| Hotline: 0983.970.780

Bất lực nhìn hoa màu, tài sản chìm vào lòng hồ thuỷ điện

Thứ Hai 24/05/2021 , 11:09 (GMT+7)

Thuỷ điện Phúc Long dâng nước lòng hồ nhấn chìm tài sản, hoa màu bất chấp một số hộ gia đình chưa thoả thuận xong đền bù, đang canh tác tại đây.

Thuỷ điện Phúc Long dâng nước ngập hàng nghìn mét vuông ruộng vườn của hộ dân. Ảnh: T.N

Thuỷ điện Phúc Long dâng nước ngập hàng nghìn mét vuông ruộng vườn của hộ dân. Ảnh: T.N

"Chờ kiểm tra thì gia đình tổn hại nhiều lắm rồi"

Dự án thuỷ điện Phúc Long do Công ty Cổ phần thuỷ điện Phúc Long làm chủ đầu tư gần 700 tỷ đồng. Thuỷ điện Phúc Long có công suất 20MW, được xây dựng trên sông Chảy, tác động tới người dân 5 xã, thị trấn thuộc huyện Bảo Yên (Lào Cai). Dự án này chiếm dụng hơn 225ha, trong đó diện tích đất là 68,49ha, hồ chứa 155,76ha, bãi thải 4,1ha, hoàn trả quốc lộ 70 là 1,11ha.

Thời điểm này, thuỷ điện Phúc Long chuẩn bị cho việc đóng điện, nên dâng nước lòng hồ. Tuy nhiên, bất chấp chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định thuỷ điện Phúc Long vẫn quyết định cho dâng nước lòng hồ.

Bà Vi Thị Tỵ (con gái của chủ hộ Trương Thị Thân) - Tổ dân phố 9D thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) bức xúc, thuỷ điện Phúc Long dâng nước hôm 29/4 làm ngập toàn bộ diện tích trồng ngô, bí và một số loại rau khoảng 7.000m2, bể nước, chuồng lợn, hố biogas... là sinh kế của gia đình nhưng họ không nói năng gì. Cho tới khi gia đình ý kiến lên huyện thì cách đây vài ngày thuỷ điện xuống nói chuyện, thoả thuận mồm không có biên bản.

“Gia đình lên huyện nhưng lãnh đạo nói gia đình chị cứ về đi đoàn sẽ đi kiểm tra nhưng chờ đoàn kiểm tra thì gia đình đã tổn hại nhiều lắm rồi. Nước dâng lên mấp mé chuẩn bị nhấn chìm những ngôi mộ của gia đình”, chị Tỵ nói.

Chị Tỵ chỉ còn cách đi thuyền, vớt vát bắp ngô còn nổi trên mặt nước hy vọng gỡ gạc chút ít, bất lực nhìn tài sản bị nhấn chìm trong dòng nước của thuỷ điện Phúc Long.

Liên quan bồi thường diện tích đất bị thuỷ điện dâng nước nhấn chìm, chị Tỵ cho biết, “cách đây 20 ngày, khi gia đình yêu cầu mới nhận được biên bản thu hồi đất do ông Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên ký vào 20/6/2018 mà gia đình yêu cầu từ tháng 6/2018 đến nay. Ông Đỗ Xuân Hiệu – Ban quản lý dự án Thuỷ điện Phúc Long gửi qua Zalo chứ chưa có văn bản gì”.

Cũng theo chị Tỵ, huyện đã gọi lên lấy tiền một lần nhưng còn vướng mắc khi họ không bồi thường tài sản, hoa màu trên đất nên gia đình chưa đồng ý. Thế rồi, từ đó tới nay không thấy đả động gì nữa.

“Đùng một cái, thuỷ điện Phúc Long dâng nước khiến dân chúng tôi không biết xoay sở ra sao”, chị Tỵ bức xúc.

