| Hotline: 0983.970.780

Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương - trăm năm định lệ

Thứ Năm 06/04/2017 , 07:01 (GMT+7)

Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, theo truyền tụng, có từ xa xưa, được tiến hành vào mùa thu - mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn. Đến năm 1917, đời vua Khải Định, mới có quy định chính thức của triều Nguyễn lấy ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày “quốc tế” (Quốc lễ, Quốc giỗ).

Trăm năm định lệ

Bia “Hùng Vương từ khảo” do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đặt ở Đền Thượng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày Giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.

16-29-57_den-hung-1905
Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 1905 (Ảnh tư liệu)

Định kỳ mồng 10 tháng 3 (âm lịch) làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu từ đó. Đến nay, vừa tròn 100 năm. Với tinh thần kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn, ý thức về nguồn, chung cội, ngày mồng 10 tháng 3 đã trở thành một ngày Quốc lễ thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc: Ngày Giỗ Tổ.

Ông Vũ Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Xưa kia, việc cúng Tổ được cử hành vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)... Nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10). Hội lớn, có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch)”.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vẫn kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/ LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương.

Đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương 1946, chiều ngày 11/4 (tức ngày mồng 10/3 - Bính Tuất), lúc 4 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá; nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội. Trong ngày, Hồ Chủ tịch đã ủy quyền cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cùng về dự lễ có các ông Nguyễn Xiển - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính. Cụ Huỳnh Thúc Kháng mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền.

Nhà nghiên cứu Dương Huy Thiện, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho biết: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu”.

Sau này, trong hồi ký của mình, Giáo sư Nguyễn Xiển kể lại: “Tiếc là lúc bấy giờ Chính phủ không sẵn máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những hoạt động tưởng chừng bình thường nhưng hết sức có ý nghĩa như vậy”.
 

Người định lệ Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3

Người có công đầu trong việc chính thức định lệ ngày quốc lễ trọng thể này là Tuần phủ Lê Trung Ngọc - một vị quan có tư tưởng tiến bộ, có ý thức tiết kiệm ngân khố của dân, của nước.

16-29-57_tun-phu-le-trung-ngoc
Tuần phủ Lê Trung Ngọc (1867 - 1928) (Ảnh tư liệu)
Theo “Ngọc phả Hùng Vương” chép thời Hồng Đức có đoạn viết: “Từ thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích). Ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa”.

Trong những năm làm Tuần phủ Phú Thọ (1915 - 1921) Lê Trung Ngọc đã giành nhiều tâm huyết và công sức tu bổ, tôn tạo đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Ông sống gần dân và đặc biệt quan tâm tới dân.

Ông nhận thấy tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có Lăng miếu thờ phụng Quốc Tổ Hùng Vương, hàng năm nhân dân cả nước nô nức tìm đến lễ bái; họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh từng người vào các tháng trong suốt cả năm, song tập trung vào mùa xuân và mùa thu chứ không định rõ ngày nào, trong khi tục lệ của dân bản xã lại lấy ngày 11 tháng 3 Âm lịch hàng năm kết hợp với thờ Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ làm lễ tế Tổ tại Hùng Vương Tổ miếu.

Như vậy thời gian lễ bái duy trì kéo dài triền miên, vừa tốn kém tiền của, lãng phí thời gian lại vừa phân giảm lòng thành kính cũng như sự trang nghiêm tri ân công đức các Vua Hùng.

Đầu năm 1917, ông trực tiếp làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch để tổ chức quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế Hùng Vương, Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của dân xã bản hạt; đồng thời cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.

Ngày 25 tháng 7 năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất), Bộ Lễ ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc tế/quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hàng năm. Tên tuổi quan Tuần phủ Lê Trung Ngọc kể từ đó được sử sách ghi chép với tư cách ông là tác giả của việc định lệ Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.

Tuần phủ Lê Trung Ngọc (1867 - 1928), sinh ra trong một gia đình Nho học; quê ở làng Liên Thành (xưa là ấp Tân Quảng), tổng Dương Minh, huyện Bình Dương, tỉnh Chợ Lớn (nay là phường 5 và phường 6, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1883, sau khi học xong trường Hậu Bổ Cây Mai Sài Gòn (Collège dés Stagiaires), ông ra đất Bắc làm việc trong chính quyền các cấp của triều đình nhà Nguyễn.

Từ tháng 1 năm 1903 ông lần lượt làm Tuần phủ các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây, Bắc Giang, Quảng Yên, Phú Thọ, rồi Tổng đốc tỉnh Hải Dương, Chánh tòa Thượng thẩm Hà Nội. Tháng 7 năm 1927 ông nghỉ hưu tại Hà Nội và mất tại đây một năm sau đó, hưởng thọ 62 tuổi. Tuần phủ Lê Trung Ngọc còn là một trong những người sáng lập ra Hội Khai trí tiến đức và Hội Nam kỳ tương tế ở Hà Nội.
 

Lễ hội mẫu mực cả nước

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm. Lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức gọn nhẹ.

16-29-57_den-hung-1990
Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 1990 (Ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu Dương Huy Thiện nhớ lại những chuyến điền dã đầu tiên lên đền Hùng hãy còn là đường đất. “Đi từ đền Hạ lên đền Trung, đền Thượng, còn là những bậc đá ong Sơn Vi rêu phong thâm niên. Đi vào đấy thấy một cái gì rất linh thiêng. Hòa bình trở lại, đền Hùng được tu bổ khang trang, đường đi lối lại rộng nhưng mà như tôi nghĩ có một cái gì đó mà nét xưa linh thiêng hình như cũng do hiện đại hóa mà giảm đi”.

Còn trong xu thế hội nhập hiện nay, có năm, có lúc với những lễ vật của các tỉnh từ nhiều miền trong nước gửi đến không khỏi có khi phản cảm đã được báo chí phản ánh như bánh chưng kỷ lục nhân xốp… “Tôi nghĩ không phải cứ làm bánh to, bánh kỷ lục, mà cốt yếu ở tấm lòng. Vì thế nên kéo lửa thổi cơm thi, làm bánh chưng bình thường. Bánh chưng, bánh giầy làm đẹp, chọn được gạo ngon. Đó là món quà ý nghĩa nhất dâng lên trong ngày giỗ Tổ”, nhà giáo Dương Huy Thiện đề xuất.

Nguyên là Trưởng BQL Khu di tích đền Hùng, ông Vũ Tiến Khôi chia sẻ nhiều hoạt động lễ hội được cải tiến. Đó là lễ dâng hoa của các đoàn đại biểu. Việc đốt vàng mã, đốt hương cũng được hạn chế đến tối đa. Từ năm 2000, bài Chúc văn Giỗ tổ do GS - AHLĐ Vũ Khiêu soạn được đưa vào thay cho phần tế trước đây chiếm mất nhiều thời gian…

Với mục tiêu để thuận lợi cho khách thập phương về dự lễ, năm nay các hoạt động phần lễ đều được điều chỉnh về thời gian cho phù hợp hơn, đó là tổ chức lễ sớm từ 30 phút đến 60 phút. Trong đó, lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng của UBND thành phố Việt Trì được tổ chức sớm hẳn 1 ngày so với năm 2016.

Chia sẻ với PV, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Trưởng BTC Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2017, mong muốn: “Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng trở thành một trong những lễ hội mẫu mực của cả nước. Phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại”.

 

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm