| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội yêu cầu làm rõ rủi ro cho nền kinh tế từ xung đột Mỹ-Trung

Thứ Hai 15/10/2018 , 19:29 (GMT+7)

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chính phủ cần đưa ra phương án cụ thể để đối phó thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, duy trì đà chuyển biến tích cực. Năm 2018, 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều vượt và hoàn thành. Tăng trưởng kinh tế (GDP) 2018 nhiều khả năng vượt 6,7%; lạm phát dưới 4% và bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 204.000 tỷ đồng, bằng 3,67% GDP thực hiện.

Nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những con số này nếu đưa ra Quốc hội thảo luận "sẽ phấn khởi lắm". Tuy nhiên, những thách thức nội tại của nền kinh tế nêu tại báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, theo bà, có cơ sở. "Lạm phát được duy trì dưới 4% giúp ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng không nên lơ là trước những rủi ro", bà Ngân nói.

Rủi ro của nền kinh tế được Chủ tịch Quốc hội đề cập là thách thức lạm phát và tỷ giá, cũng như các rào cản thủ tục hành chính. Kế tiếp là rủi ro đến từ biến động kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp tới đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam. 

Cũng đề cập tới tác động xung đột thương mại Mỹ - Trung, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, muốn hay không thì cuộc chiến thương mại này sẽ là cơ hội thuận lợi, nhưng cũng có những thách thức.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ảnh: Quochoi.vn

Ông đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ, chính xác và dự phòng chính sách ứng phó tác động cuộc chiến này. "Chúng ta tận dụng được cơ hội gì, cần tránh gì từ cuộc chiến này, phương án trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ ra sao trước rủi ro..., cần được phân tích cụ thể, rõ ràng", Phó chủ tịch nhấn mạnh.

Để tăng sức thuyết phục các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 6 tới, Chủ tịch Kim Ngân đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ, phân tích cụ thể những bất cập, tác động tới công tác điều hành chỉ đạo kinh tế. 

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,6-6,8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%...

Thẩm tra các chỉ tiêu này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, cần làm rõ cơ sở của tỷ lệ nhập siêu dưới 3% khi chỉ tiêu này thấp hơn so với năm 2018 trong khi kế hoạch GDP tăng 6,6 - 6,8%.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị phân tích những ảnh hưởng tới giá trị xuất - nhập khẩu từ việc Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký từ năm 2019, từ đó đánh giá tính khả thi của các chỉ tiêu này.

Ngoài ra, cần làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới, trong khi kết quả của các năm 2016, 2017 và ước thực hiện năm 2018 là xuất siêu.

(VnExpress)

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.