| Hotline: 0983.970.780

Rau màu chết rạc

Thứ Năm 20/03/2014 , 07:01 (GMT+7)

Mưa dầm kéo dài ở miền Bắc đã ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng, đặc biệt là các loại rau màu vụ xuân hè.

Cả tháng nay không có ngày nắng, cây trồng luôn chìm trong những màn sương mù dày đặc, mưa phùn ẩm ướt liên miên.

Quá trình quang hợp của cây bị kìm hãm, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển. Cũng do thời tiết bất lợi khiến sâu bệnh bùng phát, gây hại mạnh rau màu. Thân lá cây bị thối, chết rạc vì nấm sương mai gây hại, sâu ăn cùn hết lá, dưới đất thì bộ rễ bị úng nước, thối hỏng và chết dần.

Trước tình trạng này, nhiều hộ nông dân chuyên canh rau màu ở Hải Dương đã rất tích cực áp dụng mọi biện pháp như phun thuốc phòng bệnh, chống úng cho ruộng, bổ sung các dòng phân vi lượng cao cấp... hòng cứu vãn, giữ được lượng rau trên đồng ruộng. Tuy nhiên, dưới áp lực khắc nghiệt của thời tiết (mưa dầm triền miên), họ đành bó tay.

Ông Bùi Văn Đậu, Bí thư Chi bộ thôn Chí Linh 1, xã Nhân Huệ, TX Chí Linh là nông dân giàu kinh nghiệm thâm canh rau màu nhiều năm. Hiện tại ông trồng 2,5 sào cà chua. “Nếu không gặp mưa kéo dài đợt này thì cà chua bây giờ đã đang cho quả rộ, năng suất cũng khá cao vì lượng quả non đã đậu được nhiều. Nhưng giờ thì cây nào cây đấy chết rạc trên giàn vì bị mốc sương. Quả nào có chín, vặt về thì cũng cứng đơ hoặc thối ủng, không ăn được vì đã ủ bệnh từ ruộng. Coi như mẻ cà chua này công cốc”, ông cho biết.

Người trồng rau giờ như ngồi trên đống lửa, ngày nào cũng xem ti vi, nghe đài, báo để biết thông tin về thời tiết. Họ chỉ mong sao, ngày mai tạnh mưa, trời hửng nắng. Nhiều hộ đã tốn công tốn nhiều của để bảo vệ rau nhưng giờ đành buông xuôi cho vườn rau chết rạc. Họ mong ngóng từng ngày, thời tiết sẽ thay đổi để trồng một lứa rau mới.

Cùng cảnh với nông dân xã Nhân Huệ, bà con vùng chuyên canh rau màu tại xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng cũng đang loay hoay với những ruộng cà rốt đang thời kỳ dưỡng và giữ củ. Họ chật vật vì phải thu hoạch cà rốt dưới làn mưa phùn dày đặc không lúc nào ngớt, đất ruộng thì ướt nhoét.

Tay đầy bùn đất vừa thu cà rốt, vừa tranh thủ trao đổi, anh Nguyễn Văn Thành bộc bạch: "Chúng tôi thường thắng đậm ở trà cà rốt sớm và trà muộn. Năm nay trà sớm đã gặp may trúng lớn thu được đến 10 triệu đ/sào. Nhưng rủi thay, trà muộn này thất bại thê thảm vì mưa lâu quá! Cả xã, cả vùng giờ phải tập trung thu hoạch, bán tống bán tháo chứ không thì củ thối hỏng hết. Giá cà rốt giờ chỉ còn từ 1.600 - 1.800 đ/kg, thu về được 3,5 - 4,2 triệu đ/sào".

Nông dân Cẩm Giàng vốn có nhiều năm kinh nghiệm thâm canh cà rốt và họ biết cách dưỡng cây, giữ củ ngoài ruộng kéo dài đến tận tháng 4 hay tháng 5 dương lịch mới thu để bán được đắt hơn vì thị trường lúc đó khan hiếm. Năm nay thì không thể nói gì được khi sự tình thế này.

Nhiều vùng SX rau ăn lá ngắn ngày thì cũng không giữ được rau trên ruộng để mà chăm sóc, thu hái. Ngày nào cũng mưa, không tạnh ráo để phun thuốc phòng bệnh. Nhiều hộ định kì phun thuốc nhưng rau cũng rạc hết lá rồi nhũn chết. Cung không đủ cầu nên giá rau ăn lá giờ lại đắt. Rau muống từ 6. 000 - 7.000 đ/mớ, rau cải ăn lá từ 4.000 - 5.000 đ/mớ.

Đắt vậy, nhưng người trồng cũng không kiếm đâu ra nhiều rau để bán vì ruộng rau hầu hết trống trơn. Cho nên hiệu quả kinh tế thu được cũng chẳng là bao. Nông dân phá lứa rau trước để gieo trồng lứa sau thì đều bị thối rạc, không lên được khi cây vẫn còn non, bé.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.