| Hotline: 0983.970.780

Rầy nâu hoành hành

Thứ Sáu 14/08/2015 , 06:11 (GMT+7)

2.150 ha lúa HT ở Quảng Ngãi giai đoạn trổ đòng bị rầy nâu phát sinh gây hại, trong đó 147 ha nhiễm nặng. 

Nhiều ruộng chết khô, người dân phun thuốc phòng trừ nhưng không cứu nổi.

Dù đã được nông dân phun thuốc BVTV ngay khi phát hiện nhưng hàng loạt diện tích lúa đang giai đoạn trổ đòng ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành vẫn bị rầy nâu, rầy lưng trắng ồ ạt tấn công. Trong đó có nhiều đám lúa đã bị rầy hại chết khô.

“Vừa thấy lúa có rầy là tôi phun liền hai bình thuốc nhưng nó không chết, mà còn đẻ nhiều hơn. Giờ thì đám lúa hơn 1 sào chỉ còn rầy với rạ thôi”, lão nông Trần Đại, ngụ thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh buồn rầu nói.

Cùng với Hành Thịnh thì nông dân xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ cũng đứng ngồi không yên khi rầy sinh sản quá nhanh, nhiều diện tích lúa bị nhiễm với mật độ lên tới trên 10.000 con/m2.

Lão nông Đặng Hùng rầu rĩ nói: “Thấy lúa trổ đều ngỡ chắc ăn, ai ngờ lại bị rầy hại đến thất thu”.

Trước tình trạng này, Phòng NN-PTNT huyện Đức Phổ đã chỉ đạo Trạm BVTV tăng cường công tác tuyên truyền, cử cán bộ kỹ thuật về các địa phương có diện tích lúa bị nhiễm rầy để hỗ trợ bà con nông dân phòng trừ.

Ông Lê Thanh Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Phổ cho rằng, không thể chủ quan với rầy. Với điều kiện thời tiết như hiện nay, rầy rất dễ tái phát sinh và gây hại trên diện rộng. Nhất là khi toàn huyện đã có trên 100 ha lúa nhiễm rầy, trong đó 1 ha bị nhiễm nặng.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Quảng Ngãi Phạm Bá, so với vụ HT 2014, năm nay diện tích lúa bị rầy gây hại trên địa bàn tỉnh tăng 4 lần (riêng diện tích nhiễm rầy nặng tăng hơn 13 lần).

Sự gia tăng về mức độ lây lan cũng như gây hại của rầy do điều kiện thời tiết thuận lợi như mưa dông, nhiệt độ chiều và sáng sớm hạ thấp, kết hợp với cây lúa đang thời kỳ mẫn cảm (giai đoạn trổ đòng).

Ông Bá cho biết thêm, nguyên nhân cũng vì nông dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật hướng dẫn khi phun thuốc diệt rầy.

Bà con tự ý tăng nồng độ, liều lượng của thuốc mà lại giảm lượng nước; không chịu vạch lúa thành từng băng rộng để phun thuốc tập trung vào phần gốc (nơi ở của rầy) mà lại phun sơ sài ở phần ngọn.

Điều này khiến rầy không chết, lại kháng thuốc nên càng sinh sản mạnh, tốc độ lây lan vì thế cũng càng nhanh.

“Nếu bà con phát hiện rầy có mật độ từ 2 - 3 con/dảnh lúa thì dùng một trong các loại thuốc sau: Oshin 20WP, Chess 50WG, Azorin 400WP, Admire 100OD, Bassa 50ND, Vicondor 50EC… Sau khi phun 5 - 6 ngày, nếu mật độ rầy còn cao thì tiếp tục phun lại lần 2…”, ông Bá nói.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Bá thì điều quan trọng nhất là khi sử dụng thuốc diệt rầy là nông dân phải giữ mực nước trong ruộng từ 5 - 7 cm; đồng thời phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối để tránh hiện tượng lép hạt do thuốc gây ra. 

13-07-24_nh-2

Còn tại Nghệ An, theo Chi cục BVTV tỉnh này, hiện toàn tỉnh có 18.437 ha lúa HT, mùa nhiễm bệnh, trong đó 15.853 ha nhiễm khô vằn ở mức độ nhẹ và trung bình; 1.500 ha nhiễm bệnh bạc lá, chủ yếu tập trung ở các huyện Yên Thành (300 ha), Diễn Châu (500 ha), Quỳnh Lưu (650 ha); 1.100 ha bị chuột phá hoại, trong đó 123 ha bị nặng; 84 ha bị rầy nâu, rầy lưng trắng tấn công.

* Nghệ An: 18.000 ha lúa nhiễm bệnh

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Nghệ An cho biết, nông dân đang tích cực sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ bệnh. Đối với chuột đồng hại lúa, Chi cục khuyến cáo bà con chỉ nên dùng bả sinh học để diệt.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.