| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy nhờ quỹ khuyến nông

Thứ Ba 01/09/2020 , 09:00 (GMT+7)

Hôm nay gia đình anh Đặng Văn Chung động thổ xây một chuồng lợn mới rộng 600m2, ngược lại với phần lớn dân làng đã bỏ trống chuồng vì dịch tả châu Phi hoành hành.

Trang trại sống sót qua cơn bão dịch

Ở thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội), anh Chung bắt đầu khởi nghiệp nuôi lợn hơi muộn, chỉ mới 5 năm trước. Khi đó, xây dựng xong hệ thống chuồng trại thì anh cạn sạch tiền nên mới tìm đến nguồn vay từ quỹ Khuyến nông của thành phố, được 95 triệu để nhập 16 con lợn hậu bị. Năm 2017 trả hết gốc và lãi, anh vay tiếp 300 triệu để mở rộng quy mô lên 60 nái. Cũng như cả trăm ngàn hộ nuôi lợn khác trong cả nước, hai năm 2018, 2019 là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với anh Chung.

Bão giá có lúc lợn hơi xuống dưới 20.000đ/kg khiến cho nhà nông xây xẩm mặt mày rồi dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi liên tiếp dập vùi. Tuy vậy anh vẫn cố gắng trả cả gốc lẫn lãi đúng kỳ hạn nên đầu năm 2020 được vay tiếp 400 triệu. Lần này anh thiết kế chuồng trại khép kín theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, nâng quy mô lên 70 nái, 4 lợn đực và 500 lợn thương phẩm.

Anh Chung đang có 70 lợn nái, 4 lợn đực và 500 lợn thương phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Chung đang có 70 lợn nái, 4 lợn đực và 500 lợn thương phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quỹ Khuyến nông khi vay phải có tài sản thế chấp. Một khó khăn với các hộ chăn nuôi ở vùng sâu, vùng xa như anh Chung là khung giá đất thổ cư rất thấp chỉ được áp 540.000đ/m2 nên phải thế chấp tới 2 mảnh đất mới đủ vốn. “Nếu như năm vừa rồi không có quỹ Khuyến nông tôi sẽ không biết xoay xỏa thế nào vì thực sự cạn vốn trong khi vay ngân hàng lại rất khó khăn. Nhờ có tiền tái đầu tư nên tôi duy trì được đàn lợn và hơn nửa năm nay giá lợn con ở mức trên 3 triệu/con, lợn thịt trên 80.000đ/kg, mỗi tháng trung bình cũng lãi 200 triệu, trả hết nợ và còn nhập thêm 40 con hậu bị nữa”. Anh Chung xởi lởi bắt chuyện.

Hơn 100 hộ nuôi lợn trong làng giờ đây chỉ còn khoảng 20 hộ là tồn tại được với tổng đàn khoảng 60% so với trước. Dịch bệnh vẫn rình rập ở bên ngoài nên anh Chung cực kỳ nghiêm cẩn trong việc phòng ngừa. Hàng ngày 2 lần anh phun nước vôi vào mặt, vào đuôi của lợn để sát trùng. Hàng tuần anh phun nước vôi cả khu chuồng. Hàng tháng anh lại còn phun thêm thuốc muỗi. Ngay cả cám bã chuyển về trại anh cũng dùng thuốc sát trùng lau sạch vỏ bao mới đổ cho lợn ăn, nước uống phải qua 2 lần lọc. Chỉ có 3 người trong nhà được phép vào trại, trước khi vào phải mặc quần áo đã được luộc trước. Khi thương lái đến bắt lợn xem qua màn hình lấy tín hiệu từ các camera gắn bên trong chuồng còn chủ sẽ tự mình lùa gia súc ra.

Trại của anh Chung sống sót qua dịch được nhờ chăn nuôi khép kín. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trại của anh Chung sống sót qua dịch được nhờ chăn nuôi khép kín. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Giải phóng nông dân khỏi các công đoạn nặng nhọc

Xác định áp dụng mạ khay máy cấy là để giải phóng người nông dân khỏi các công đoạn lao động nặng nhọc cũng như để tăng hiệu quả cho sản xuất, Hà Nội mấy năm gần đây đã có nhiều chính sách thúc đẩy. Tuy nhiên, kết quả mới chỉ khiêm tốn ở mức khoảng 3%/ tổng diện tích lúa.

Anh Nguyễn Văn Đại-Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Tiến ở xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa là một trong những người tiên phong mạnh dạn đầu tư vào công đoạn dịch vụ đầy khó khăn này. Chiếc máy cấy 6 hàng đầu tiên anh mua là dạng cũ, tự bỏ vốn ra với giá 150 triệu đồng. Máy thứ hai anh vay quỹ khuyến nông được 350 triệu đồng. Máy thứ ba anh được hỗ trợ theo mô hình khuyến nông 75 triệu đồng nên chỉ phải đối ứng 275 triệu đồng.

Ngoài ra khi mua hệ thống giàn gieo tự động và khay mạ anh còn được hỗ trợ thêm 71 triệu đồng nữa. Mua xong, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông thành phố, Trạm Khuyến nông huyện còn thường xuyên xuống với anh để hướng dẫn các kỹ thuật sử dụng, bảo dưỡng máy móc cũng như cách làm.

