| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị: Tín hiệu tích cực về kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi

Thứ Ba 28/02/2023 , 08:35 (GMT+7)

Qua kiểm tra 40 mẫu (gồm 28 mẫu nước tiều bò và 12 mẫu nước tiểu lợn) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đều cho kết quả âm tính với chất cấm Salbutamol.

Nguy hại của chất cấm trong chăn nuôi

Hiện nay, chăn nuôi của tỉnh Quảng Trị đang hồi phục và từng bước phát triển khá mạnh. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 56.306 tấn. Cơ cấu hình thức chăn nuôi đang chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghệ cao và an toàn sinh học.

Toàn tỉnh hiện có 629 trang trại chăn nuôi, trong đó có trên 60 trang trại chăn nuôi có liên kết với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. Cùng với việc triển khai các giải pháp đồng bộ để phát triển đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị kiểm tra chất cấm tại trang trại chăn nuôi. Ảnh: Việt Toàn.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị kiểm tra chất cấm tại trang trại chăn nuôi. Ảnh: Việt Toàn.

Theo Thông tư số 21 ngày 28/11/2019 của Bộ NN-PTNT, hiện nay có 25 chất cấm không được sử dụng trong chăn nuôi. Trong đó, có 03 chất phổ biến nhất là Clenbuterol, Cysteamine và Salbutamol (thường được gọi là chất tạo nạc, tăng trọng). Những chất này khi đi vào cơ thể động vật sẽ dễ dàng lưu lại trong thịt. Khi con người ăn phải thịt có chứa các chất này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Trường hợp gây ngộ độc cấp tính có thể gây rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, nguy cơ sẩy thai. Trường hợp gây ngộ độc mãn tính, khi người sử dụng thực phẩm chứa chất cấm trong thời gian dài có thể gây nhiễm độc gan, có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hormon cơ thể, nếu lâu dần sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu lên tim mạch, có thể gây biến chứng ung thư, gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người...

Ngoài ra, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ gây tác hại xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn khiến tâm lý người tiêu dùng hoang mang, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành chăn nuôi.

Hiện nay, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân dẫn đến việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật là do nhận thức về tác hại của chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, khi sử dụng một số chất như Clenbuterol, Cysteamine, Salbutamol sẽ làm cho vật nuôi có tỷ lệ nạc cao, tăng trọng nhanh hơn so với chăn nuôi bình thường dẫn đến người chăn nuôi vì hám lợi mà vi phạm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi về sự nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi về sự nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Việt Toàn.

Kỹ sư Đoàn Trần Anh Minh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết: Về chế tài xử lý, hiện nay, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Về xử phạt vi phạm hành chính, theo Khoản 4, Điều 28 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính Phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi quy định: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án. Ngoài ra, buộc tiêu hủy chất cấm và vật nuôi đã sử dụng chất cấm đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Không còn phát hiện mẫu dương tính với chất cấm

Tại tỉnh Quảng Trị, việc phòng ngừa, ngăn chặn kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã và đang được coi là nhiệm vụ cấp bách. Để chủ động ngăn ngừa, phát hiện kịp thời hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp nếu có vi phạm.

Tỉnh Quảng Trị có tổng đàn lợn 195.000 con, đàn trâu 20.500 con, đàn bò 55.900 con. Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành kiểm tra hoạt động chăn nuôi ở các trang trại, hộ chăn nuôi ở hầu khắp các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy định về thức ăn trong chăn nuôi, không sử dụng chất cấm, các trang trại, hộ dân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng thực hiện khá tốt quy định về môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Qua kiểm tra, giám sát, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi.

Qua kiểm tra, giám sát cho thấy tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát chất cấm chăn nuôi. Ảnh: Việt Toàn.

Về các đại lý thức ăn chăn nuôi, đa phần đều cung ứng sản phẩm của các công ty, doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, uy tín, chất lượng. Song song với hoạt động thanh kiểm tra, vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lấy mẫu test nhanh xét nghiệm Salbutamol để kiểm tra việc sử dụng chất cấm đối với gia súc (trâu, bò, lợn) tại 19 cơ sở giết mổ. Qua kiểm tra 40 mẫu (gồm 28 mẫu nước tiều bò và 12 mẫu nước tiểu lợn) đều cho kết quả âm tính với chất cấm Salbutamol.

Là người chăn nuôi lợn lâu năm, lại chăn nuôi số lượng lớn, anh Lê Hoài Phú ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ chia sẻ: "Những năm qua, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng có nghe nói về chất tạo nạc, một chất cấm trong chăn nuôi. Bản thân gia đình tôi từ khi chăn nuôi đến nay chỉ cho lợn ăn thức ăn của công ty có uy tín trên thị trường sản xuất, kết hợp với các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Ngoài tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi theo đúng định kỳ, gia đình tôi chỉ sử dụng sản phẩm thuốc bổ, vitamin của các công ty có uy tín để tăng sức đề kháng cho lợn khi sinh sản và khi thời tiết chuyển mùa. Chúng tôi không sử dụng các chất cấm để trộn vào thức ăn chăn nuôi, vì tôi biết nếu làm như thế là vi phạm pháp luật và lương tâm của tôi không cho phép...".

Ông Dương Văn An ở thôn Hữu Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong cho biết: Gia đình ông phát triển mô hình chăn nuôi trang trại bò thịt từ năm 2016, trung bình số lượng từ 15 đến 20 con. “Quá trình chăn nuôi, tôi luôn áp dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo kiểm soát an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn thức ăn tại địa phương để phát triển chăn nuôi và điều tôi tối kỵ nhất là sử dụng chất cấm, các thức ăn có chất cấm để đảm bảo sức khỏe cho gia đình cũng như cộng đồng” ông An nói.

lon_qtri_1

Thông qua các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nông dân Quảng Trị ngày càng có ý thức trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và "nói không" với chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Việt Toàn.

Ông Hồ ngọc Quỳnh, Đội trưởng kiểm soát giết mổ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Triệu Phong cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị và chỉ thị của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Triệu Phong đã kết hợp với thị trấn và các xã tiến hành về tận các lò mổ và trang trại chăn nuôi để tuyên truyền cho bà con biết được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, từ đó hướng dẫn bà con tuyệt đối không được sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...

Rõ ràng, với việc các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị "nói không” với chất cấm trong chăn nuôi đã phần nào giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm thịt chăn nuôi tại địa phương. Tuy nhiên, cũng chưa thể khẳng định hoàn toàn thời gian tới không có hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, bởi thực tế chăn nuôi hiện nay theo hình thức nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến và không phải người chăn nuôi nào cũng nhận thức được mức độ nguy hại của chất cấm.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn; lực lượng mỏng, kinh phí kiểm nghiệm mẫu hàng năm hạn chế, giá mẫu kiểm nghiệm, phân tích cao... Khắc phục những khó khăn trên, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị luôn làm tốt công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian đến, cùng với việc tăng cường hoạt động lấy mẫu ở các hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ, Chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng; các quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi; thông tin kịp thời và chính xác cho người dân biết về tình hình và danh tính các đối tượng vi phạm nếu có...

Ngoài việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị đã triển khai các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, đồng thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất, các trang trại, gia trại, nông hộ tiếp cận và định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP để tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững...

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.