An toàn, phục vụ dân sinh
Hồ Ghềnh chè (Xã Bình Sơn, Thành phố Sông Công) được coi là Hồ Núi Cốc thu nhỏ của Thái Nguyên. Nhưng hồ lại vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, dung dị. Giữa một không gian thoáng đãng yên bình, du khách thả mình vào thiên nhiên trong lành. Bao quanh hồ, lòng hồ là những đảo chè, đảo cây xanh tốt, phía xa xa là chập chùng những ngọn núi thuộc khu vực Tam Đảo. Anh Vũ Đình Quyên (Cụm trưởng cụm khai thác thủy lợi Hồ Ghềnh Chè) thông tin, với lưu vực 90 ha, hồ có dung tích 2,87 triệu mét khối nước, phục vụ sản xuất cho gần 300 ha đất nông nghiệp.
Hồ lớn, nguồn sinh thủy, trữ thủy luôn thừa thãi so với nhu cầu sản xuất. Chính vì vậy, hồ đã được chính quyền địa phương khảo sát và lập Dự án đầu tư khai thác du lịch. Tuy nhiên, một số hạng mục của công trình đã xuống cấp như cống lấy nước bị rò rỉ hai bên mang cống, tràn xả lũ bị xói lở tạo nên nhiều hàm ếch...Cụm quản lý cũng như cơ quan chủ quản qua nhiều năm vẫn chưa được cấp nguồn kinh phí để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng nâng cao an toàn cho công trình.
Từ nguồn vốn của Dự án nâng cao an toàn đập (WB8), công trình đã được đầu tư hơn 7 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục. Đến nay, công trình được đầu tư 2 hệ thống cống mới, tràn xả lũ được gia cố 2 bên thành. Đưa chúng tôi lên thăm đập, anh Quyên khoát tay chỉ một nửa vòng thân đập uốn lượn. Mái đập cả 2 bên được làm mới, mặt đập vừa mới được bê tông hóa. Thân đập chính nổi lên như mình rồng ôm lấy làn nước trong xanh, phối trộn hài hòa cùng những đảo ngọc nhấp nhô trong lòng nước hồ. Anh Quyên bảo, bây giờ, khả năng tiêu thoát lũ của công trình đã được đảm bảo rất tốt.
Như vậy, ngoài chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hồ sẽ được khai thác tốt mục tiêu là điểm đến lý tưởng khi khai thác du lịch. Về điều đó, ông ông Bùi Văn Tứ (59 tuổi, Trưởng xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn) đồng thời là người đại diện pháp luật của HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè cho biết, hồ Ghềnh Chè có 45 bán đảo. Để phát triển du lịch, vào tháng 8 năm 2019 xã Bình Sơn đã thành lập HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè với 15 thành viên, vốn điều lệ 250 triệu đồng. HTX kinh doanh theo 7 nhóm dịch vụ bao gồm điều hành tua du lịch, dịch vụ du lịch, lưu trú, vận tải…qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu vui chơi, ăn uống, tham quan, nghỉ ngơi của khách du lịch.
Ông Dương Văn Hải (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn) cho biết, hồ Ghềnh chè được đầu tư sữa chữa là nền móng đầu tiên của việc khai thác tiềm năng du lịch của địa phương. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là một trong những giải pháp, hướng đi cần được chú trọng khai thác để nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Hiện nay nhân dân xóm Tiền Tiến đang tự trang bị kỹ năng tiếp đón khách du lịch, kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng, văn hoá trà… Đồng thời, người dân tích cực chỉnh trang vườn chè, nâng cấp nhà cửa sạch sẽ, tạo cảnh quan sạch đẹp để thu hút khách du lịch. Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ghềnh Chè không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch và sản phẩm làng nghề, mà còn trực tiếp góp phần quảng bá thương hiệu chè Bình Sơn đến du khách gần xa.
Mục tiêu đầu tiên của Dự án WB8 phải là sửa chữa nâng cao an toàn đập, phục vụ sản xuất nông nghiệp, vững vàng trước biến đổi khí hậu. Hơn thế, giá trị gia tăng, hiệu quả to lớn mà dự án mang lại chính là khai phá được những tiềm năng để hồ thủy lợi trở thành hồ đa chức năng, phục vụ dân sinh.
Ông Ngô Thượng Hoan (Trạm trưởng Trạm khai thác thủy nông thị xã Phổ Yên) cho biết, Thị xã Phổ Yên có 3 công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án là Hồ Suối Lạnh (xã Thành Công), hồ Bến Đông (xã Phúc Thuận) và Núi Chẽ (xã Minh Đức). Hồ Suối Lạnh được xây dựng từ năm 1992, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 1994. Hồ có diện tích lưu vực là 4 km vuông, tưới cho 452 ha lúa, 176 ha cây trồng khác thuộc 2 xã Thành Công và Vạn Phái. Hồ có cao trình đỉnh đập + 32,04 mét. Mực nước dâng bình thường + 30 mét.
Từ lâu, hồ Suối Lạnh đã được người dân tự phát khai thác du lịch. Với việc được đầu tư sửa chữa mới và nâng cấp một số hạng mục công trình, khu vực hồ hiện nay đang nóng lên việc thu hút các nhà đầu tư đến để khai thác tiềm năng du lịch to lớn của hồ nước xanh trong kề bên non xanh Tam Đảo ở đây.
Quy chuẩn
Ông Bùi Tiến Chính (Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên) cho biết, BQL được chọn làm chủ đầu tư tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Thái Nguyên. Mục tiêu của Dự án là sửa chữa nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập, phát huy nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, cải tạo cảnh quan môi trường vùng dự án, góp phần cải thiện đời sống người dân
Với tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng, BQL đã chọn lựa được 11 công trình hồ chứa để đầu tư sữa chữa. Việc lựa chọn, thi công và thực hiện các thủ tục đầu tư được triển khai đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Ông Ma Văn Toán (Trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi huyện Định Hóa) cho biết, đơn vị đang quản lý và vận hành 34 công trình thủy lợi (gồm 12 hồ chứa; 22 đập dâng). Huyện có 2 công trình hồ chứa lớn nhất được Dự án WB8 đầu tư nguồn vốn sửa chữa. Công trình hồ Nà Tấc (xã Lam Vỹ) với dung tích thiết kế là 870.000m3. Công trình này được Nhà nước đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2005, có nhiệm vụ tích trữ, điều tiết nước tưới cho hơn 140ha đất nông nghiệp của hai xã Lam Vỹ và Tân Thịnh.
Năm 2018, hồ đã có dấu hiệu xuống cấp khá nghiêm trọng, ở khu vực mái hạ lưu thân đập chính xuất hiện nhiều mạch đùn, mạch sủi gây thấm nước qua thân đập với diện tích vùng thấm khoảng 300m2, cơ đập cũng xuất hiện vùng thấm nước với diện tích trên 200m2. Với nguồn đầu tư sửa chữa xấp xỉ 16 tỷ đồng, hiện nay, hồ Nà Tấc đã đảm bảo được các yêu cầu về vận hành an toàn công trình. Công trình thứ 2 là Hồ Bảo Linh, hồ thủy lợi lớn nhất của huyện Định Hóa với 81 ha diện tích mặt nước đang được khẩn trương đầu tư sữa chữa với đích đến là hoàn thành thi công xây dựng trước tháng 06/2022.
Theo phân cấp mới, 11 hồ chứa được đầu tư sửa chữa đều thuộc quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên. Ông Nguyễn Công Thịnh (Chủ tịch Công ty) cũng là Phó Giám đốc BQL Dự án WB8 cho biết, quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp cũng như quá trình thi công được các bên giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, kỹ thuật và các yêu cầu khác. Đặc biệt, việc thi công xây dựng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn và chức năng thủy lợi cho các công trình. Theo đó, thời điểm thi công phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu tránh mùa mưa bão. Sau mùa mưa bão mới được thi công tràn và đập. Việc thi công cống phải vào thời điểm đã lấy đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bắc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên) cho biết, Với 260 hồ chứa nước lớn nhỏ, Thái Nguyên là địa phương có số lượng hồ chứa đứng thứ 5 của miền Bắc và đứng thứ 9 trên cả nước. Hầu hết các hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, đa phần là đập đất, hiện đã xuống cấp. Trước đây, các công trình nhỏ được giao cho địa phương quản lý. Địa phương lại giao cho hợp tác xã, nhóm hợp tác nên chưa có kiến thức, kinh nghiệm vận hành, khai thác hồ, đập.
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn công trình thuỷ lợi dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ đập. Dự án WB8 đáp ứng mong mỏi nhiều năm của chính quyền và cơ quan chức năng trong việc sữa chữa nâng cao an toàn cho các công trình. Đó là cơ hội, là đòi hỏi để Thái Nguyên triển khai đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu đầu tư, tiến độ, kỹ thuật thi công các công trình. Và cũng là cơ sở để Dự án tiếp tục đầu tư tại địa phương thực hiện tốt, hiệu quả nguồn vốn.