Nhân việc cơ quan Đảng các cấp xử lý một số cán bộ chủ chốt ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam liên quan “lò ấp tiến sĩ”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị có cuộc tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ, mà trọng tâm là cán bộ trung cấp và cao cấp.
Đây là một ý kiến rất táo bạo và cũng rất cần thiết, nếu thực sự muốn sàng lọc chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng quản lý và điều hành đất nước.
Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từng được thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, nơi đây không chỉ xuất phát nhiều luận án có đề tài khá ngây ngô, mà còn khiến dư luận ngạc nhiên về cách nghiên cứu khoa học.
Có giáo sư mỗi năm hướng dẫn 14 tiến sĩ và 44 thạc sĩ, trong khi theo quy định thì tối đa mỗi năm giáo sư chỉ được hướng dẫn 5 tiến sĩ. Sự chủ quan đến mức xem thường giá trị học thuật của Học viện Khoa học Xã hội đã sản sinh ra không ít tiến sĩ và thạc sĩ có chất lượng đáng hoài nghi.
Hiện nay, nếu so với tỉ lệ dân số, thì Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiến sĩ nhất thế giới. Vậy mà, oái oăm thay, Việt Nam cũng là nước có ít nghiên cứu khoa học đóng góp cho nhân loại nhất. Vậy, đội ngũ tiến sĩ đông đảo của nước ta đang dùng học vị vào sự phô diễn trí tuệ ra sao?
Dù chưa có thống kế, nhưng hầu hết những người mưu cầu danh xưng tiến sĩ chỉ nhằm làm đẹp hồ sơ phục vụ cho con đường công chức. Xu hướng nghịch lý ấy thật buồn cười, vì mục đích đào tạo tiến sĩ là để làm công tác nghiên cứu khoa học.
Nếu đủ can đảm và đủ trung thực để tổng rà soát bằng cấp như gợi ý của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, thì chắc chắn sẽ có không ít câu chuyện dở khóc dở cười. Bằng cấp thì thật, nhưng kiến thức có thật hay không thì chính những giáo sư hướng dẫn luận văn tiến sĩ cũng không thể trả lời.
Có nhiều cán bộ rất thích được giới thiệu là tiến sĩ nọ tiến sĩ kia, nhưng khi được yêu cầu phát biểu về chuyên môn mà mình từng làm luận án lại luôn tìm cớ thoái thác hoặc dửng dưng im lặng. Phải chăng, học vị đang là một thứ trang sức diễm lệ để theo đuổi chức vụ và trang điểm chức vụ?
Một xứ sở bùng nổ tiến sĩ thì cũng không có gì đáng xấu hổ, nếu từng học vị có ích cho cộng đồng. Ngược lại, nếu tiến sĩ được bung nở từ những “lò ấp” toan tính danh lợi thấp hèn và vi phạm liêm chính học thuật thì càng làm lệch lạc chuẩn mực xã hội.
Rà soát bằng cấp để thanh lọc lò ấp tiến sĩ cũng quan trọng như bài trừ tham nhũng và tiêu cực. Bởi lẽ, hành vi đưa một tiến sĩ kém phẩm chất vào guồng máy công chức thì mức độ nguy hại gấp nhiều lần hành vi phát hành trái phiếu không đúng quy định ra thị trường.