| Hotline: 0983.970.780

Rừng Cư’Mlan nguy cơ xóa sổ

Thứ Ba 16/08/2011 , 10:48 (GMT+7)

12Vượt hàng trăm cây số, có mặt tại khu rừng Cư’Mlan, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm cây rừng các loại bị lâm tặc đốn hạ chưa kịp vận chuyển nằm ngổn ngang...

 

Vượt hàng trăm cây số, có mặt tại khu rừng Cư’Mlan (xã Cư Malna, huyện Ea Súp, Đăk Lăk), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm cây rừng các loại có đường kính từ 20-50 cm (cà chít, chiêu liêu, bằng lăng…) vừa bị lâm tặc đốn hạ chưa kịp vận chuyển nằm ngổn ngang khắp các khu rừng.

>> Tan nát những cánh rừng

Phá ngay trước mặt

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm tài nguyên rừng nghiêm trọng, đặc biệt gần đây lâm tặc ngang nhiên chặt phá khu rừng Cư Malan do Cty Lâm nghiệp Cư’Mlan quản lý thuộc xã Cư Malna, huyện Ea Súp gây bức xúc trong dư luận.

Có mặt tại khu rừng Cư’Mlan, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm cây rừng vừa bị lâm tặc đốn hạ, chưa kịp vận chuyển nằm ngổn ngang, thân và gốc cây còn tứa nhựa ròng ròng. Xảo quyệt hơn, bọn chúng còn mang nhiều cây gỗ vừa chặt xong bày trên các tuyến đường nhằm tạo “chướng ngại vật” cản trở xe của các đoàn đến kiểm tra nếu có.

Lần theo đường rừng vào sâu chừng 500m, chúng tôi đã gặp ngay những nhóm lâm tặc ngang nhiên nổ cưa máy đốn cây rừng. Khi phát hiện thấy người lạ,  bọn chúng nhanh chóng ôm cưa chạy trốn vào rừng sâu. Chờ không thấy những tên này quay trở lại, chúng tôi quay ra, vừa bước lên gần tới đường nhựa, bỗng xuất hiện hàng chục chiếc xe máy gầm rú chạy như tên bắn vào rừng, sau mỗi xe là một chiếc cưa lốc cùng một can xăng 5 lít.

Điều đáng nói, cùng thời điểm này, cách đó mấy trăm mét có 5, 6 cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc Cty Anh Quốc (một trong 4 DN được Cty Lâm nghiệp Cư’Mlan hợp đồng quản lý, bảo vệ rừng) đứng đó, song họ chẳng hề có động thái truy quét, đẩy đuổi gì cả. Trao đổi với một cán bộ bảo vệ của Cty Quản lý rừng Anh Quốc, anh này  bao biện: “Đó không phải là địa phận của chúng tôi quản lý nên chúng tôi không thể can thiệp được”. Theo anh ta, tạm hiểu rằng địa phận này thuộc một Cty khác, nên "quân" của Anh Quốc không có trách nhiệm phải quản lý, bảo vệ.

Chỉ một đoạn đường khoảng 2km, chúng tôi ước tính có khoảng hơn 300 cây rừng lớn nhỏ bị đốn hạ. Điều đặc biệt là chúng chỉ đốn hạ xuống đó mà không vận chuyển đi ngay. Qua tìm hiểu, được biết, trước đây khu vực rừng này do Cty Lâm nghiệp Cư’Mlan quản lý, nhưng sau đó giao về cho xã. Mặc dù khu vực hiện đang bị chặt phá chỉ cách trạm liên ngành huyện Ea Súp chưa đầy 5km đường nhựa, thậm chí đây là trục đường chính dẫn vào rừng khi đi tuần tra của rất nhiều cơ quan chức năng, song tình trạng chặt phá, xẻ thịt rừng được tiến hành công khai mà không gặp bất cứ ai ngăn chặn.

Được biết, hầu hết các diện tích rừng bị tàn phá trong thời gian này đều có chủ đích. Ban đầu chúng khai thác gỗ để bán. Sau khi hết gỗ, rừng bị cạo trụi, chúng sẽ chuyển sang làm nương rẫy và nếu không có ai ngăn cản, xử lý, chúng sẽ sang nhượng, bán trao tay.

Có bắt tay, thông đồng?

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, chỉ tính riêng từ cuối năm 2010 tới nay, diện tích rừng bị phá tại xã Cư’Mlan là 1.058,10 hecta. Trong đó Cty Lâm nghiệp Cư’Mlan bị phá 471,30ha, riêng diện tích do xã Cư’Mlan quản lý có 316,80hecta rừng bị cạo trắng. 

Liệu có sự thông đồng, bắt tay giữa lâm tặc và lực lượng quản lý bảo vệ rừng hay không? Câu hỏi này đang được dư luận đặt ra bức xúc. Bởi nếu như không có sự trợ giúp hoặc bỏ qua của lực lượng chức năng thì làm sao lâm tặc dám cắt cây ngay đường nhựa giữa thanh thiên bạch nhật? Mặt khác, cung đường lâm tặc vận chuyển gỗ là tuyến đường độc đạo? Vậy ai chở, chở cho ai, chở như thế nào? Chẳng lẽ ai cũng biết còn chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ rừng thì không hề biết?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thước, Chủ tịch xã Cư’Mlan phân trần: “Vì lực lượng quá mỏng, trong lúc đó lâm tặc lại quá liều lĩnh và ranh ma, xã lại không có người chuyên trách mà chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, hơn nữa công cụ để hỗ trợ vấn đề này gần như không có, kinh phí cho anh em đi làm lại càng không nên việc bảo vệ rừng là... rất khó”.

Ông Thước còn cho biết thêm: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do thời gian này giá các loại nông sản tăng vùn vụt, người dân thi nhau vào lấn chiếm đất rừng để trồng các loại nông sản. Thứ hai, do các dự án trồng và bảo vệ rừng là người ngoài huyện, người dân lại không sợ lực lượng bảo vệ rừng của các công ty này,  thế nên dân tại chỗ người nọ dắt người kia đua nhau vào chặt phá. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức mong giữ lại những cánh rừng còn lại, song hiệu quả không cao, rừng bị mất ngày càng nhiều”.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ôtô BMW tự bốc cháy khi đang đỗ

Khoảng 12h ngày 2/5, trên đường Ngô Thì Sỹ, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông một chiếc ôtô nhãn hiệu BMW đỗ ven đường đột nhiên bốc cháy dữ dội.