| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá chậm tiến độ, Quảng Trị 2 lần 'cầu cứu' Chính phủ

Thứ Hai 31/10/2022 , 08:15 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Dự án cảng cá chậm tiến độ, UBND tỉnh Quảng Trị đã 2 lần đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện.

Vướng hợp đồng cho thuê mặt bằng

Cảng cá Nam Cửa Việt nằm tại xã Triệu An (huyện Triệu Phong) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2002. Kể từ thời điểm đó, theo các văn bản hướng dẫn và quy định của UBND tỉnh Quảng Trị, Ban quản lý cảng cá đã cho 18 hộ dân thuê mặt bằng để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong số này, có 9 hộ thuê mặt bằng trên cơ sở hạ tầng đã được đầu tư bằng nguồn ngân sách và 9 hộ thuê mặt bằng “sạch”. Thời hạn cho thuê theo hợp đồng là 10 năm, hết thời hạn trên, hai bên sẽ tiếp tục gia hạn.

Empty

Cảng cá chậm tiến độ do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Võ Dũng.

Những hộ dân thuê mặt bằng "sạch" (chưa có hạ tầng) sẽ tự xây dựng các cơ sở phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá như sản xuất đá, mở các quầy ốt… Nhiều hộ đã đầu tư xây dựng với số vốn 500 - 600 triệu đồng. Đến năm 2021, thời điểm Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được triển khai, nhiều hợp đồng vẫn chưa đáo hạn. Điều này khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, giữa các bên không tìm được tiếng nói chung.

Một hộ thuê mặt bằng nằm trong khuôn viên cảng cá Cửa Việt cho hay, hiện hợp đồng chưa đáo hạn, gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để kinh doanh. Nếu chủ đầu tư dự án thu hồi mà không đền bù thì nhiều lao động trong cửa hàng này sẽ mất việc, chủ cửa hàng cũng sẽ mất một khoản tiền không nhỏ đã đầu tư để xây dựng.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh Quảng Trị cho biết, trong hợp đồng có điều khoản khi nào hết hợp đồng, bên B sẽ phải hoàn trả mặt bằng mà không được hưởng các khoản đền bù. Tuy nhiên, thời điểm Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được triển khai, nhiều hợp đồng chưa đáo hạn. Điều đó có nghĩa là bên B không có lỗi. Nếu họ không được đền bù thì quá thiệt thòi và đương nhiên họ sẽ không chấp nhận.

Ông Sơn cũng khẳng định, việc Ban quản lý cảng cá tỉnh Quảng Trị hợp đồng cho thuê với thời hạn 10 năm là đúng quy định nhưng trong hợp đồng cũng không đề cập đến việc nếu thu hồi sớm thì bên nào sẽ chịu trách nhiệm đền bù. Vì vậy, ông Sơn nêu quan điểm: “Chủ đầu tư cần có phương án hỗ trợ để những hộ thuê mặt bằng đỡ thiệt thòi. Chúng tôi xem trong thiết kế bản vẽ thì chỉ có hệ thống thoát nước của dự án đi qua các khu đất cho thuê. Nếu chủ đầu tư điều chỉnh để hệ thống này lệch sang hành lang đường nội bộ thì cũng không ảnh hưởng gì và sẽ vẹn cả đôi đường”.

Empty

Cần phải có chính sách thỏa đáng để những hộ thuê mặt bằng, tự xây dựng hạ tầng phát triển hậu cần nghề cá đỡ thiệt thòi. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho hay, trước việc không thể giải phóng mặt bằng trong khu vực cảng để thi công, mới đây, đoàn công tác UBND tỉnh đã về làm việc với Ban quản lý cảng cá. Tuy nhiên, đoàn công tác hiện vẫn chưa tìm ra phương án để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.

“Vừa rồi, UBND tỉnh Quảng Trị đã có thông báo kết luận về công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, trong khu vực cảng cá Cửa việt, Ban quản lý cảng cá cho người dân thuê để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, công tác giải phóng mặt bằng thuộc thẩm quyền của Sở NN-PTNT. Còn ý kiến của Sở TN-MT là sẽ không thể đền bù từ nguồn ngân sách được. Khu vực ngoài cảng cá, việc giải phóng mặt bằng thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương”, ông Bình cho hay.

