| Hotline: 0983.970.780

Rà soát, khắc phục sạt lở tại thuỷ điện Phúc Long

Thứ Năm 10/06/2021 , 09:20 (GMT+7)

Thuỷ điện Phúc Long tích nước gây sạt lở đất của hàng chục hộ dân. Sau phản ánh trên của Báo Nông nghiệp Việt Nam, đã phải khắc phục các điểm sụt sạt.

Thuỷ điện Phúc Long điều máy móc, thiết bị khắc phục sạt lở dọc sông Chảy. Ảnh: H.Đ 

Thuỷ điện Phúc Long điều máy móc, thiết bị khắc phục sạt lở dọc sông Chảy. Ảnh: H.Đ 

Khắc phục sạt lở ven bờ sông Chảy 

Thuỷ điện Phúc Long có công suất 22MW do Công ty Cổ phần thuỷ điện Phúc Long đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Sau khi thuỷ điện này dâng nước lòng hồ đã gây sạt lở đất đai canh tác của hàng chục hộ dân thôn Đầm Rụng, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, Lào Cai).

Trước thực trạng trên, UBND huyện Bảo Yên yêu cầu Công ty Cổ phần thuỷ điện Phúc Long khẩn trương phối hợp với các phòng, ban chức năng kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng cụ thể của từng hộ dân và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Tới thời điểm này, thuỷ điện Phúc Long đã hạ mực nước mặt hồ san tạo cắt cơ chân mặt bằng ở các vị trí sạt lở, rải vải địa kỹ thuật, đổ đá lu lèn để giữ chân chống sạt lở…

Ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết, khi triển khai dự án chủ đầu tư thuỷ điện Phúc Long đã phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và UBND các xã, thị trấn thống kê, kiểm đếm đất và tài sản phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ người dân. Trong đó, tổng diện tích dự án sử dụng 220,06ha. Tổng số hộ gia đình, cá nhân đã chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng là 307 hộ và 1 tổ chức. Tổng số kinh phí đã phê duyệt chi trả cho người dân là trên 31,7 tỷ đồng…

Tuy nhiên, trong phần ranh giới nêu trên vẫn nhiều diện tích đất, quỹ đất chưa xác định, quy chủ được ví dụ như đất nằm ven sông, ven suối, các quỹ đất chưa có hồ sơ, giấy tờ, bản đồ địa chính, sổ mục kê, bìa... Về việc này, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện liên hệ các phòng ban Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai truy cứu hồ sơ địa chính gốc làm cơ sở để xem xét, xác định quy chụp để đền bù, hỗ trợ người dân theo quy định.

Luật quy định rất rõ, đất bãi bồi ven sông do nhà nước quản lý khi người dân trồng cấy cây cối, hoa màu trên mảnh đất đó thì khi thống kê, thu hồi sẽ không có căn cứ để xem xét và theo luật thì đất này nếu người dân muốn sử dụng phải đăng ký thuê đất qua UBND cấp xã.

Thứ hai, đất do người dân khai hoang, phục hoá nhưng liên quan hành lang sông suối, đê điều thì người dân sử dụng để trồng cấy thì không thể cấp bìa được. Người dân có thể sử dụng tới khi nhà nước thu hồi và chỉ được phép hỗ trợ phần cây cối, hoa màu trên đó phần đất đó cho người dân.

“Chính vì nội dung nêu trên có rất nhiều ý kiến, đơn thư về thắc mắc liên quan việc đất được khai hoang phục hóa từ nhiều năm nhưng đến khi dự án triển khai không được đền bù, ông Tô Ngọc Liễn thông tin. 

Cho đến nay, chưa có hộ dân nào phải di dời, tái định cư do sạt sụt. Ảnh: H.Đ

Cho đến nay, chưa có hộ dân nào phải di dời, tái định cư do sạt sụt. Ảnh: H.Đ

Không đủ điều kiện ở sẽ sắp xếp tái định cư 

UBND huyện cũng rà soát, kiểm tra lập phương án để hỗ trợ, bồi thường các hộ bị ảnh hưởng ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng do tích nước thuỷ điện Phúc Long. 

Vấn đề khảo sát, tính toán của đơn vị tư vấn trước đây đã xác định cao trình ngập nước, dâng nước là 74,5m nhưng đôi khi chưa hết do diện tích quá rộng, địa hình chia cắt, không đồng nhất dẫn đến một số vùng ngoài ranh giới được duyệt bị ảnh hưởng khi dâng nước. 

Về việc này, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cùng các xã, thị trấn rà soát lại toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng để xem xét, báo cáo tỉnh xem xét cho thu hồi, bồi thường theo Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Khi thuỷ điện tích nước lòng hồ mới xác định chính xác ranh giới, tuy nhiên việc thống kê, dự báo trước đó chưa chính xác nên người dân đã bức xúc, có ý kiến”, ông Tô Ngọc Liễn nói.

Trên cơ sở phản ánh của báo chí, của người dân, Bí thư và Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên đã trực tiếp đi kiểm tra cụ thể từng vị trí sau đó giao cho Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai thành lập đoàn công tác đi kiểm tra tất cả các khu vực sụt sạt dọc sông Chảy liên quan thuỷ điện Phúc Long tích nước. 

Vấn đề nào liên quan đến người dân thì huyện thống kê, và yêu cầu đơn vị thuỷ điện phối hợp phòng ban chức năng của huyện và UBND các xã, thị trấn xem xét các biện pháp khắc phục. 

Đặc biệt, trường hợp những khu vực ảnh hưởng tính mạng, tài sản người dân, không đủ điều kiện để ở thì Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên đã chỉ đạo rõ, sẽ xem xét bố trí di dời, sắp xếp tái định cư cho các hộ đến ở các khu vực an toàn và kinh phí do chủ đầu tư thuỷ điện chịu trách nhiệm. 

UBND huyện Bảo Yên cũng đề nghị Công ty Cổ phần thuỷ điện Phúc Long sớm khắc phục điểm sạt lở trên quốc lộ 70, đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Vướng mắc hiện nay là đa phần các hộ ở dọc sông, suối nhưng chưa được chuyển đổi, đăng ký biến động đất đai, cấp bìa… Tuy nhiên, việc này huyện đang xem xét các cơ chế chính sách làm sao đảm bảo quyền lợi cho người dân.  

“Qua nội dung này, huyện cũng thấy rằng công tác tuyên truyền cho người dân về quản lý đất đai  nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp bìa, hành lang đê điều, sông suối… còn chưa đầy đủ, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, để người dân ở các khu vực này làm nhà, sinh sống trên mảnh đất có đủ điều kiện theo quy định. Khi phát sinh các vấn đề liên quan đất đai, quyền lợi người dân được đảm bảo hơn”, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên nhấn mạnh. 

Dự kiến việc kiểm tra, rà soát khoảng 170 hộ dân có ý kiến về ảnh hưởng do thuỷ điện sẽ giải quyết trong tháng 6/2021.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.