Trở về với tự nhiên
Hiện gia đình bà đang canh tác với tổng diện tích hơn 2 sào đất bao gồm cà chua, dưa chuột, dưa ngọt, su hào và các loại rau xanh.
Sản xuất rau quả an toàn ở huyện Đông Anh |
Theo bà, từ khi sử dụng chế phẩm này, ngoài chất lượng nông sản được nâng lên rõ rệt, an toàn cho cả sức khỏe của mình và người sử dụng thì ấn tượng nhất đó là môi trường rất trong sạch. Đây là điều mà trước kia chưa từng có.
Theo định hướng của Bộ NN-PTNT việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất mà còn đang gây ra những bất ổn trong sản xuất. Do đó việc tìm kiếm những sản phẩm thay thế một phần cho chúng là hết sức cần thiết. Các chế phẩm sinh học nhằm thúc đẩy sinh trưởng thực vật, giúp giảm thiểu rủi ro trong quản lý sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo năng suất dài hạn của tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái và cải thiện đời sống sức khỏe của con người, vật nuôi, cây trồng.
“Áp dụng chế phẩm sinh học này hơn 1 năm nay, tôi thấy nó đem lại hiệu quả rất tốt. Trước hết là sạch môi trường, hiện nay không còn những vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật rải rác đầy cánh đồng, sinh vật được sinh sôi, phát triển. Sức khỏe của chúng tôi được bảo đảm, ra đồng không còn ngửi thấy mùi thuốc hóa học, không còn phải tiếp xúc với hóa chất độc hại nữa. Sử dụng công nghệ sinh học này vừa tốt cho sức khỏe, vừa bảo đảm cho môi trường và con người đều được an toàn và sạch sẽ”, bà Thơ chia sẻ.
Về chất lượng sản phẩm, các loại rau như rau cải bó xôi trước kia dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nhiều ăn hơi hôi mà vị còn chát chát nhưng bây giờ dùng chế phẩm sinh học ăn rất đậm đà mà không bị hôi và chát nữa. Trước kia, củ su hào phải bỏ hết lá không dám ăn thế nhưng bây giờ lá cũng được tận dụng hết. Các loại quả như cà chua, dưa chuột, dưa ngọt cũng thơm ngon hơn hẳn.
Quy trình trồng rau, củ, quả ở đây được thực hiện qua những công đoạn như sau: Ủ các loại phân chuồng, phân xanh với chế phẩm sinh học sau đó bón vào đất để cải tạo độ cân bằng cũng như các chất dinh dưỡng bên trong. Ngay cả việc xua đuổi côn trùng cũng bằng những loại chế phẩm sinh học. Tất cả nông sản mang đi kiểm tra ở Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đều đạt đúng tiêu chuẩn đưa ra.
Năng suất nông sản ứng dụng chế phẩm sinh học khi thu hoạch không thua kém so với phương pháp cũ sử dụng thuốc hóa học hơn nữa lại có sự cải thiện rất lớn về môi trường. Nước trong hơn, đất không còn bị bạc màu như trước, không khí không có mùi.
Đặc biệt, bằng việc tận dụng tất cả các loại phế thải sau sản xuất nông nghiệp, phân hữu cơ, phân chuồng đã giảm được giá thành đầu vào. Bởi thế tuy tốn công hơn một chút nhưng so sánh với 1 sào rau quả trồng kiểu hóa học và 1 sào rau quả trồng kiểu mới ở gia đình bà Thơ thì số vốn đầu tư không cao hơn mấy.
Nhật ký điện tử giúp minh bạch nguồn gốc
Một điều mới mẻ nữa là tất cả nông sản do xã viên HTX Hữu cơ Nông nghiệp Tiên Dương làm ra đều được dán một con tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp họ có một công cụ để kiểm soát ngay từ đầu vào trong quá trình canh tác. Khi chăm tưới, người nông dân chỉ việc cào xác thực những con tem trên những chai chế phẩm, qua định vị nhật kí điện tử ruộng đồng, sẽ có được những thông tin về sản phẩm và việc sử dụng chế phẩm sinh học của mình. Lịch sử ấy sẽ được lưu lại trên 1 hệ thống bao gồm người nào, điện thoại gì, tại thời điểm nào, vị trí địa lí được định vị thông qua GPS là vị trí ở đâu, đã dùng chế phẩm sinh học nào để chăm sóc sản phẩm này.
Tất cả nông sản do xã viên HTX Hữu cơ Nông nghiệp Tiên Dương làm ra đều được dán một con tem truy xuất nguồn gốc |
Sản phẩm rau, củ, quả khi được thu hoạch và sơ chế đóng gói trên mỗi bao bì đều có những mã QR, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất, biết được sản phẩm này đã được trồng theo phương pháp như thế nào chỉ bằng giơ ra trước camera của điện thoại thông minh có nối mạng.
Ông Đoàn Quang Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Dương nhận định: “Chúng tôi đánh giá rất cao công nghệ 5 in 1 của HTX Hữu cơ Tiên Dương. Thành công thứ nhất là môi trường sản xuất, thứ hai là sức khỏe của người lao động khi không phải tiếp cận đến cái thuốc hóa học, thứ ba là nước thải trong sản xuất đảm bảo sạch sẽ, nuôi sống được cả côn trùng. Chúng tôi đang động viên, vận động hội viên và bà con mở rộng mô hình, tập trung theo hướng hữu cơ sinh học này trong thời gian tới”.
Những chế phẩm sinh học trong chăn nuôi và nuôi trồng đã chứng minh được ưu điểm vượt trội, phát triển bền vững nền nông nghiệp, sản xuất các thực phẩm sạch bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khó khăn chung của những người thực hiện mô hình là thị trường bởi hiện nay, thực phẩm sạch của bà con nông dân vẫn chưa được bao tiêu. Nông dân vẫn phải loay hoay trong việc tìm đến con đường liên kết đưa sản phẩm sạch đến tay nhiều người tiêu dùng. Giấy phép xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho sản xuất và chế biến cũng như chế độ hỗ trợ vay vốn cho nông dân vẫn còn nhiều bất cập.