Chưa giải phóng mặt bằng đã triển khai thi công

Ngoài việc nhiều hợp đồng với người dân trong khu vực cảng chưa được thanh lý, chưa giải phóng mặt bằng, việc triển khai Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cũng còn nhiều bất cập. Đến nay, hàng chục hộ dân tại xã Triệu An, nơi thực hiện dự án vẫn không chấp nhận phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Thế nhưng, từ tháng 7/2021, nhà thầu đã triển khai thi công. Điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư đã cho thi công khi chưa được bàn giao mặt bằng.

Về điều này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị lý giải, đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu sốt ruột vì thời gian thực hiện dự án ngắn lại phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết bất lợi nên phải tranh thủ thi công sớm.

Empty

Hàng chục hộ dân sẽ rơi vào tình cảnh sống quá gần khu vực cảng cá do công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng lộ rõ nhiều bất cập. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Triệu An, về cơ bản không phải người dân không chịu bàn giao mặt bằng mà do phương án thu hồi đất lộ rõ nhiều bất cập

Dự án sẽ chỉ thu hồi đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng của 20 hộ dân quanh khu vực cảng cá Nam Cửa Việt hiện nay. Tuy nhiên, nếu phương án này được triển khai thì vô tình sẽ đẩy khu vực dân cư nơi có 20 hộ dân sinh sống nằm ở 2 bên con đường đi vào cảng lọt thỏm giữa khu vực cảng cá. Nhiều hộ đề nghị chủ đầu tư phải thu hồi cả đất thổ cư để tái định cư, tránh việc cuộc sống sau này nằm trong khu vực ô nhiễm cảng cá.

“Thu hồi nhưng không thu hồi hết nên có 20 hộ dân sẽ nằm giữa khu vực cảng cá và như thế sẽ rơi vào tình thế chịu ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm mùi cá… Chúng tôi thấy nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng và đã đề nghị UBND huyện Triệu Phong nghiên cứu phương án phù hợp, tránh để người dân chịu thiệt thòi”, ông Phương nói.

Trước tình hình này, UBND xã Triệu An đã có tờ trình đề xuất nguyện vọng của người dân gửi UBND huyện Triệu Phong. UBND huyện Triệu Phong cũng đã có văn bản chỉ đạo các phòng chức năng của huyện tham mưu các phương án nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng gồm 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong có mức đầu tư 130 tỷ đồng.

1

Cảng cá chậm tiến độ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngư dân trong việc bốc dỡ hàng hóa và neo đậu tàu thuyền. Ảnh: Võ Dũng.

Theo kế hoạch, đến tháng 6/2022, dự án thành phần này sẽ bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vướng nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố giải phóng mặt bằng nên đến nay dự án thành phần này mới thực hiện được chưa đến 50% khối lượng công việc. Dự án hiện đang tạm dừng vì chưa được gia hạn nên không có cơ sở giải ngân. Các dự án thành phần khác hiện cũng chưa giải ngân nguồn vốn vì chậm tiến độ, chưa được Chính phủ gia hạn thời gian.

Trước những vướng mắc trên, ngày 20/7/2022, UBND tỉnh Quảng Trị có tờ trình gửi Bộ Kế họach và Đầu tư xin gia hạn nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Ngày 21/10, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục có tờ trình gửi Bộ Kế họach và Đầu tư xin gia hạn đến cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị chia sẻ thêm, nếu không được Chính phủ chấp nhận gia hạn sớm thì có nguy cơ dự án tiếp tục chậm tiến độ. “Giờ đến đầu năm sau, thời tiết sẽ mưa liên tục nên gần như không thể thi công. Vì vậy, thời gian thi công từ nay đến cuối năm 2023 sẽ không còn nhiều. Nếu Chính phủ không gia hạn sớm thì dự án sẽ đứng trước nguy cơ chậm tiến độ”.

Cảng cá chậm tiến độ, ngư dân gặp nhiều khó khăn

Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cảng cá Nam Cửa việt và một số dự án thành phần khác chậm tiến độ đang gây ra rất nhiều khó khăn cho ngư dân trong việc cập cảng bốc dỡ hàng hóa. Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m đã phải vào những cảng các cấp III để bốc dỡ hàng hóa. Đây là điều trái quy định và gây ra nhiều khó khăn trong công tác chống đánh bắt cá theo quy định của IUU.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.