| Hotline: 0983.970.780

Quỹ làm giàu của nông dân - một ‘đặc sản’ chỉ có ở Hà Nội

Thứ Hai 02/08/2021 , 10:42 (GMT+7)

Hà Nội là địa phương duy nhất có quỹ khuyến nông, nhờ đó mà nhiều năm qua hàng nghìn hộ dân đã được vay vốn để mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu…

Phương án A và phương án B  

“Hồi 2003, chỗ này chỉ là khu đất trũng, chính quyền xã khuyến khích ra đây chủ yếu là để cấy lúa với kết hợp thả cá thôi”, ông Nguyễn Huy Lưỡng, ở xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai vừa nói, vừa chỉ về vườn bưởi Diễn đang trĩu quả với ánh mắt đầy tự hào.

Không giống như nhiều hộ gia đình khác, ông Lưỡng cùng vợ đã sớm có ý tưởng trồng bưởi khi đặt chân tới vùng đất mà người khác chỉ biết cấy lúa và thả cá. Thời điểm đó, gia đình ông bắt đầu san lấp những nơi bị trũng và đầu tư trồng 100 cây bưởi Diễn. “Lúc đó là mới bắt đầu tập tễnh vào nghề nên lo lắng lắm. Lỡ cây bưởi mà bị dịch hại gì thì đúng là tôi không biết lấy gì mà ăn. Thế nên tôi vẫn kết hợp cả cấy lúa và thả cá, coi như là có phương án B”. 

Đến năm 2008, khi biết tới chương trình cho vay vốn của quỹ khuyến nông (do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội quản lý - PV), gia đình ông Nguyễn Huy Lưỡng đã vay được 70 triệu để mở rộng sản xuất. Lúc này, trang trại mà ông dày công xây dựng đã có lợn, có cá và đặc biệt hơn cả là vườn bưởi Diễn trĩu trịt quả.

Nhờ vay vốn quỹ khuyến nông Hà Nội, ông Nguyễn Huy Lưỡng nhanh chóng phát triển vườn bưởi Diễn. Ảnh: Quang Dũng.

Nhờ vay vốn quỹ khuyến nông Hà Nội, ông Nguyễn Huy Lưỡng nhanh chóng phát triển vườn bưởi Diễn. Ảnh: Quang Dũng.

“Lần đầu tiên làm cảm thấy có kết quả và mình vay thì cũng giữ uy tín nên sau 2 năm là trả đủ. Lần sau gia đình mạnh dạn vay lên 200 triệu và phát triển vườn bưởi của gia đình lên khoảng 200 cây. Thời điểm đó vườn bưởi Diễn trồng năm đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch nên khoản thu nhập từ việc tiêu thụ bưởi cùng với nguồn vốn vay quỹ khuyến nông tôi lại phát triển mạnh hơn”, ông Lưỡng cho hay.

Đến nay, trên diện tích khoảng hơn 1ha, vườn bưởi Diễn của ông Nguyễn Huy Lưỡng đã phát triển lên con số hơn 300 cây. “Được như bây giờ cũng là nhờ mấy năm trước gia đình tôi được vay 450 triệu từ quỹ khuyến nông. Bà con ở đây sống bằng nghề nông nên tiền mặt trong tay rất ít. Vì thế mà được hỗ trợ vay vốn thế này là điều rất phấn khởi. Trong khi đó quỹ được mượn trong 2 năm, phí quản lý quỹ thì 6 tháng mới phải gửi 1 lần, tôi thấy không quá áp lực. Không những thế, còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn về kỹ thuật làm vườn, chăm sóc cây. Quá tuyệt vời đi chứ!”.

Nâng cao thu nhập nhờ vay vốn

“Ban đầu tôi chỉ nuôi vịt và được vay 50 triệu từ quỹ khuyến nông, sau đó kết hợp một số khoản vay cùng với nguồn vốn từ quỹ khuyến nông tôi bắt đầu xây dựng chuồng trại nuôi gà siêu trứng, ban đầu là 1 chuồng và tổng đến bây giờ là trên 1 vạn gà. Thời điểm chưa có dịch Covid thì thu nhập của gia đình đạt khoảng 500 đến 600 triệu/năm”, ông Phùng Văn Phượng, chủ trang trại rộng hơn 6.000m2 tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai cho hay.

Để xây dựng được trang trại như ngày hôm nay, ông Phượng đã vay vốn của ngân hàng nông nghiệp để đầu tư cơ sở, hạ tầng. Còn nguồn vốn vay từ quỹ khuyến nông được tập trung để đầu tư con giống và thức ăn chăn nuôi. Đến nay ông đã vay thêm 2 lần với mức vay là 200 và 300 triệu đồng.

