| Hotline: 0983.970.780

Rừng đầu nguồn - 'lá chắn' thiên tai: [Bài 1] Người giữ rừng ở Dầu Tiếng

Thứ Tư 04/12/2024 , 09:25 (GMT+7)

Tây Ninh Ngoài giá trị về lâm sản, rừng có giá trị lớn về môi trường và giảm tác động biến đổi khí hậu. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, vai trò này càng đậm nét.

Hình ảnh lũ chồng lũ ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc sau cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc giữ rừng. Có thể thấy, một trong những giá trị nổi bật của rừng là khả năng giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là lũ lụt và sạt lở đất. Điều này nhờ vào khả năng lưu giữ nước mưa và điều hòa dòng chảy của lớp thảm thực vật rừng.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, hơn 50% diện tích nằm ven và giữa hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Phi.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, hơn 50% diện tích nằm ven và giữa hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Phi.

Nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng không chỉ góp phần tăng độ che phủ rừng cho khu vực mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ an ninh hồ Dầu Tiếng - một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, công trình trọng điểm quốc gia, và là "túi nước" của cả vùng Đông Nam bộ.

Vào một ngày cuối tháng 11/2024, chúng tôi có dịp theo chân Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Dầu Tiếng, đi tuần tra và canh gác những khoảnh rừng tại Tiểu khu 50 - khu vực giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh với Bình Dương và Bình Phước. Khu rừng như một ốc đảo xanh nằm lọt thỏm giữa bốn bề mặt nước.

Với hơn 15 năm gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ rừng, trong đó có 6 năm làm việc tại Tiểu khu 50, anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm không chỉ thuộc lòng từng ngọn cây, khóm rừng nơi đây mà còn thấu hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người giữ rừng. Dẫu vậy, với tình yêu và trách nhiệm, đội ngũ nhân viên bảo vệ rừng vẫn bám chốt, bám rừng từng ngày để bảo vệ từng tấc đất, tấc rừng.

Anh Sơn (người đi đầu) cùng Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Anh Sơn (người đi đầu) cùng Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Không giấu được sự tự hào khi khoác trên mình chiếc áo xanh của người lính giữ rừng, anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: "Nhận thức được ý nghĩa của rừng phòng hộ không chỉ là lá chắn tự nhiên giữ mạch nước ngầm, chắn gió, chống xói mòn, sạt lở, chúng tôi luôn nỗ lực bảo vệ rừng để góp phần bảo vệ cuộc sống con người trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Mỗi tuần, anh em trong chốt phân công nhiệm vụ cụ thể, thay phiên tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ vậy, nhiều năm qua không còn tình trạng lâm tặc lợi dụng địa hình phức tạp ở vùng thượng nguồn để vào rừng chặt cây hay săn bắt thú rừng.

Do địa hình vừa có đường bộ, vừa có đường sông, cuộc sống của chúng tôi chỉ quẩn quanh trong rừng, hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Người qua lại ít, sóng điện thoại lúc có lúc không. Gạo, nước mắm, muối được mua về dự trữ để dùng trong vài tuần, thậm chí cả tháng. Nhưng nhờ tình yêu rừng, chúng tôi đã vượt qua mọi rào cản để thủy chung với những cánh rừng đầu nguồn nơi đây”, anh Sơn tâm sự.

Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm kiểm tra, khắc phục một điểm sạt lở tại khu vực rừng đơn vị quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm kiểm tra, khắc phục một điểm sạt lở tại khu vực rừng đơn vị quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Anh Hồ Hoàng Phúc, Đội trưởng Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm, cho biết thêm, toàn đội có 15 người, trong đó 12 nhân viên bảo vệ rừng. Bình quân, mỗi cán bộ phải bảo vệ hơn 200ha rừng. Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa trộm cắp lâm sản và săn bắt thú rừng, đội còn tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Đội cũng phối hợp với các hộ dân ký cam kết không phá rừng, nhờ đó vấn nạn xâm chiếm, chặt phá rừng đã từng bước được đẩy lùi.

Do đặc thù rừng nằm trên lòng hồ Dầu Tiếng, Đội còn phối hợp với lực lượng chức năng địa phương và đơn vị quản lý hồ giám sát hoạt động khai thác cát, ngăn chặn việc khai thác xâm lấn đất rừng và gây sạt lở lòng hồ.

“Rừng phòng hộ giữ vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và giữ nước mưa, bổ sung mạch nước ngầm. Phá rừng phòng hộ không chỉ gây hậu quả ngắn hạn mà còn đe dọa sự bền vững lâu dài của môi trường sống. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Đây là câu nói nằm lòng của Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm”, anh Hồ Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.