Mộ của gia đình hộ dân ngấp nghé nước chuẩn bị chìm vào lòng hồ thuỷ điện Phúc Long. Ảnh: T.N

Mộ của gia đình hộ dân ngấp nghé nước chuẩn bị chìm vào lòng hồ thuỷ điện Phúc Long. Ảnh: T.N

3 năm chưa bồi thường xong

Thuỷ điện Phúc Long dâng nước ảnh hưởng đến nhiều hộ dân ở thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Hầu hết các hộ đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường từ lâu. Số ít, các hộ không đồng ý với thống kê, bồi thường nên sự việc kéo dài hết năm này qua năm khác.

Tuy nhiên, chính quyền huyện cũng như phía thuỷ điện Phúc Long không giải quyết rốt ráo vấn đề, và bất chấp tất cả, sẵn sàng dâng nước như sự đã rồi.

Hộ gia đình bà Lê Thị Đào khẳng định, gia đình có khoảng 3.000m2 đất bị thuỷ điện nhấn chìm cùng hoa màu, cây cối… mưu sinh hằng ngày nhưng đến nay, họ chưa ký một giấy tờ gì do chưa đồng ý phương án đền bù và cũng chưa được nhận một đồng tiền bồi thường nào. 

Có thể cũng do chỉ còn ít hộ chưa nhận bồi thường nên thuỷ điện Phúc Long không cần quan tâm an sinh, sự an toàn tính mạng của họ khi dâng nước nhấm chìm ruộng vườn canh tác hằng ngày của họ.

Ông Trần Văn Nhân - Tổ trưởng Tổ dân phố 9D thị trấn Phố Ràng xác nhận, 2 hộ còn đang mắc ở các công trình trước hoặc sau kiểm đếm khi triển khai dự án. Thuỷ điện Phúc Long đã hẹn một ngày xem xét xác minh lại.

Ông Đỗ Xuân Long – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Yên cho rằng, 2 hộ gia đình chưa nhận được tiền bồi thường là có lý do của nó. 

Theo ông Long, đối với hộ gia đình bà Lê Thị Đào, phần đất ven suối gia đình bà Đào sử dụng theo xác nhận hồ sơ địa chính chưa được cấp cho gia đình mà do UBND xã quản lý thửa đất đó.

“Tuy nhiên, gia đình bà Đào cho biết, diện tích đất này được cấp năm 1.999 sau khi đổi sổ chuyển hoá thì sổ cũ không còn, do đó tôi cho anh em tìm lại hồ sơ cấp đất cũ sau đó làm việc lại với gia đình. Còn các loại đất có hồ sơ giấy tờ đầy đủ theo pháp lý đã được thống kê, áp giá đền bù nhưng phía gia đình bà Đào chưa nhận là do vướng phần đất đã nêu trên”, ông Long thông tin.

Còn đối với hộ gia đình bà Trương Thị Thân, sau khi có thông báo xây dựng thuỷ điện, gia đình bà Thân tổ chức xây dựng chuồng lợn, bể nước, mộ... là vi phạm.

Trước vấn đề này, chị Vy cho rằng biên bản lập ngày 22/11/2017 không có mặt chủ hộ, trong khi tháng 6/2018 mới bắt đầu đi thống kê tài sản của người dân để xây thuỷ điện và cuộc sống hằng ngày họ vẫn phải duy trì khi chưa có một đồng bồi thường nào.

Song  thực tế, việc thuỷ điện Phúc Long dâng nước đi ngược lại với điều kiện kèm theo về phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án do Bộ TNMT quyết định: Chỉ được phép triển khai dự án sau khi thực hiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng… 

Chưa giải phóng đền bù xong, thuỷ điện Phúc Long vẫn xây dựng nhiều năm qua và dâng nước tới khi ngoài sức chịu đựng của những hộ dân. Thiệt thòi là đất của  những hộ dân chủ yếu là khai hoang hàng chục năm và đất tái định cư chưa có sổ đỏ.

Không chỉ vậy, thuỷ điện Phúc Long dâng nước còn gây sạt lở đất của hàng chục hộ dân dọc đường 70 và cả quốc lộ này.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.