Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà đã thừa nhận có những quy hoạch treo đã kéo dài bất cập qua nhiều nhiệm kỳ, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và gây lãng phí tài nguyên xã hội. Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện quy hoạch treo được nêu ra, nhưng gần như chưa có giải pháp nào hữu hiệu.
Vì sao những quy hoạch treo vẫn xuất hiện và tồn tại dai dẳng? Không khó để chỉ ra những nguyên nhân cơ bản như thiếu tầm nhìn, sai chiến lược, không thiết lập đầy đủ các quy hoạch liên quan theo quy định, không xác định đủ các điều kiện thực hiện đồng bộ các dự án trong quy hoạch, đồng thời việc tổ chức quản lý và thực hiện dự án sau khi công bố không được thực hiện nghiêm túc.. Tóm lại, những ai bị dính vào quy hoạch treo thì khốn khổ trăm bề, nhà cửa trong vùng quy hoạch treo không được sửa chữa, đất đai trong vùng quy hoạch treo không được mua bán, dự án trong vùng quy hoạch treo không được thực hiện.
Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05 vào ngày 1/3/2019 để tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị, nhưng quy hoạch treo vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Vì sao? Vì không ai liên quan đến quy hoạch treo bị xử lý kỷ luật. Vì tham mưu và phê duyệt quy hoạch treo không được xem là dấu hiệu phạm tội.
Có 1001 lý do để biện minh cho quy hoạch treo, nên những kẻ có quyền đều không ngần ngại đưa ra quy hoạch treo mà không sợ phải gánh hậu quả gì. Nếu có bị phản ứng về quy hoạch treo, thì cũng chỉ cần dăm lời giải thích về trình độ hạn chế nọ kia. Chính vì biên độ quá an toàn của quy hoạch treo, mà nảy sinh quy hoạch… liều.
Thật đáng lo ngại, khi một đô thị năng động bậc nhất như TP.HCM khi rà soát 250 quy hoạch phân khu và dự án chi tiết, đã phải thu hồi 176 quy hoạch treo. Và dĩ nhiên, quy hoạch treo cũng kéo theo nhiều hệ lụy cho quan hệ giữa chủ đầu tư và khách hàng. Cách đây không, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ Xây dựng vì dự án bị ngưng trệ, mà lý do chính là… quy hoạch treo theo kiểu quy hoạch liều. Một khu đất ở phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM được quy hoạch làm khu du lịch, văn hóa nhưng lại được chuyển làm khu tái định cư, sau đó lại chấp thuận đổi sang mục đích kinh doanh căn hộ thương mại mà không thực hiện đấu giá theo quy định. Sự nhùng nhằng ấy khiến mọi thứ đều “treo” đầy rủi ro và mù mờ.
Rõ ràng quy hoạch treo đang trở thành một thách thức về sự minh bạch và sự công bằng trong quản lý xã hội. Nếu không có khuất tất nào mang tính lợi ích nhóm, thì liệu có quy hoạch treo nhiều như hiện nay không? Cần truy xét trách nhiệm cá nhân trong các quy hoạch treo, vì Tổng Thanh tra Chính phủ - Lê Minh Khái tại diễn đàn Quốc hội cũng cho rằng “việc đánh giá tình hình tham nhũng hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng”.