| Hotline: 0983.970.780

9 lợi thế thu hút đầu tư vào nuôi biển ở tỉnh Quảng Ninh

Chủ Nhật 31/03/2024 , 09:20 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào nuôi biển ở Quảng Ninh, vì mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển.

Quảng Ninh mang khát vọng trở thành trung tâm nuôi biển. Ảnh: Hoàng Anh.

Quảng Ninh mang khát vọng trở thành trung tâm nuôi biển. Ảnh: Hoàng Anh.

Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng, lợi thế đặc biết lớn để phát triển ngành hàng nuôi biển. Với bờ biển dài 250 km chạy dọc từ Móng Cái đến Quảng Yên, có Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và hơn hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước, trên 40.000 ha bãi triều và hơn 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100 km2, diện tích vùng nuôi hơn 45.000 ha... Quảng Ninh mang trong mình khát vọng trở thành trung tâm nuôi biển lớn nhất miền Bắc.

Bài liên quan

Trong những năm vừa qua, ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh luôn có vị trí vai trò quan trọng và đóng góp trên 55% giá trị sản xuất trong cơ cấu ngành nông, lâm ngư nghiệp. Thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành các chính sách nhằm tạo nền tảng vững chắc để từng bước thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Nhờ đó, sản lượng thủy sản Quảng Ninh đã tăng từ 88.984 tấn năm 2013 tăng lên 175.324 tấn vào năm 2023. Cùng với đó, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh Quảng Ninh đã tăng về quy mô, sản lượng…, trong đó tổng diện tích nuôi trồng đạt hơn 32.092 ha, tăng 10.667 ha so với năm 2013.

Cũng theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 16 cơ sở sản xuất và cung ứng giống thủy sản ra thị trường trong và ngoài tỉnh với khoảng 3 tỷ con giống/năm. Có 5.556 tàu cá, thực hiện chủ trương xuyên suốt "giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng", đội tàu khai thác tàu xa bờ giảm nhẹ và giảm nhanh đội tàu đánh bắt gần bờ.

Các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý nuôi trồng thủy sản trên biển, hạ tầng vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung đã được một số nhà đầu tư lớn triển khai thực hiện có trọng tâm trọng điểm…

Mô hình nuôi xen canh hàu sữa Thái Bình Dương và rong sụn mang lại giá trị kinh tế cao ở Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình nuôi xen canh hàu sữa Thái Bình Dương và rong sụn mang lại giá trị kinh tế cao ở Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Anh.

Xác định thu hút đầu tư mang ý nghĩa quyết định nhằm xây dựng ngành hàng nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chiến lược, trong đó tập trung giới thiệu và phân tích 9 thế mạnh của tỉnh để phát triển nuôi biển, cùng với đó là cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp phát triển kinh tế biển nói chung và nuôi biển nói riêng.

Thế mạnh thứ nhất, Quảng Ninh là địa phương có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước. Cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh cùng với người dân mang khát vọng lớn nhằm đánh thức tiềm năng của biển.

Quảng Ninh đang tập trung cải cách hành chính, giảm thiểu tối đa thời gian làm thủ tục đầu tư, triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh nhất, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai.

Thứ hai Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng với lợi thế nổi trội. Hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu rất thuận lợi, thị trường tiêu thụ thủy sản rộng lớn do nằm trong Khu vực hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt- Trung”, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, cầu nối quan trọng của hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc…

Đây được xem là tiềm năng, lợi thế đặc biệt nhằm thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào nuôi biển, xây dựng các nhà máy chế biến…

Ngày mới trên vùng nuôi biển Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngày mới trên vùng nuôi biển Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ ba, tỉnh Quảng Ninh có diện tích lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ sinh thái tự nhiên phong phú, địa hình đa dạng vừa có biển, vừa có rừng, núi với nhiều di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới.

Thứ tư là hạ tầng giao thông ở Quảng Ninh khá đồng bộ, hiện đại và đang phát triển vượt trội. Hệ thống kết nối giao thông bằng đường bộ, đường hàng không, đường biển khá hoàn chỉnh cũng là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển nói chung và nuôi biển nói riêng.

Thứ năm, cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh bước đầu chuyển dịch theo hướng phù hợp với xu thế thời đại. Các ngành dịch vụ, du lịch định hướng phát triển mạnh thành công nghiệp giải trí.

Thứ sáu là tình hình an ninh trật tự và an sinh xã hội tốt. Tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai liên kết với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực cho nuôi biển, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho các doanh nghiệp đến nuôi biển ở Quảng Ninh.

Thứ bảy, Quảng Ninh đã đưa thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, các quyết sách của Trung ương cũng xác định Quảng Ninh sẽ trở thành Trung tâm thủy sản miền Bắc. Với diện tích biển trên 6.000 km2, diện tích vùng nuôi hơn 45.000 ha, chiếm trên 15% tổng diện tích nuôi biển toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển nuôi biển sẽ là kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thứ tám, khung pháp lý thúc đẩy phát triển ngành thủy sản đầy đủ, đặc biệt đã có. Quảng Ninh là tỉnh tiên phong quy hoạch và ban hành các chính sách nuôi biển nhằm tạo nền tảng vững chắc để từng bước thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Cụ thể, thời gian qua Quảng Ninh đã sắp xếp lại ngành thủy sản theo hướng giảm đánh bắt tăng nuôi trồng; chuyển đổi vật liệu vùng nuôi từ phao xốp sang phao công nghệ HDPE thân thiện với môi trường…

Thứ chín, hoạt động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản nói riêng và kinh tế biển nói chung tiếp tục được tổ chức, cá nhân quan tâm mở rộng đầu tư sản xuất. Cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh cùng vào cuộc xây dựng các chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến, phát triển thị trường, hậu cần nghề cá, xây dựng các mô hình đồng quản lý; đào tạo, ứng dụng khoa học, hợp tác phát triển thuỷ sản…

Với tổng diện tích thu hút hơn 13.421 ha, Quảng Ninh có tiềm năng và cơ hội rất lớn phát triển ngành hàng nuôi biển. Ảnh: Hoàng Anh.

Với tổng diện tích thu hút hơn 13.421 ha, Quảng Ninh có tiềm năng và cơ hội rất lớn phát triển ngành hàng nuôi biển. Ảnh: Hoàng Anh.

Để thu hút đầu tư vào nuôi biển ở Quảng Ninh, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thiện tài liệu thu hút đầu tư nuôi biển của tỉnh, trong đó thể hiện tổng diện tích thu hút đầu tư nuôi biển của Quảng Ninh là 13.421ha. Thị xã Quảng Yên là địa phương đầu tiên phê duyệt đề án nuôi biển với diện tích thu hút đầu tư nuôi biển 865ha. Ccas địa phương khác như Móng Cái (3.625ha), Hải Hà (743ha), Đầm Hà (1.200ha), Vân Đồn (4.800ha), Cô Tô (1.500ha), Cẩm Phả (1.433ha)… đều được quy hoạch rõ diện tích vùng nuôi, phân tích rõ tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nuôi biển.

Với quan điểm phát triển thủy sản theo hướng sinh thái - xanh - sạch gắn với quy trình sản xuất hiện đại trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế biển đảo, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có khoa học công nghệ nuôi biển tiên tiến đến với Quảng Ninh và cùng nhau mở biển.

Ngày 1/4, Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Sự kiện được Báo Nông nghiệp Việt Nam phát trực tiếp trên các nền tảng đa phương tiện.

Quý vị có thể tham dự qua zoom. ID: 939 8269 4473. Mật mã: 202404

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.