Một trong những nguyên nhân hạn chế tăng trưởng ngành nông nghiệp là do công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học- công nghệ (KH-CN) còn chậm, chưa tạo bước đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đặc biệt chưa kéo được DN vào tham gia ...
Liệt kê của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) thuộc Bộ NN-PTNT cho thấy, có tới 12 nghị định, quyết định, thông tư; 7 chương trình, đề án thể hiện các hình thức khuyến khích DN nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao KH-CN.
Chính sách trên giấy
Nhưng, thực tế cho thấy chưa có nhiều chính sách phát huy hiệu quả, được ứng dụng tích cực trong cuộc sống.
Một trong những chính sách được kỳ vọng mang tính đột phá trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (thay thế NĐ 61/2010/NĐ-CP). Trong đó, các DN được ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế…
Ngoài ra, DN được hỗ trợ 70% kinh phí cho thực hiện đề tài nghiên cứu để tạo ra công nghệ mới, 30% kinh phí đầu tư mới để thực hiện SX thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới.
Hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án đối với sấy lúa, ngô, khoai, sắn; sấy phụ phẩm thủy sản để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị.
Hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án chế biến cà phê theo phương pháp ướt để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị…
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu tiên đầu tư, khuyến khích đầu tư 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước. Mỗi lao động được hỗ trợ đào tạo một lần và thời gian đào tạo không quá 6 tháng.
Tổng các khoản hỗ trợ cho một dự án tối đa không quá 10% tổng mức đầu tư dự án và không quá 1 tỷ đồng.
Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư bao gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án và ngân sách địa phương; hàng năm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành từ 2 - 5% ngân sách địa phương để thực hiện…
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, tân Viện trưởng Ipsard cho rằng, xem xét Nghị định 210, thấy ngay rằng, hỗ trợ đầu tư cho quá nhiều khoản và mục sẽ gây ra áp lực về nguồn vốn để giải ngân trong thực tế dẫn tới việc thiếu ngân sách triển khai ở các cấp.
“Ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ cho dự án có mức cần hỗ trợ trên 2 tỷ đồng. Ngân sách địa phương hỗ trợ cho dự án còn lại, gồm cả những dự án lớn hơn 2 tỷ đồng nhưng không sử dụng ngân sách Trung ương.
Điều này càng làm tăng tình trạng mất cân đối đầu tư giữa các tỉnh giàu và nghèo”, ông Tuấn phân tích.
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư; khi hạng mục đầu tư, gói thầu của dự án hoàn thành thì được giải ngân 70%, trong khi phần lớn các dự án nghiên cứu công nghệ thường rất dài, rủi ro cao, cần nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm mới thành công nên hình thức hỗ trợ này có hiệu quả hạn chế khi DN thiếu vốn, đặc biệt khi phần lớn DN nông nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ.
Các hỗ trợ về đất (thuế phí) là ưu đãi phổ biến theo địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao…
Các hỗ trợ về đất mới chỉ tập trung vào hỗ trợ thuế, phí nhưng còn thiếu đề cập đến những vấn đề DN quan tâm hơn khi đầu tư vào KH-CN như: chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các công đoạn sau thu hoạch cần diện tích lớn và đầu tư chiều sâu, dài hạn vào hạ tầng; thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng KH-CN theo vùng SX tập trung…
“Chỉ riêng Nghị định 210 thôi đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu đi sâu phân tích các quyết định, đề án, chương trình khác thì mới thấy, rất ít chính sách có tính thực tiễn và có thể áp dụng dễ dàng trong thực tiễn”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói. |
Hay như Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/1/2010 về khuyến nông quy định DN vừa và nhỏ được hỗ trợ 50% chi phí tài liệu học khi tham dự đào tạo; hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật.
Mặc dù mục tiêu đưa ra có khuyến khích các tổ chức khuyến nông khác bao gồm các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội... tham gia hoạt động khuyến nông trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng trong thực tế chưa có các quy định cụ thể để khuyến khích DN tham gia các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và hưởng hỗ trợ trực tiếp các chương trình này.
DN không biết vận dụng chính sách nào
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến hết năm 2014, cả nước có 132 DN được công nhận là DN KH-CN, trong đó có 18 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện có rất nhiều văn bản với nhiều ưu đãi khác nhau cho lĩnh vực nghiên cứu chuyển giao KH-CN. Tuy nhiên, hầu hết DN chưa biết hoặc chưa tiếp cận được hỗ trợ phát triển của Nhà nước về vấn đề này.
Mặc khác, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước của bản thân DN được công nhận DN KH-CN hay DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các chính sách về tín dụng, thuế đất, thời gian thuê đất.
Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu thông tin về nguồn vốn, thủ tục quy trình vay vốn…
“Sự tham gia của DN trong hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp nông thôn còn hạn chế. Đa số DN KH-CN là DN quy mô nhỏ và vừa, việc thương mại hóa sản phẩm từ các viện nghiên cứu ra thực tế còn rất ít”, bà Thủy nhìn nhận.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Cửu, DN tư nhân Cửu Dung cho biết, bản thân DN không tiếp cận được vốn là do việc am hiểu về chính sách còn kém, bên cạnh đó, các nghiên cứu KH-CN của Việt Nam yếu, thiếu nghiên cứu sâu nên không đáp ứng được yêu cầu thực tế người cần công nghệ đó.
“Chúng tôi là những người cần nhưng đề xuất đặt hàng với các viện nâng công suất sản phẩm, nghiên cứu đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thực tế của bà con nhưng viện không làm vì lý do không trong kế hoạch, chương trình và không có tiền đầu tư”, ông Cửu nói.
Rõ ràng, chính sách thu hút DN đầu tư vào KH-CN nhiều, nhưng DN chỉ đầu tư khi có lợi. DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này, có nghĩa là chính sách chưa tạo thuận lợi cho họ.
"Nhà nước cần tạo điều kiện để DN được tiếp cận với các sản phẩm, chương trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế và đào tạo sử dụng ngân sách Nhà nước để các DN nhanh chóng nâng cao trình độ và nhận thức về KH-CN, không nên bán bản quyền". - (Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Cty CP Công nghệ mới OIC). |
Đại diện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực KH-CN trong nông nghiệp, ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Cty CP Công nghệ mới OIC, cho biết như vậy. Theo ông Minh, có tới hai luật và hàng chục nghị định, thông tư về nông nghiệp, rất nhiều văn bản, nhưng DN cần xin cái gì cũng không biết ứng vào đâu.
“Để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi đầu tư một lượng tiền rất lớn. DN nông nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn, lãi suất thấp.
Chính vì vậy DN nông nghiệp bị yếu thế do công nghệ thấp, khó cạnh tranh, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận thấp không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu công nghệ mới hơn”, ông Minh nói.
Ông Hải Minh cho rằng, việc xã hội hóa nghiên cứu KH-CN sẽ khai thác được nguồn lực của xã hội và các đề tài nghiên cứu sẽ có hiệu quả hơn. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đủ mạnh và tạo điều kiện cho DN nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN, đặc biệt là ứng dụng nghiên cứu.