảng Rộng được hình thành từ gần 2 năm nay.

“Con em trong thôn đi học rất cơ cực; cứ 5 - 7 ngày lại phải thay một bộ má phanh xe, mỗi tháng thay nhông xích 1 lần, người ốm đau muốn đi viện phải dìu hoặc cáng ra khỏi cổng làng mới chở đi được”, ông Thiện bức xúc.

Empty

Người dân thôn Trảng Rộng xẻ đường xuyên qua các lô cao su, keo, sắn để ra vào làng. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng do dự án dang dở, lối thoát nước bị bịt, một số hộ dân phản ánh cây trồng lâu năm bị chết; 4ha ruộng lâu nay luôn đủ nước thì giờ lại khô khốc. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên UBND xã Hải Thái nhưng vẫn chưa được giải quyết.

“Nhà tôi chết mất 200 cây cao su mới trồng. Trước đó trồng tràm cũng bị chết do các lối thoát nước bị bịt, cây bị ngập úng. Ngoài ra, phía ngoài cổng thôn có 4 ha lúa khô nước do đập tràn giữ nước đã bị phá bỏ để xây cống thoát nước”, anh Dương Chí Hùng, người dân thôn Trảng Rộng cho hay.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, tuyến độc đạo chạy giữa thôn Trảng Rộng thuộc gói thầu QT01 Dự án công trình đường giao thông liên huyện Gio Linh - Cam Lộ dài khoảng 4km. Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh có trụ sở tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Empty

Con đường tạm bợ nhưng là lối đi chính khi người dân có việc ra vào thôn Trảng Rộng. Ảnh: Võ Dũng.

Trên toàn đoạn đường đi qua thôn Trảng Rộng, hiện đơn vị thi công mới chỉ đổ nền bằng đất sét, dễ tạo ra sình lầy. Người dân thôn Trảng Rộng cho hay, con đường này trước đây cũng bằng đất nhưng là đất sỏi, chỉ đôi đoạn bị sình lầy, người dân đổ đất sỏi vào vẫn đi lại bình thường. Tuy nhiên, từ khi triển khai dự án, đường bị xẻ rãnh, sình lầy nên việc đi lại hết sức khó khăn. Khi người dân phản ánh, đơn vị thi công chỉ cho máy vào san lại mặt bằng lấy lệ, sau đó trời mưa đường lại tiếp tục sình lầy. Vì thế, con đường chính đi vào thôn Trảng Rộng hiện nay vẫn phải đi qua các lô trồng cây nông nghiệp của người dân.

“Đặc sản” rước dâu bằng xe tải

Vài năm nay, ông Nguyễn Văn Phú mua chiếc xe ô tô để đi lại. Nhưng chính ông cũng không ngờ, kể từ ngày mua đến nay, xe đã hết hạn vẫn không thể đi ra khỏi thôn để đăng kiểm. Sợ xe hỏng, mất điện bình ắc quy, mấy tháng nay ông Phú thi thoảng nổ máy tiến lùi trong ga ra, chờ đến ngày con đường hoàn thành để đi đăng kiểm.

Xe trong thôn không thể đi ra ngoài đã đành, xe ô tô từ bên ngoài cũng không thể vào nổi thôn Trảng Rộng trừ xe tải 2 cầu. Vì thế, nhiều hộ dân ở thôn Trảng Rộng làm đám cưới cho con em phải thuê xe tải 2 cầu rước dâu, chở quan khách đi lại trên quãng đường này. Chi phí cưới hỏi vì vậy lại tăng lên.

Vo Van Dung NNVN (13)

Người dân đóng cọc tre để ngăn xe ô tô tải ra vào nhưng đây cũng là con đường duy nhất để vận chuyển nông sản và vật liệu xây dựng ra vào thôn Trảng Rộng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Đức Thiện là một ví dụ. Cuối tháng 12/2022, gia đình ông tổ chức đám cưới cho con gái ra cửa nhà. Đúng vào thời điểm trời mưa, nước đọng thành vũng lớn trên đường, đường sình lầy khiến không một xe rước dâu nào dám nhận lời đi vào thôn Trảng Rộng. Cực chẳng đã, hai gia đình phải thống nhất phương án thuê xe tải 2 cầu vào nhà ông đi ăn đám hỏi và rước dâu, chở quan khách đến nhà trai.