Anh Đại-người tiên phong trong vùng về làm dịch vụ mạ khay, máy cấy. Ảnh: NNVN.

Anh Đại-người tiên phong trong vùng về làm dịch vụ mạ khay, máy cấy. Ảnh: NNVN.

Với hệ thống máy móc như vậy thì diện tích cấy mỗi vụ 30 ha ở trong xã và 30 ha làm dịch vụ bên ngoài còn là khá khiêm tốn. Anh Đại giải thích: "Tôi đang làm hai gói dịch vụ, 250.000đ/sào đối với giống lúa thường và 260.000đ/sào đối với giống lúa chất lượng cao. Để thúc đẩy cho mạ khay cấy máy, huyện đang hỗ trợ ở mức 80.000đ/sào trong đó bà con hưởng 80% còn chủ máy hưởng 20%. So với công cấy tay không có giống đi kèm đã là 350.000đ/sào thì cấy máy quá rẻ. Hơn thế, năng suất của lúa cấy máy ít nhất cũng bằng còn không sẽ hơn 10-15% so với cấy tay vì mật độ thưa, cây đẻ nhiều. Cũng nhờ ruộng đồng thông thoáng hơn nên thuốc bảo vệ thực vật gần như không phải phun nếu là cấy lúa thường, còn cấy lúa nếp thì phun 1-2 lần, phân bón cũng giảm được cỡ 20%".

Tuy nhiên, theo anh, nhược điểm thứ nhất là cấy máy cần mặt ruộng phải thật phẳng, điều tiết nước phải cẩn thận kẻo nơi khô, nơi úng sẽ rất dễ bị ốc bươu vàng phá hoại vì cây mạ khay rất ngắn và non. Ruộng không phẳng cũng gặp bất lợi cho việc thoát nước của từng thửa lúc mới cấy. Cấy máy đạt 90% số rảnh đã là chuẩn, không cần phải cấy dặm lại vì lúa sẽ tự đẻ nhánh để bù vào nhưng người dân vẫn làm động tác thừa này vì tâm lý thích cấy dày cho chắc ăn.

Điều cuối cùng là dịch vụ của HTX còn chưa đáp ứng được cho nhu cầu của người dân dù máy có thể cấy được một diện tích lớn nhưng khâu làm mạ lại không theo kịp. "Hiện nay tôi đang phải ủ mạ ở trong vườn nhà còn khi rải mạ phải thuê thêm ruộng bên ngoài, rất bất tiện trong quá trình vận chuyển nên phải cần một diện tích cố định cỡ 7.000m2. Tôi cũng kiến nghị lên trên về chuyện này nhưng hiện vẫn chưa được bố trí”, anh Đại nói.

Cần có chính sách tốt hơn để thúc đẩy mạ khay, cấy máy. Ảnh: NNVN.

Cần có chính sách tốt hơn để thúc đẩy mạ khay, cấy máy. Ảnh: NNVN.

Ứng Hòa là trọng điểm lúa của thành phố Hà Nội với tổng diện tích trên 8.000 ha nhưng mới có 5 HTX tham gia vào dịch vụ mạ khay, máy cấy. Huyện đang hỗ trợ 100 triệu/máy cấy và 80.000đ/sào lúa cấy máy nên năm 2019 có 2% áp dụng còn năm nay có 3% diện tích. Anh Đại lý giải kỹ hơn về các nguyên nhân: “Thời gian sử dụng máy ngắn, vụ xuân 20 ngày với điều kiện sử dụng 1 giống ngắn ngày 1 giống dài ngày còn vụ mùa chỉ 10 ngày nên lâu thu hồi vốn. Khi thực hiện dịch vụ, vận chuyển máy cấy dễ dàng nhưng mạ kèm theo rất cồng kềnh, tốn kém, xe to không ra được tới ruộng, xe nhỏ phải chở nhiều chuyến nên phát sinh chi phí.

Thêm vào đó, khâu làm mạ rất khó khăn, vụ xuân thời tiết lạnh dễ chết mà giá thể không đảm bảo chất lượng cũng dễ gây tổn thất. Nếu được cơ quan, đơn vị nào làm khâu cấp mạ thì tỷ lệ áp dụng mạ khay, máy cấy tôi khẳng định sẽ tăng lên rất nhanh vì lúc đó các ông chủ chỉ việc đầu tư mỗi máy thôi, cũng giống như máy gặt hay máy cày vậy...”.

Chị Lê Thị Minh Hạnh-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ứng Hòa thống kê, hiện đang có 39 hộ vay sản xuất, 22 hộ vay cơ giới hóa từ nguồn quỹ Khuyến nông của thành phố. Hầu hết đều làm ăn hiệu quả, trả lãi cũng như gốc đúng hạn, phát triển được sản xuất hơn so với trước. Tuy nhiên, một góp ý là do quy định chỉ cho vay với phần vốn lưu động như giống, thức ăn, vật tư, máy móc chứ không cho vay phát triển cơ sở hạ tầng nên chủ yếu là các hộ vay để chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa. Không có mấy hộ trồng trọt nhất là trồng trọt công nghệ cao vay, vì hạn mức loại này cho phần vốn lưu động rất thấp so với sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Nếu khắc phục được điều này thì quỹ sẽ có thể mở rộng được đối tượng hưởng lợi hơn nữa.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.