| Hotline: 0983.970.780

Quy định SPS là cơ hội thay đổi tư duy nông nghiệp

Thứ Bảy 30/07/2022 , 15:56 (GMT+7)

BẮC GIANG Lãnh đạo ngành nông nghiệp Bắc Giang không xem các quy định SPS là thách thức hay rào cản, mà đó là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất, 'làm thật, ăn thật'.

Cơ hội để thay đổi

Hội nghị “Phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc” vừa được tổ chức tại Bắc Giang với sự tham gia của Văn phòng SPS Việt Nam, Sở NN-PTNT, Sở Công thương Bắc Giang và một số đơn vị chức năng các địa phương lân cận cũng như các doanh nghiệp cùng bà con nông dân.

Bắc Giang xem những quy định về SPS là cơ hội để thay đổi tập quán sản xuất cho nông dân. Ảnh: LB.

Bắc Giang xem những quy định về SPS là cơ hội để thay đổi tập quán sản xuất cho nông dân. Ảnh: LB.

Trước bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội nhưng cũng đi kèm với thách thức từ việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày một cao của các đối tác nhập khẩu.

“Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này, sản phẩm của chúng ta không thể đi được vào các thị trường đối tác hoặc nếu có thể đi vào thì sẽ bị ngăn chặn do không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có thể bị trả lại, tiêu hủy, gây ra nhiều tổn thất cho doanh nghiệp lẫn hệ thống sản xuất trong nước”, TS Lê Thanh Hòa chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, ông Hòa nhấn mạnh hội nghị là cơ hội để các cơ quan chuyên môn chia sẻ, phổ biến thêm các quy định về SPS của một số thị trường quan trọng với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc với 2 lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan nước này thực hiện từ đầu năm nay.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Là địa phương có truyền thống xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đặc biệt là quả vải, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang khẳng định ngày càng có nhiều cơ hội hơn đối với ngành nông nghiệp của tỉnh trong thương mại khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Chúng ta không nên gọi là rào cản kỹ thuật, có thể nói các quy định về SPS của các nước là yêu cầu và chúng ta cần đáp ứng để mở ra cơ hội cho xuất khẩu nông sản”, ông Lê Bá Thành khẳng định.

Nhấn mạnh thực tế, “chúng ta chỉ nói dối được người chứ không nói dối được máy”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Bắc Giang cho rằng việc xét nghiệm, xác định dư lượng trên nông sản hiện nay là yêu cầu tất yếu nên không thể làm ăn gian dối được, thay vào đó phải nỗ lực ngay từ đầu để “làm thật, ăn thật”.

Trước bối cảnh đó, ông Lê Bá Thành cho rằng, việc tuân thủy các quy định SPS chính là cơ hội để ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang thay đổi từ nhận thức nông dân đến thay đổi trong tổ chức sản xuất.

TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phân tích về các quy định cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phân tích về các quy định cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Quản chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Cũng theo ông Lê Bá Thành, Bắc Giang luôn xác định xuất khẩu thành công mỗi nông sản chính là việc khẳng định kỹ thuật canh tác cũng như chất lượng nông sản đối với bạn bè quốc tế.

Để làm được điều đó, tỉnh luôn quan tâm đến hoàn thiện quy trình sản xuất để nông sản có chất lượng tốt nhất. Với mỗi sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, tỉnh đều xây dựng Đề án để hỗ trợ, điển hình như quả vải thiều, qua kiểm nghiệm 821 chỉ tiêu đều đủ điều kiện xuất khẩu đi tất cả các thị trường trên thế giới.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các HTX nông nghiệp, liên kết hình thành vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng đồng đều phục vụ cho xuất khẩu, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất. Hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa người dân với doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, Bắc Giang luôn làm tốt công tác xây dựng, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong sản xuất vải thiều, tỉnh đã xây dựng 199 mã số vùng trồng và 300 mã cơ sở đóng gói; nhiều nông sản của tỉnh cũng đã xây dựng được các mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu như vú sữa, bưởi, nhãn...