“Cả đám ăn hỏi và đám cưới chúng tôi phải thuê 14 chuyến xe tải 2 cầu để đi khoảng 1km ra vào làng. Nhưng nhà xe cũng ngại nhận lời vì quá vất vả. Mỗi chuyến như vậy nhà xe lấy 600 nghìn đồng. Cũng không còn cách nào khác, vì hạnh phúc của các con mà chúng tôi phải chấp nhận”, ông Thiện thở dài.

Empty

Để tổ chức cưới hỏi cho con em, các gia đình phải thuê xe tải 2 cầu để chở cô dâu chú rể và quan khách. Ảnh: Cắt từ video người dân cung cấp.

Sau đám cưới con gái ông Thiện, một số gia đình trong thôn cũng học theo và thuê xe tải 2 cầu chở cô chú rể. Một số hộ phải dời điểm tổ chức hôn lễ ra phía ngoài cổng làng.

“Tổ chức cưới hỏi trong thôn không thể đi lại được nên phải dời ra phía ngoài cổng làng, rất cơ cực nhưng không còn cách nào khác. Vừa rồi gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, Hoàng Văn Đức… cũng phải tổ chức đám cưới cho con ở ngoài cổng làng. Đường này thì chỉ được lúc trời nắng mà cũng chỉ đi được bằng xe máy còn xe đạp, xe đạp điện, xe con phải gửi làng bên, đi bộ vào làng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoặc chí ít cũng phải khắc phục để người dân đi lại nhưng họ chỉ làm lấy lệ” – ông Nguyễn Thế Hùng bức xúc.

Lãnh đạo xã Hải Thái không nắm rõ về dự án nhưng cũng xác nhận tình cảnh khốn khó của người dân và cho rằng, chính quyền xã đã rất trách nhiệm khi nhận được phản ánh từ phía người dân.

“Chúng tôi là đơn vị thụ hưởng nên không nắm rõ về dự án nhưng quả thật là trời mưa người dân thôn Trảng Rộng đi lại rất khổ sở; nông sản phải cõng thêm chi phí tăng do vận chuyển khó khăn. Sau khi người dân phản ánh chúng tôi cũng đã đề nghị đơn vị thi công khắc phục tạm để người dân đi lại. Thời gian qua, trời mưa liên tục nên việc thi công không thuận lợi, nắng lên họ mới làm được”, ông Hoàng Đoán, Chủ tịch UBND xã Hải Thái cho hay.

Vo Van Dung NNVN (9)

Nhà thầu bỏ mặc người dân trong cảnh khốn khó do giao thông cách trở. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Trọng Hưởng, chuyên viên Phòng Quản lý Dự án giao thông thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Quảng Trị cho rằng, quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều yếu tố bất lợi do khách quan mang lại nhưng chính bản thân nhà thầu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân hai bên đường.

“Ban đã chỉ đạo nhà thầu quyết liệt và họ cũng đã tuân thủ theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án và nguyện vọng của người dân, cũng tập kết thiết bị máy móc để đảm bảo nhu cầu đi lại của bà con. Tuy nhiên, khối lượng đất đã đắp trên tuyến đường này khá lớn nên rất khó để họ nạo vét, đưa đất bị sình lầy ra khỏi tuyến đường để tạo điều kiện đi lại tốt nhất cho người dân”, ông Hưởng nêu quan điểm.

Người dân thôn Trảng Rộng đang ở trên đất nông nghiệp

Thôn Trảng Rộng có 64 hộ dân, đa phần là những gia đình từ khắp nơi về đây lập khu kinh tế mới. Thế nhưng, 30 năm nay, hầu hết các gia đình đều xây nhà ở trên đất nông nghiệp do quá trình xin cấp giấy CNQSDĐ ở gặp khó khăn. Đại diện UBND xã Hải Thái lý giải, toàn xã hiện có khoảng 300ha của thôn Trảng Rộng là đất xâm canh lên địa phận hành chính xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) nên quá trình cấp GCN QSDĐ gặp những khó khăn nhất định.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.