Rừng hồi ở huyện Cao Lộc |
Đây cũng là tỉnh có diện tích hồi lớn nhất cả nước với 33.503ha. Hồi thực sự là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho đồng bào các dân tộc vùng biên.
Thủ phủ hồi
Hồi là loại cây không dễ trồng, ở nước ta chỉ có 3 tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn là trồng được loài cây này. Theo các chuyên gia, cây hồi ưa lớp đất mặt dầy, độ phì cao, nhiều mùn, đủ ẩm nhưng phải có khả năng thoát nước tốt. Loạt đất thích hợp nhất để trồng hồi là đất feralit màu đỏ, nâu và vàng, phát triển trên sa diệp thạch với độ pH dao động từ 5 - 6. Hồi cũng là cây ưa sáng nhưng giai đoạn ươm thì cần được che bóng và chăm sóc cẩn thận.
Bình Gia là huyện có diện tích hồi lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn với hơn 8.300ha. Ông Lương Trương Đạt, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Hồi là cây trồng chủ lực và là định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Cây hồi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và là cây xói đói giảm nghèo.
Hồng Phong là xã vùng 3 của huyện có diện tích hồi 326ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 100ha. Nhờ diện tích rừng hồi lớn mà nhiều hộ đã thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Gia đình ông Hoàng Văn Thìn ở thôn Kim Đồng có 500 cây hồi, trong đó 400 cây cho thu hoạch. Năm nay được mùa, mỗi cây cho thu trung bình 50kg quả. Với giá từ 18 - 20 nghìn đồng/kg, có lúc giá lên 25 nghìn đồng/kg, mỗi vụ hồi đem lại cho gia đình ông trên 300 triệu đồng.
Không chỉ là huyện có diện tích trồng hồi lớn mà rừng hồi được trồng ở Bình Gia còn được đánh giá là có chất lượng tinh dầu cao. Vì thế, mục tiêu của Bình Gia là phát triển và duy trì ổn định diện tích khoảng 8.700ha. Quy hoạch vùng SX hồi chất lượng cao tại 4 xã: Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Hồng Phong và Hồng Thái. Đồng thời, huyện cũng thường xuyên được ngành lâm nghiệp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm hồi để xây dựng thương hiệu hồi Bình Gia. |
Ông Đào Thế Đông, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Gia cho biết: Thấy rừng hồi mang lại thu nhập cao, người dân ở các xã đều dành diện tích rừng được giao để trồng hồi. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã trồng mới được 48,31ha hồi, tập trung ở các xã: Tân Văn, Hoàng Văn Thụ, Tô Hiệu, Hồng Phong. Hiện toàn huyện có trên 6.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng trung bình ước đạt trên 6.200 tấn.
Đa dạng sản phẩm
Hiện tinh dầu hoa hồi Lạng Sơn được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như làm thực phẩm, bánh kẹo, mỹ phẩm... So với tinh dầu được SX tại vùng miền khác, tinh dầu hoa hồi Lạng Sơn có chất lượng vượt trội hơn hẳn. Mặc dù, thị trường tinh dầu hồi có đến hàng chục thương hiệu khác nhau được SX tại Cao Bằng, Bắc Kạn và cả Trung Quốc, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là tinh dầu hoa hồi Lạng Sơn. Suốt những năm qua, dầu hồi Lạng Sơn đã tạo được lòng tin vững chắc với khách hàng trên toàn quốc.
Bà Vương Thị Sén ở bản Nà Hốc, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc năm nay gần 70 tuổi, trong đó có đến 50 năm gắn bó với cây hồi và chưng cất tinh dầu hồi.
Bà bật mí: "Chất lượng tinh dầu có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu chọn nguyên liệu. Thời gian hái hồi thích hợp nhất là vào khoảng 8 - 9 giờ sáng vì lúc này lượng tinh dầu có trong quả hồi là lớn nhất.
Nếu nấu tinh dầu bằng hồi khô thì phải chọn quả vàng, đẹp tự nhiên, không xước. Ngoài ra, nước dùng để chưng cất tinh dầu hồi phải là nước tinh khiết. Nếu dùng nước ruộng để nấu thì tinh dầu có thể nhiễm thuốc hóa học, thuộc diệt cỏ ngấm vào môi trường nước".
Người dân huyện Bình Gia phấn khởi vì hồi năm nay được mùa |
Với ưu thế nguồn nguyên liệu sẵn có và kinh nghiệm của người dân, ngành SX tinh dầu hồi Lạng Sơn đang phát triển vững chắc. Bởi vậy, trong “Quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” thì cây hồi được xem là bước đột phá. Vùng nguyên liệu hồi sẽ được tập trung vào những địa bàn trọng yếu gồm các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích hơn 20.000ha.