Ngày 23/7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ngành và nhà đầu tư về tiến độ Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh).
Theo ông Nguyễn Thế Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ, hiện nguồn cát san lấp trong vùng và tại TP Cần Thơ biến động nhiều về giá cả, nguồn cung, gây khó khăn cho dự án.
“Từ lúc VSIP đầu tư dự án tại TP Cần Thơ, giá cát tăng rất nhiều, nếu dùng cát sông để san lấp, với tình hình này, công ty phải đầu tư thêm khoảng 800 tỷ đồng. Do đó, VSIP xin thêm thời gian để đề xuất phương án, quy trình sử thí điểm tro xỉ. Vấn đề cát biển, VSIP không ngại sử dụng, nhưng khách hàng sẽ quan tâm đến môi trường, bảo hiểm… VSIP cần có quy định, hướng dẫn cụ thể”, ông Vũ bày tỏ khó khăn.
Ông Vũ cho rằng, thời gian qua doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm nhiều nguồn vật liệu thay thế. Trong đó, VSIP Cần Thơ đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) về việc thay đổi, bổ sung hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp.
Tuy nhiên, Bộ TN-MT đã có văn bản cho ý kiến, dự án đã được Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và hiện đang trong quá trình triển khai xây dựng, chưa đi vào vận hành.
Việc VSIP Cần Thơ đề nghị bổ sung hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp nền khu vực Dự án không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 27, Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc bổ sung hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp nền khu vực dự án phải thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật được ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp” tại Quyết định số 216/QĐ-BXD, ngày 28/3/2019 của Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, phải thực hiện các biện pháp, công trình đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng vật liệu nêu trên.
Từ căn cứ trên, VSIP Cần Thơ không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường khi bổ sung hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp nền cho khu vực dự án.
Do đó, VSIP Cần Thơ đã đề xuất với UBND TP Cần Thơ cho phép có một thỏa thuận chính thức để công ty sử dụng tro xỉ trong phạm vi 5 – 10ha. Doanh nghiệp sẽ theo dõi trong thời gian nhất định, có báo cáo kết quả lên thành phố và các Bộ ngành, làm cơ sở mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị VSIP xin ý kiến Bộ TN-MT để thực hiện song song: thí điểm tro xỉ và cát biển làm vật liệu san lấp.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, khi sử dụng cát biển phải làm chặt chẽ về kỹ thuật. Bên cạnh đó, có thể tham khảo và tìm hiểu ở Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đang sử dụng cát biển để san lấp nền cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Trước đó, ngày 13/7, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Bí Thư Thành ủy Cần Thơ đã đề xuất Chính phủ cho thí điểm cát biển, tro xỉ làm đường giao thông và hạ tầng khu công nghiệp.
Với đề xuất trên của TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về nguyên tắc. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho TP Cần Thơ triển khai thực hiện.
Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được UBND TP Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án vào ngày 25/10/2022.
Dự án được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – Công ty Cổ phần, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore.
Diện tích giai đoạn 1 của dự án là 293,7 ha, tổng vốn đầu tư 3.717 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.