Sau khi Chính phủ cho phép các dịch vụ không thiết yếu được hoạt động trở lại bình thường, thì hệ thống rạp chiếu phim trên cả nước đã đồng loạt mở cửa với không khí khá tưng bừng.
Do hơn 2 tháng không được xem phim màn ảnh lớn, nên lượng khán giả mua vé tương đối đông. Nhu cầu ấy, gần như sự thư giãn tinh thần, hơn là sự thưởng thức nghệ thuật.
Ngoài việc tuân thủ những yêu cầu tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, hầu hết các rạp chiếu phim đều có chính sách khuyến mãi.
Các cụm rạp có thương hiệu như CGV, Lotte Cinema, BHD Star, Galaxy Cinema đều chủ động giảm giá vé từ 10 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng cho các giờ chiếu khác nhau.
Giai đoạn giữa tháng 5 có thể xem như tuần trang mặt giữa khán giả và rạp chiếu phim. Còn khi cảm giác khát thèm xem phim ở rạp đã qua đi, thì những nhà phát hành phim sẽ đau đầu về sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Ở Việt Nam cơ bản đã khống chế được virus Corona, nhưng kinh đô điện ảnh Hollywood tại Mỹ vẫn đóng băng và hai nguồn cung phim mới sôi động bậc nhất châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa rục rịch tái khởi động.
Vì vậy, khó khăn lớn nhất của cụm rạp đang đối mặt là không có những bộ phim bom tấn để gây sốt vé.
Những bộ phim Việt được đóng máy vào đầu năm 2020 và đã “đắp chiếu” suốt giai đoạn cách ly xã hội, đang tràn đầy hy vọng hốt bạc khi ra rạp.
Cụ thể, 3 bộ phim có ba sắc thái khác nhau là “Nắng 3: Lời hứa của cha”, “Anh trai yêu quái” và “Truyền thuyết về Quán Tiên” đều nhanh chóng đạt được thỏa thuận về lịch chiếu và tỷ lệ lợi nhuận với hệ thống rạp chiếu.
Thậm chí, bộ phim hài nhảm kiểu như “Vu quy đại náo” cũng hứa hẹn nằm trong danh sách chọn lựa của công chúng trong mùa hè này.
Một số phim nước ngoài vốn được đánh giá ở mức thường thường bậc trung như “Phi vụ đào tẩu”, “Bà hoàng nói dối”, “Sa mạc chết”, “Kaiji: Trận chiến quyết tử”, “Bẫy linh hồn”, “Ác mộng kinh hoàng”, “Kẻ đào tẩu giấc mơ” hoặc “Fukushima 50: Thảm họa kép”, “Trận chiến Midway và Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới” bỗng dưng cũng thành nguồn dự trữ mang tính chiến lược của các rạp chiếu.
Bối cảnh ấy, cho phép nhiều nhà sản xuất phim trong nước được phép tiếp thị lại một số bộ phim từng công chiếu trước đây, như “Tháng năm rực rỡ”, “Gái già lắm chiêu 3”, “Cua lại vợ bầu”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”…
Dĩ nhiên, khán giả không có nhiều sự chọn lựa thì họ sẽ thử xem những phim Việt mà trước đây họ từng mặc định là “chiếu dưới” trên thị trường điện ảnh.