Ngày 6/5, ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông đã dẫn đầu đoàn liên ngành đến kiểm tra, làm rõ việc 8 xe công nông và 1 xe máy cày chở khối lượng lớn củi là cây rừng vừa bị bắt giữ tại xã Ia Mơr.
Trước đó 1 ngày, Đồn Biên phòng Ia Mơr, Đội Đặc nhiệm Phòng-chống Ma túy và Tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) phối hợp lực lượng chức năng huyện Chư Prông phát hiện 8 xe công nông và 1 xe máy cày (lớn) đang vận chuyển khối lượng lớn củi là cây rừng trên đường đưa về nơi tiêu thụ. Các đối tượng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên nên lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ tang vật và phương tiện.
Qua kiểm tra với số lượng hơn 31,5 ster củi được các đối tượng khai nhận vào rừng xã Ia Mơr cưa trộm rồi chở về xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) tiêu thụ.
Được biết, xã Ia Mơr là điểm nóng về việc khai thác, vẫn chuyển củi đi nơi khác tiêu thụ. Thậm chí các đối tượng ngang nhiên vào rừng khai thác rồi cắt thành từng khúc vận chuyển ra ngoài trung tâm trước sự “ngó lơ” của lực lượng chức năng.
Để hiểu rõ hơn về tình trạng khai thác gỗ, phóng viên đã có mặt tại xã Ia Mơr, nơi những cành rừng lớn đã bị triệt hạ. Cách UBND xã Ia Mơr không xa, men theo những con đường mòn chừng vài km, khung cảnh dần hiện ra là những cây gỗ lớn, nhỏ đã bị cưa hạ nằm ngổn ngang mà các đối tượng chưa kịp vận chuyển đi.
Đi sâu vào bên trong, tiếp tục chứng kiến những cây gỗ bị chặt hạ, đốt cháy, còn lại những gốc cây lụi tàn. Theo tìm hiểu được biết, khu rừng này nằm gần kênh dẫn nước nên các đối tượng lợi dụng để khai thác về bán củi và lấy đất làm nương rẫy.
Một người dân tiết lộ, tại xã Ia Mơr, các đối tượng vào rừng lấy các cây gỗ khô về làm củi mà không bị lực lượng chức năng bắt giữ. Chính điều này đã dẫn đến hệ lụy, cứ mùa mưa các đối tượng vào rừng cưa hạ cây, chờ đến mùa khô đốt cháy rồi cắt thành từng khúc đem đi tiêu thụ. Nếu bị lực lượng chức năng phái hiện, các đối tượng viện lý do mang về nhà làm củi nên không bị xử lý.
Không chỉ khai thác các cây gỗ củi, nhiều đối tượng còn ngang nhiên chặt hạ những cây gỗ tươi trước sự bất lực của chính quyền. Minh chứng cho chuyện này, một người dẫn đường đã ghi lại cảnh 2 xe máy cày vào rừng đi theo 2 khu vực để chặt hạ cây.
Khi được hỏi cắt gỗ cho ai thì những người này trả lời làm cho bà Da (ngầm hiểu là vợ của Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ia Mơr). Khi được hỏi tại sao bà Da “hợp đồng” kêu cắt cây khô mà lại cắt cây tươi thì những người này đổ lỗi do người khác đã cắt từ trước đó mà chưa kịp vận chuyển đi.
Phóng viên đã đem clip này đến gặp ông Nông Văn Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr. Sau khi xem clip, ông Hoàng cho biết, đúng là vợ tôi tên Hoàng Thị Da (trú tại xã Ia Lâu). Nhưng ông Hoàng phủ nhận chuyện vợ mình đứng sau thu mua củi và sai khiến người khác vào rừng cắt gỗ.
Ông Hoàng cũng cho biết, dịp Tết vừa qua, chính quyền xã Ia Lâu bắt khối lượng lớn gỗ rồi mọi người cũng đồn đoán là của vợ ông. “Tôi cũng đã đề nghị lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm. Tôi không hiểu vì sao, các đối tượng vận chuyển sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện là cứ nói làm gỗ cho vợ tôi như vậy”, ông Hoàng chia sẻ.
Thông tin về tình trạng rừng Ia Mơr bị tàn phá, ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy huyện Chư Prông, cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 27 vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn xã Ia Mơr thu giữ trên 50 ster củi.
Lý giải về về việc xã Ia Mơr là điểm nóng phá rừng, ông Dũng cho biết, vừa qua trên địa bàn xã Ia Mơr đã xây dựng công trình Thủy lợi Ia Mơr và có 2 kênh dẫn dài hơn 60 km, cùng với việc địa phương đã xin chuyển đổi 4.600 ha rừng để có vùng tưới cho công trình thủy lợi này. Do vậy, người dân với tâm lý vào xâm lấn đất rừng, trồng cây, nếu không được thu hoạch cũng được đền bù.
Ông Dũng thừa nhận có tình trạng người dân vào rừng cắt củi khô về sử dụng, tuy nhiên việc lực lượng chức năng tại xã Ia Mơr “bật đèn xanh” để người dân vào rừng cưa cây thì không có chuyện này xảy ra. Thực tế lực lượng chức năng xã Ia Mơr đã bắt nhiều vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
“Theo quan điểm, huyện sẽ quyết liệt xử lý triệt để tình trạng cưa hạ cây rừng và lấn chiếm đất rừng để làm rẫy. Nếu người nào đứng ra xin thì kỷ luật người đó ngay”, ông Dũng nói và cho biết, huyện đã kiểm điểm, xử lý nhiều người đứng đầu cấp ủy ở các địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng.