| Hotline: 0983.970.780

Quy trình rửa mặn cát biển phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Thứ Tư 28/08/2024 , 14:35 (GMT+7)

Sóc Trăng Việc rửa mặn cát biển được thực hiện trên vùng nước ngọt sông Hậu, thuộc thị trấn Long Phú, huyện Long Phú trước khi đưa về công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Tại khu vực ĐBSCL, giai đoạn 2022 - 2025 đồng loạt triển khai nhiều tuyến cao tốc trọng điểm như Cần Thơ - Cà Mau, Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh…

Tính riêng nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (thuộc Dự án Cần Thơ - Cà Mau) khoảng 18,5 triệu m3.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, việc triển khai đồng loạt nhiều dự án cùng thời điểm, trong khi công suất khai thác các mỏ cát bị hạn chế bởi các đánh giá về tác động môi trường, khiến nguồn vật liệu cát đắp nền không đáp ứng kịp nhu cầu theo tiến độ.

Vị trí khai thác cát biển tại tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công các dự án cao tốc trọng điểm. Ảnh: Kim Anh.

Vị trí khai thác cát biển tại tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công các dự án cao tốc trọng điểm. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang thí điểm mở rộng việc thi công sử dụng cát biển tại Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, đối với đoạn tuyến qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Kiểm soát chặt chẽ tác động đến môi trường xung quanh, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Theo ghi nhận, việc rửa mặn cát biển đang được thực hiện trên vùng nước ngọt của sông Hậu, thuộc địa phận thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, trước khi đưa về công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Cụ thể, cát biển sau khi được khai thác tại mỏ B1.1 và B1.2 (cách đất liền khoảng 27km), sẽ được đưa về vị trí, cách 2 mỏ cát biển này khoảng 40km để rửa mặn.

Trong sáng 28/8, một tàu hút có sức chứa 1.200m3 neo đậu để rửa mặn cát biển, rồi bơm dần sang tàu xả tràn, đang neo đậu, chờ đến lượt nhận cát. Lượng cát này sẽ được đưa về công trình phục vụ thi công cao tốc tại Kiên Giang, Cà Mau trong khoảng thời gian từ 32 - 34 tiếng, chặng đường hơn 180km.

Hiện đơn vị khai thác cát biển đang có 10 tàu hút, sức chứa tối đa 2.000m3 đang hoạt động, trong tổng số 15 tàu đã đăng ký.

Cận cảnh quy trình rửa mặn cho cát biển trên sông Hậu. Ảnh: Kim Anh.

Cận cảnh quy trình rửa mặn cho cát biển trên sông Hậu. Ảnh: Kim Anh.

Ông Đỗ Minh Châu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - đơn vị khai thác cát biển tại Sóc Trăng cho biết, độ mặn cát biển được đo tại điểm khai thác từ 22 - 25‰.

Khi đưa đến vùng nước ngọt tại thị trấn Long Phú, công nhân sẽ liên tục bơm nước ngọt vào tàu hút để rửa mặn cát biển. Đến khi độ mặn còn 13 - 17‰, cát biển sẽ được bơm sang các tàu xả tràn để đưa về công trình cao tốc.

“Khi về đến công trình, lượng cát biển này sẽ được rửa thêm một lần nữa để giảm độ mặn đến mức thấp nhất có thể”, ông Châu cho biết thêm.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết thêm, do là lần đầu tiên tổ chức khai thác cát biển phục vụ thi công cao tốc, các đơn vị liên quan còn lúng túng về trình tự thủ tục, phương án khai thác.

Bên cạnh đó, điều kiện khai thác cát biển hết sức khó khăn như biển động, gió lớn, đường vận chuyển xa... dẫn đến lượng cát biển đưa về công trường chưa đạt được như kỳ vọng.

Đến nay, công suất khai thác chỉ đạt khoảng 6.500 m3/ngày, tổng khối lượng đưa về Dự án Cần Thơ - Cà Mau khoảng 80.000m3.

Dự kiến, đầu tháng 9/2024, công suất khai thác tăng lên khoảng 15.000 m3/ngày. Nhà thầu tiếp tục huy động thêm thiết bị, đảm bảo đạt 20.000 - 30.000 m3/ngày phục vụ dự án theo nhu cầu.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.