| Hotline: 0983.970.780

Rầm rộ chuyển nhượng ngầm đất rừng, không chỉ nóng ở Quỳ Châu

Thứ Ba 13/12/2016 , 09:49 (GMT+7)

Sau khi Báo NNVN đăng 2 bài phản ánh tình trạng quản lý đất rừng lỏng lẻo tại Nghệ An, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin xung quanh việc chuyển nhượng chui đất rừng tại địa phương này. Theo đó, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tình trạng chuyển nhượng chui đất rừng và sử dụng trái mục đích đất lâm nghiệp diễn ra phổ biến.

Không chỉ nóng ở Quỳ Châu

Theo thống kê của cơ quan chức năng, những năm gần đây, tại huyện Quỳ Châu đã có trên 3,5 nghìn héc-ta đất rừng chuyển nhượng chui. Đi kèm với tình trạng trên là việc sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp sai mục đích. Nhiều cánh rừng, dù chưa được cấp thẩm quyền cho phép nhưng đã được chặt tỉa, làm nghèo dần, cạo trọc, đốt bỏ để trồng keo.

14-15-22_mot-khonh-rung-su-khi-chuyennhuong-d-pht-se-trong-keo-chu-duoc-co-qun-chuc-nng-cho-phep-ti-xthch-ngn-con-cuong
Một khoảnh rừng sau khi chuyển nhượng đã phát sẻ trồng keo khi chưa được cơ quan chức năng cho phép tại xã Thạch Ngàn (Con Cuông)
 

Ông Sầm Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) cho biết, tình trạng chuyển nhượng chui đất rừng diễn ra chủ yếu tại các bản, như Kẻ Nính, Định Tiến, Pà Cọ, Tà Cô, Tà Sỏi…

“Tình hình chuyển nhượng chui qua nắm tình hình là rất nhiều nhưng chỉ bằng giấy tờ viết tay nên khó ngăn chặn. Khi nghe thông tin, chính quyền đến hỏi thì họ bảo chỉ là hợp tác làm ăn. Trong những đợt rà soát, giao đất rừng tiếp theo, chúng tôi đề xuất không giao đất rừng cho các hộ đã được giao trước đây nhưng nay đã chuyển nhượng cho người khác” – ông Thiết cho biết thêm.

Còn tại xã Châu Bình, theo thống kê của chính quyền địa phương, từ trước 2010, tình trạng chuyển nhượng chui đất rừng trên địa bàn xã đã xẩy ra. UBND xã thống kê được có 114 hộ chuyển nhượng chui với tổng số 500 ha. Giá chuyển nhượng thậm chí chỉ 200 nghìn đồng/ha.

Kết quả rà soát nắm bắt thông tin về việc chuyển nhượng chui đất rừng ở Quỳ Châu cho thấy, 11/12 xã trên địa bàn có tình trạng này với 510 hộ đã chuyển nhượng chui 3.533 ha đất rừng. Người nhận chuyển nhượng có đối tượng cư trú trong xã, có đối tượng cư trú ngoài xã, thậm chí từ các huyện khác. Về cơ bản, đây chỉ là những con số thống kê được, trên thực tế còn có thể lớn hơn rất nhiều.

Tại huyện Quế Phong, cơ quan chức năng phát hiện có 151 hộ chuyển nhượng chu đất rừng. Trong đó, nhiều hộ bán đất rừng với diện tích lên đến hàng chục héc-ta.

Đôn Phục, một xã vùng cao 135 của huyện Con Cuông, nạn mua bán, chuyển nhượng chui và những vụ việc chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng cũng phổ biến. Qua rà soát, cơ quan chức năng xác định có 36 hộ dân chuyển nhượng chui đất rừng cho 8 đối tượng trong và ngoài huyện với diện tích trên 300 ha. Một số người nhận chuyển nhượng chui sau đó đã phát lộng rừng có trạng thái cây hỗn giao và một ít cây gỗ nhưng chưa thực hiện thiết kế làm giàu rừng, tái sinh rừng. Khi phát hiện sự việc này, xã đã đình chỉ và phối hợp Hạt Kiểm lâm xử lý.

