| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu

[Bài 7]: Lời 'gan ruột' của các nhà quản lý chuyên ngành thú y

Thứ Năm 26/05/2022 , 10:16 (GMT+7)

Chia sẻ 'gan ruột' của các nhà quản lý chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương cho thấy, hoạt động mua bán thuốc thú y vẫn là một 'mặt trận nóng'.

Thuốc thú y và thuốc diệt chuột, thuốc BVTV trên cùng kệ hàng

Cuối tháng 4/2022, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Đông (vừa nghỉ hưu theo chế độ) đã có những phút trải lòng về thực trạng buôn bán, kinh doanh thuốc thú y, vacxin hiện nay.

Ông chia sẻ, đối với các tỉnh chưa sáp nhập trạm thú y vào Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, công tác quản lý thuốc thú y tương đối tốt. Nhưng, tại các địa phương đã sáp nhập thì Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện chưa nắm được trên địa bàn mình có bao nhiêu cơ sở kinh doanh vacxin, thuốc thú y và các cơ sở đó nằm ở đâu. Bởi Chi cục Thú y là cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.

Từ đó nảy sinh rất nhiều bất cập và việc triển khai thực hiện không đúng quy định như: bán thuốc ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; thuốc hết hạn sử dụng. Thậm chí, có trường hợp thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt chuột, hạt giống cùng có trên một kệ hàng.

“Có nơi còn tổ chức tiêm phòng bệnh ngay tại cửa hàng thuốc; lọ vacxin hôm nay không tiêm hết lại bọc túi nilong, để tủ lạnh tiêm tiếp những hôm sau, thậm chí tiêm cho cả lứa”, ông Đông kể những chuyện mắt thấy, tai nghe.

Ông Phạm Văn Đông - nguyên Cục trưởng Cục Thú y (ngoài cùng bên trái) kiểm tra phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 tại một đơn vị trực thuộc Cục thú y. Ảnh chụp ngày 19/1/2022, khi ông Đông đang giữ chức Cục trưởng. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Phạm Văn Đông - nguyên Cục trưởng Cục Thú y (ngoài cùng bên trái) kiểm tra phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 tại một đơn vị trực thuộc Cục thú y. Ảnh chụp ngày 19/1/2022, khi ông Đông đang giữ chức Cục trưởng. Ảnh: Minh Phúc.

Còn về vấn đề điều trị, vị “lão tướng” trong lĩnh vực thú y trần tình: “Có trường hợp, một xilanh cắm hàng chục loại thuốc khác nhau. Họ rút thuốc để điều trị hàng hoạt các bệnh cho lợn, cho chó, cho mèo”.

Có cửa hàng thuốc thú y bày bán cả vịt giống, gà giống, rồi lấy xi lanh san chia thuốc sang các lọ nhựa để cho khách hàng mang về tiêm. Và đây chính là yếu tố làm lây lan dịch bệnh. Hiện nay có nhiều dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… nếu chúng ta reo rắc chất nguy hại ra cửa hàng, con người tiếp xúc phải thì hết sức bất cập.

Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội cho biết, năm 2021 đến tháng 4/2022, Chi cục đã tiến hành lấy 59 mẫu thuốc thú y và xử phạt hành chính 7 vụ. Nói về các tồn tại, ông Đảng chia sẻ: Thứ nhất là ý thức của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động mua bán thuốc thú y còn hạn chế, và còn vi phạm trong kinh doanh thuốc thú y như bán thuốc không có trong danh mục, thuốc quá hạn sử dụng, cơ sở không có đăng ký kinh doanh nhưng vẫn kinh doanh thuốc và thậm chí là kinh doanh thuốc không đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, dẫn đến thuốc không đảm bảo chất lượng.

Nhiều loại thuốc hết hạn, ngoài danh mục, thuốc không có tem nhãn bị phát hiện tại cửa hàng kinh doanh thuốc thú y Xuân Hòa (xã Đạo tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều loại thuốc hết hạn, ngoài danh mục, thuốc không có tem nhãn bị phát hiện tại cửa hàng kinh doanh thuốc thú y Xuân Hòa (xã Đạo tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Minh Phúc.

Thứ hai, trong phân cấp quản lý hiện nay, khi phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc thú y không đảm bảo chất lượng, Chi cục Thú y chỉ được xử phạt đối với cơ sở kinh doanh chứ không xử lý vi phạm cơ sở sản xuất ra sản phẩm thuốc thú y đó.

“Trong thời gian tới, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn triển khai thực hiện các quy định của Luật Thú y và các quy định liên quan, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành cùng tham gia công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc thú y thì mới ngăn chặn được”, ông Đảng đề xuất giải pháp.

Năm 2021 có 278 cơ sở vi phạm quy định trong buôn bán thuốc thú y

Theo tổng hợp của Cục Thú y, chỉ tính riêng năm 2021, có tới 278 cơ sở vi phạm quy định trong buôn bán thuốc thú y. Các hành vi sai phạm đã được chỉ rõ gồm: bán thuốc thú y, vacxin thú y quá hạn sử dụng, sai nhãn hiệu hàng hóa, thuốc ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, thuốc không đúng hàm lượng ghi trên nhãn, không đảm bảo chất lượng; không niêm yết giá bán; chứng chỉ hành nghề đã hết hạn;

Một hộp thuốc do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu qua biên giới được phát hiện tại cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Một hộp thuốc do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu qua biên giới được phát hiện tại cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Bên cạnh đó, còn có trường hợp bán chung thuốc thú y với thuốc bảo vệ thực vật; tự ý san chia các loại thuốc thú y không được phép của cơ quan chuyên ngành thú y có thẩm quyền; bán thuốc thú y chung với hóa chất công nghiệp…

Nhiều sản phẩm hàng hóa vi phạm đã bị lực lượng chức năng thu giữ, tổ chức tiêu hủy và xử phạt với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, những số liệu thống kê ở trên mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, bởi theo báo cáo của Cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y không đủ biên chế công chức nên việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh tra chuyên ngành gặp rất nhiều khó khăn.

Trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương không tiến hành thanh tra, kiểm tra (Ninh Thuận), nếu có thì số lượng đợt thanh tra rất ít, 1 - 2 cuộc/năm hoặc tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành.

Để thanh lọc thị trường kinh doanh thuốc thú y trong nước, qua đó đào thải các sản phẩm thuốc, vacxin thú y kém chất lượng; ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, thiết nghĩ, chúng ta cần một chiến dịch hành động nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán thuốc, vacxin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc như “cuộc chiến” với chất cấm Salbutamol, Vàng Ô trong thức ăn chăn nuôi trước đây ngành nông nghiệp từng phát động.

Sử dụng thuốc dành cho người trong điều trị bệnh cho động vật

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, chia sẻ: Trước đây chúng ta có cuộc chiến chống sử dụng chất chấm Salbutamol. Và hiện nay, chúng ta phải thừa nhận một thực tại rằng, việc quản lý thuốc thú y vẫn chưa tốt.

“Chúng ta phải đánh giá thực trạng này, kể cả việc sử dụng thuốc dành cho người trong điều trị bệnh cho động vật vẫn có”, bà Khanh nhấn mạnh và đề xuất “cần phải giải quyết bài toán tổng thể từ cách thức quản lý cho đến triển khai thực thi trong thực tế”.

Bà Khanh nêu thực trạng: Doanh nghiệp thường đưa lực lượng xuống trực tiếp các trại để cung cấp thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh cho người dân sử dụng. Địa phương không quản lý được nội dung này và chúng tôi hết sức đau đầu.

Nhất là trong lĩnh vực thủy sản, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Long An “bùng nổ việc cung cấp tôm giống”. Khi doanh nghiệp trực tiếp bắt tay với các trại nuôi tôm để bán thuốc thú y thủy sản, khi gặp trục trặc hoặc vấn đề gì đó thì cơ quan quản lý chuyên ngành không thể kiểm tra và xử lý vi phạm. Bởi vì nông dân cần các kỹ thuật viên tư vấn, dẫn đến công tác xử lý gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nữ Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cũng tha thiết đề nghị Cục Thú y liên tục cập nhật danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam trên website của Cục. Bởi hiện nay, Cục vẫn chưa cập nhật kịp thời, dẫn đến tình trạng khi đoàn kiểm tra phát hiện sản phẩm mới, tra cứu danh mục trên website của Cục không thấy. Nếu đoàn kiểm tra không kiểm chứng lại thông tin mà xử phạt cơ sở kinh doanh thì rất rủi ro. Một nội dung khá quan trọng cũng được bà Đinh Thị Phương Khanh kiến nghị, đó là phải củng cố lực lượng thanh tra chuyên ngành, bởi hiện nay lực lượng này khá rời rạc.

Đồng quan điểm với bà Khanh, ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, chia sẻ: “Các doanh nghiệp trực tiếp đưa nhân viên đến các trang trại để hướng dẫn, đề xuất sử dụng các sản phẩm thuốc thú y, vacxin là một “lỗ hổng” mà sắp tới chúng ta phải kiểm soát chặt hơn”.

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề quản lý buôn bán thuốc thú y. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề quản lý buôn bán thuốc thú y. Ảnh: Minh Sáng.

Cũng theo ông Sinh, Đồng Nai là địa bàn có rất nhiều điểm bán thuốc thú y với 478 cơ sở lớn nhỏ trải khắp các địa bàn. Trung bình mỗi năm, địa phương tổ chức 3 đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, tuy nhiên năm 2021 chỉ tiến hành được 1 đợt. Kết quả kiểm tra đã phát hiện rất nhiều hành vi vi phạm, lực lượng chức năng đã ra các quyết định xử phạt với tổng số tiền 180 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre chia sẻ: Hiện nay chúng tôi rất khó kiểm soát các cơ sở kinh doanh vacxin thú y và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng vacxin thú y. Trong khi theo quy định, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh phải cấp các Giấy chứng nhận này.

Để quản lý tốt hoạt động kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với các lực lượng như quản lý thị trường, công an địa phương để tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc thú y không có nhãn mác, kém chất lượng. Nhất là đối với hoạt động buôn bán, quản lý và tiêm phòng các loại vacxin.

--------------

Bài 1: Tôi đi mua vacxin lậu

Bài 2: Trại chăn nuôi thành 'phòng thí nghiệm' vacxin lậu

Bài 3: Đi tìm 'trùm' buôn vacxin, kháng sinh nguyên liệu Trung Quốc

Bài 4: Sử dụng kháng sinh vô tội vạ, hiểm họa cho sức khỏe con người

Bài 5: Shopee - 'thiên đường' mua bán vacxin thú y không phép

Bài 6: Do hệ thống thú y bị đứt gãy

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.