Bắc Giang đang xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Ảnh: LB.

Bắc Giang đang xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Ảnh: LB.

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp để thực sự là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu tập trung với chất lượng đồng đều phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh tập trung mở rộng, nâng cao chất lượng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ứng dụng chuyển đổi số trong số hoá các vùng sản xuất để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Hoàn thiện hồ sơ cho phía Trung Quốc trước 30/6/2023

Đánh giá về tình hình đáp ứng các quy định SPS trong xuất khẩu nông sản hiện nay, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa khẳng định, thời gian qua, các doanh nghiệp cùng nông dân đã có rất nhiều nỗ lực để thực thi vấn đề này.

“Chúng ta đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các quy định SPS. Tuy nhiên, để đáp ứng một cách toàn diện, đầy đủ quy định của các thị trường, cần nâng cao nhận thức của bà con nông dân, các HTX trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sử dụng các hóa chất nông dược trong quá trình sản xuất.

Nếu làm tốt điều này, các sản phẩm nông sản của chúng ta sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế trên thị trường xuất khẩu nông sản quốc tế”, TS Lê Thanh Hòa chia sẻ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trước 30/6/2023. Ảnh: TL.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trước 30/6/2023. Ảnh: TL.

Riêng với thị trường Trung Quốc, Tổng cục Hải quan nước này mới ban hành và thực thi các lệnh 248 và 249, điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản.

“Các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí là các doanh nghiệp nhỏ nếu dựa trên các dây chuyền, các quy trình sản xuất của mình cũng hoàn toàn chủ động được việc xây dựng các hệ thống, quy định về kiểm soát các mối nguy để đáp ứng được yêu cầu từ phía Trung Quốc”, ông Lê Thanh Hòa khẳng định.

Theo ông Hòa, sau 7 tháng kể từ khi các lệnh 248, 249 có hiệu lực (1/1/2022), phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo nhiều điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký mã số cũng như đáp ứng các quy định của 2 lệnh nói trên.

“Thời gian các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của phía Trung Quốc sẽ được kéo dài đến ngày 30/6/2023. Sau thời gian đó, nếu doanh nghiệp chưa bổ sung, hoàn thiện đủ hồ sơ mà phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc rà soát được thì có thể họ sẽ ngừng cấp phép với những doanh nghiệp này”, ông Hòa cho biết thêm.

Do đó, ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh, từ nay đến 30/6/2023, tất cả các doanh nghiệp đã được cấp mã số và được cập nhật trên hệ thống của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp đang xin cấp mã số mới phải hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của phía họ.

Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Tentamus) chia sẻ về phầm mềm tra cứu MRLs. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Tentamus) chia sẻ về phầm mềm tra cứu MRLs. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại hội nghị này, Tập đoàn Tentamus Group đã giới thiệu phần mềm tra cứu mức tồn dư tối đa cho phép (MRLs) đối với thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông.

Theo đó, phầm mềm có khả năng cập nhật kịp thời thay đổi MRLs nhờ khả năng kết nối vào cơ sở dữ liệu của Châu Âu (kiểm tra và thông báo sự thay đổi) và đưa thông tin liên quan đến sản phẩm đúng với đối tượng quan tâm.

Hệ thống tra cứu sẽ cung cấp thông tin cho đúng đối tượng, đúng trọng tâm nội dung doanh nghiệp có nhu cầu. Khi EU có thay đổi thông tin, hệ thống tự động gửi vào mail cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, nhân lực theo dõi các thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước thông báo.

Theo ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Tentamus), khi nhận được thông tin, nếu thông tin không hợp lý, hay những thay đổi của nước nhập khẩu về mức dư lượng tối đa có thể tác động mạnh đến xuất khẩu hay không hợp lý với thông lệ quốc tế… thì doanh nghiệp có thể phản hồi ngay trên hệ thống. Sự phản hồi này sẽ được kết nối trực tiếp với Văn phòng SPS Việt Nam.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.