Một số xã khác trên địa bàn huyện Con Cuông, người dân cũng đang rầm rộ chuyển nhượng đất rừng. Theo thống kê, xã Thạch Ngàn có 59 hộ chuyển nhượng gần 630 ha đất rừng, xã Môn Sơn có 25 hộ chuyển nhượng 133,5 ha đất rừng, xã Lục Dạ có 32 hộ chuyển nhượng gần 149 ha rừng…

Đáng lo nhất là tình hình chuyển nhượng chui tại xã Thạch Ngàn. Bởi đối tượng nhận chuyển nhượng đất rừng đa phần là người ngoài địa bàn huyện. Sau khi nhận chuyển nhượng, để thực hiện mục tiêu trồng rừng nguyên liệu, có dấu hiệu cho thấy một số đối tượng nhận chuyển nhượng đã tổ chức thuê người bản địa làm nghèo rừng bằng cách chặt tỉa cây gỗ, thực hiện hành vi đốt rừng.
 

Điểm danh cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng chui

Theo chính quyền một số xã, những con số thống kê diện tích, số hộ chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng chui thực chất chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Người nhận chuyển nhượng, ngoài hộ cá nhân còn có các doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra, động cơ thu gom đất rừng của các cá nhân, tổ chức là gì?

14-15-22_dnnh-sch-chuyen-nhuong-chui-dtrung-ti-huyen-quy-chu
Danh sách chuyển nhượng chui đất rừng UBND huyện Quỳ Châu lập tháng 8/2016
 

Theo cán bộ một số xã, nhiều cá nhân, tổ chức nhảy vào đầu cơ đất rừng với mục đích “đi tắt, đón đầu” thời cơ được bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc hưởng các dịch vụ về rừng nhờ việc triển khai các dự án. Ngoài ra, có cá nhân, tổ chức còn thu gom rừng, đưa máy móc thiết bị vào mở đường để phát rừng trồng keo. Công ty CP Nghệ An Xanh do ông Phan Bá Giang, trú tại xã Châu Bình (Quỳ Châu) làm Giám đốc là một ví dụ.

Theo Biểu tổng hợp tình hình mua bán đất rừng trái phép trên địa bàn huyện Quỳ Châu do UBND huyện lập tháng 8/2016 thì toàn huyện có 510 hộ chuyển nhượng chui trên 3,5 nghìn héc-ta đất rừng. Trong số này, ông Phan Bá Giang nhận chuyển nhượng của 48 hộ dân với tổng diện tích đất rừng gần 460 ha. Ngoài ra, theo nguồn tin của PV, ông Giang còn thực hiện thu gom rừng tại một số xã như Thông Thụ, Đồng Văn của huyện Quế Phong. Sau khi nhận chuyển nhượng chui, tại một số khu vực thuộc xã Châu Hạnh, Châu Bình, ông Giang đã đưa máy móc, thiết bị mở đường vào các vùng rừng, thuê nhân công phát rừng trồng keo.

Cuối năm 2014, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu đã thực hiện kiểm tra hiện trường, xác định khu vực Công ty CP Nghệ An Xanh mở đường, thực hiện xẻ phát và trồng keo thuộc Tiểu khu 175. Thời điểm chuyển nhượng “chui” từ khoảng năm 2008 đến 2011, với hai hình thức “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với thời gian 50 năm”; giá chuyển nhượng từ 380.000 đồng đến 6 triệu đồng/ha.

Ngoài Công ty CP Nghệ An Xanh của ông Phan Bá Giang, thì những diện tích đất rừng người dân chuyển nhượng chui ở Quỳ Châu cho đối tượng nào? Tìm điều tra của PV, một số diện tích đã lọt vào các cá nhân, tổ chức khác, trong đó, có cả những người đang là cán bộ Nhà nước. Và những tổ chức, cá nhân này, sau khi nhận chuyển nhượng chui, một số đã làm nghèo rừng, sau đó thực hiện mục tiêu trồng keo nguyên liệu mà chưa được các cơ quan chức năng cho phép.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2016 đến nay, Quỳ Châu đã xử lý 116 vụ việc xâm hại rừng; trong đó, có 3 vụ Công an huyện đang tiếp nhận hồ sơ để điều tra; một vụ đã đưa ra xét xử lưu động.

Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 11, cơ quan chức năng huyện Quỳ Châu đã xử phạt hành chính 41 triệu đồng 2 đối tượng Vũ Thị Bằng, Trần Thị Hải Vân, cùng trú tại bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh, về hành vi tổ chức chặt phá gần 2 ha đất rừng trạng thái 1c tại thửa 35, lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 197 Na Pha Văng Đoọng, khu vực Nậm Pông, xã Châu Hạnh. Bà Vân là cán bộ thuộc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của UBND huyện Quỳ Châu.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Lasuco hợp tác trồng mía giảm phát thải

Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) hợp tác với một số doanh nghiệp triển khai dự án giảm phát thải carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn.