Lúa hữu cơ được trồng tại HTX Đại An Khê (huyện Hải Lăng). |
Quảng Trị hiện có gần 600 ha lúa hữu cơ, được trồng chủ yếu tại các địa phương sản xuất lúa trọng điểm như Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh… Trong đó, có khoảng 200ha là thành quả của dự án hợp tác sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch, bền vững giữa tỉnh Quảng Trị và Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam.
Tính đến nay đã có 6 hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai ký kết hợp đồng liên kết với Cty Đại Nam trồng lúa hữu cơ. Nông dân tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ sẽ được hỗ trợ 100% phân bón, giống và được thu mua lúa tươi đảm bảo tiêu chuẩn với giá 6.000 đồng/kg (giống lúa RVT). Ngoài ra, nông dân được bao tiêu toàn bộ lúa tươi giống lúa mới ST24 với kinh phí 26 triệu đồng/ha…
Là một trong những hợp tác xã (HTX) tiên phong tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, bắt đầu từ vụ Hè Thu 2017 – 2018, HTX Đại An Khê (huyện Hải Lăng) triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ áp dụng giống lúa mới RVT, ST24 với hơn 150ha và 50 hộ dân thực hiện. Trải qua 5 vụ, mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc HTX Đại An Khê cho biết: “Tham gia trồng lúa hữu cơ, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật thì điều mà người dân phấn khởi hơn cả là được doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định. Với mức giá thu mua cao hơn khoảng 20% so với lúa truyền thống, lại được thu mua ngay tại ruộng, bình quân người dân lãi từ 18-20 triệu đồng/ha”.
Ngoài HTX Đại An Khê, hiện tỉnh Quảng Trị đã hình thành các vùng sản xuất lúa được quy hoạch tập trung, trên cánh đồng lớn như: Hợp tác xã Phước Thị (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) 20 ha; Tổ hợp tác Long Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) 10 ha; hợp tác xã Đức Xá (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) 40 ha...
Theo ý kiến người dân, đa phần đều đồng tình với mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa hữu cơ. Đặc biệt hình thức liên kết mà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn mặt bằng chung như cách làm hiện nay của Cty Đại Nam được người dân đánh giá cao.
Mới đây, thông tin trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản) công bố nghiên cứu trong gạo hữu cơ Quảng Trị có 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng chống tiểu đường, bệnh gút, béo phì càng làm cho người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng gạo hữu cơ Quảng Trị. Đây là cơ hội để gạo hữu cơ Quảng Trị từng bước khẳng định thương hiệu.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là diện tích lúa hữu cơ tại Quảng Trị vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay tổng diện tích lúa hữu cơ chỉ đạt khoảng 600 ha, với trên 4.000 tấn, trong khi đó nhu cầu lúa gạo hữu cơ rất lớn. Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Trị đặt ra kế hoạch đến năm 2020 sẽ tăng diện tích lên trên 2.000 ha.
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm gần đây tỉnh đã có hành lang pháp lý nhằm ưu đãi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Tnh mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và triển vọng này. |