“Nhờ vốn vay từ quỹ khuyến nông mà kinh tế của gia đình đã được cải thiện rất nhiều, tổng đầu tư chuồng trại của gia đình đến giờ là khoảng 3 tỷ nhưng hiện còn nợ rất ít. Nói chung là nhờ vốn vay đó mà mình làm ăn kinh tế cũng tăng lên nhiều, vừa là trả được bớt nợ, vừa có vốn để đầu tư cho giai đoạn tiếp theo”, ông Phượng nói.

Khi có nhu cầu vay vốn, những chủ trang trại như ông Phượng sẽ được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai tư vấn. Đa số người dân đều đánh giá thủ tục vay tại quỹ khuyến nông rất ngắn gọn và dễ hiểu. “Bên quỹ khuyến nông thì không phải đóng góp gì cả, lãi suất thấp nên chúng tôi cảm thấy phấn khởi, làm ăn rất tích cực. Tôi rất mong muốn được tăng mức vay để mở rộng thêm trang trại. Tuy nhiên, thời gian kiểm định, xét duyệt được vay có vẻ hơi dài, nếu rút gọn được thì tốt quá”, ông Phượng đánh giá.

Ông Phùng Văn Phượng thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi gà siêu trứng. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Phùng Văn Phượng thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi gà siêu trứng. Ảnh: Quang Dũng.

Cho vay không vì mục đích lợi nhuận

Theo số liệu của Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai, hiện, số dư của quỹ khuyến nông là 18,1 tỷ cho 61 hộ. Trong đó có có 51 hộ vay vốn để phát triển sản xuất và 10 hộ vay vốn để phát triển cơ giới hoá với số tiền khoảng 3 tỷ đồng.

“Chúng tôi tập trung vào những vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong quá trình triển khai cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, có vướng mắc về kỹ thuật thì chúng tôi sẽ hướng dẫn và tư vấn để làm sao các hộ dân giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh và nâng cao năng suất. Bên cạnh đó còn tư vấn cho các hộ để tạo đầu ra cho sản phẩm nhằm tránh tình trạng đứt gãy chuỗi do dịch bệnh gây ra”, ông Kiều Minh Khuê, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Quốc Oai cho biết.

Ông Khuê cho biết thêm, trong thời gian tới, để phát huy tốt quỹ khuyến nông thì chúng tôi vẫn luôn cử cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện, xã tuyên truyền về quỹ khuyến nông. Phải làm sao cho các hộ trong vùng chuyển đổi có nhu cầu vốn lớn sẽ tiếp cận được nhiều hơn nữa với quỹ để giảm tải gánh nặng về vốn cho bà con nông dân trong quá trình sản xuất hiện nay.

Năm 2021, quỹ khuyến nông Hà Nội có kế hoạch giải ngân cho vay hơn 88 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân cho vay sản xuất hơn 68 tỷ đồng, cho vay đầu tư phát triển cơ giới hóa 20 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, quỹ khuyến nông Thành phố đã tiếp nhận và tổ chức 2 đợt thẩm định được 89 phương án xin vay vốn quỹ khuyến nông với số tiền duyệt vay hơn 34 tỷ đồng.

“Hàng năm quỹ khuyến nông Hà Nội vẫn duy trì dành 15 – 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương”, đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết.

Trước khi duyệt cho vay vốn, các phương án sản xuất, kinh doanh của các hộ dân luôn được thẩm định kỹ lưỡng. Với những hộ vay từ 100 triệu đồng trở lên phải được Hội đồng thẩm định cấp thành phố gồm: đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính họp bàn để quyết định mức cho vay cụ thể.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ có phương án trình Hội đồng thẩm định cấp Thành phố phê duyệt gia hạn thời gian trả nợ, hoặc cho phép thay đổi phương án chăn nuôi sản xuất đối với các hộ vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh trên người và động vật nói chung. Tất cả nhằm tạo điều kiện cho hộ vay vốn khôi phục sản xuất, có thể hoàn trả vốn vay cho quỹ khuyến nông thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT TP Hà Nội, các mô hình vay vốn quỹ khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong định hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, trong quá trình thẩm định, phê duyệt phương án vay vốn, quỹ khuyến nông Hà Nội còn tạo vai trò cầu nối hiệu quả cho các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững.

Quỹ khuyến nông TP Hà Nội được thành lập với mục đích cho vay không vì mục đích lợi nhuận và với mức thu phí quản lý thấp nên đây được đánh giá điều kiện thuận lợi để nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại vay vốn và mở rộng, phát triển sản xuất. Hiện, quỹ cho vay không quá 500 triệu đồng/1 dự án, vốn vay được sử dụng chủ yếu để mua giống, vật tư kỹ thuật. Việc thẩm định dự án vay vốn quỹ được thực hiện qua 2 bước: thẩm định cấp cơ sở và thẩm định cấp thành phố.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.