| Hotline: 0983.970.780

Rừng 'thuốc bổ' giữa đại ngàn từ thời vua Gia Long

Thứ Tư 31/01/2018 , 14:30 (GMT+7)

Rừng chè cổ thụ mọc tự nhiên rải đều khắp 3 thôn ở xã An Toàn, huyện miền núi An Lão, Bình Định, được đồng bào dân tộc ít người tại đây gọi là "thuốc bổ của rừng" do hương vị đặc biệt và bổ dưỡng.

Độc đáo đồi chè Gia Long

Vượt 600m đường mòn xói lở nham nhở, chúng tôi đi lên vùng đất có độ cao 900m so với mặt nước biển thuộc khoảnh 11A, tiểu khu 37, có tục danh Bãi cỏ Gia Long nằm trên địa bàn thôn 2, xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) để đến vùng chè đông đặc 1.000 cây mọc tự nhiên trên diện tích 1,9 ha. Chè mọc khá dày. Vùng chè mọc tập trung trên Bãi cỏ Gia Long đa số cao đến 4m, cây thấp nhất cũng cao gần 1m, gốc to. Người dân địa phương hiện rất cần đất trồng mì và quế, tuy nhiên, chẳng ai nỡ phá bỏ những cây chè mọc tự nhiên.

Lên đến đồi chè, chúng tôi gặp mí Huy (“mí” tiếng Bana gọi phụ nữ đã có chồng) đang thả bò trong cánh rừng bên cạnh.

14-10-04_1
Mí Huy kể chuyện lai lịch về những cây chè tự nhiên mọc ở Bãi cỏ Gia Long

Mí Huy dù đã 80 tuổi nhưng còn khỏe lắm, 2 bàn chân leo dốc vun vút. Hỏi về những cây chè, cụ bà người Bana móm mém cười: “Không biết chúng có từ lúc nào đâu, xa xưa lắm rồi. Khi mí vừa lớn, biết đi chăn bò là đã thấy chúng ở đây rồi. Vào rừng mà coi, trong đó nhiều cây chè cao đến 30-40m, thân to bằng cái mình của trai làng khỏe mạnh”.

Chồng mí Huy là cụ Đinh Văn Giai, già làng thôn 2 từng được nghe cán bộ người Kinh kể chuyện về Bãi cỏ Gia Long. Chuyện rằng: Xưa kia, binh lính của vua Gia Long có thời kỳ đóng quân ở đây, lấy vùng đất đầy cỏ này làm bãi chăn bầy ngựa chiến. Thấy vùng đất bằng, binh lính nhà vua trồng chè để uống. Không ngờ chè trồng trên đất này có hương vị thơm ngon đặc biệt. Cây chè mọc lan lâu dần thành rừng.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết: “Chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ các già làng thôn 1 và thôn 2, cùng một số người cao niên trong xã để hỏi về nguồn gốc cây chè ở đây. Câu trả lời chung của mọi người là từ khi còn nhỏ họ đã nhìn thấy vùng chè. Đa số người dân ở đây hái lá chè về nấu nước uống, ai nấy đều cho rằng nước chè rất thơm ngon, có mùi vị đặc trưng, uống vào thấy khỏe như uống thuốc bổ. Đến nay chúng tôi cũng chưa xác định được nguồn gốc của vùng chè và biết chính xác chúng đã được bao nhiêu tuổi. Nhưng theo ước đoán của những người công tác trong ngành lâm nghiệp, những cây chè này đã sinh tồn không dưới 100 năm”.

14-10-04_2
Những cây chè mới được BQL RĐD An Toàn trồng thêm cho đông đặc tại vùng chè bảo tồn

Theo chân ông Nam chúng tôi vào sâu trong cánh rừng bên cạnh. Không thể không sự ngỡ ngàng trước những cây chè đứng sừng sững, to hơn một vòng tay người ôm, cao nhìn đến ngút tầm mắt, bề thế chẳng kém cạnh những cây rừng nguyên sinh.
 

“Thuốc bổ” của rừng

Trong cuộc trò chuyện với mí Huy, sực nhớ lại sau khi vượt qua đoạn đường dài 600m, cao 900m so với mặt nước biển để lên đến đồi chè Gia Long, nhóm chúng tôi ai cũng mệt đến “thở không ra hơi”, vậy mà không biết lấy sức đâu ra mà cụ bà đã 80 tuổi như mí Huy lại có thể thong dong lên ngọn đồi này thả bò mỗi ngày.

Không dằn được tò mò, tôi hỏi mí Huy: “Không biết cụ có bí quyết gì không mà sức khỏe của cụ còn hơn thanh niên bọn con vậy?”. Mí Huy cười bảo: “Người đồng bào thì làm gì có bí quyết giữ sức khỏe như người Kinh, chỉ nhờ vào rừng hết thôi. Rừng ở đây có sẵn cây chè, những lúc thả bò trong rừng, mỗi khi thấy mệt hoặc khát nước, ngắt mấy lá chè bỏ vào miệng nhai rồi nuốt nước là lập tức thấy đôi chân khỏe lại và hết khát ngay. Ngày nào đi chăn bò về tôi cũng hái về theo mớ chè tươi, ông chồng tôi nấu nước uống, người cứ khỏe cả ngày, làm gì cũng không biết mệt. Uống loại chè này nó cứ bắt mình ăn cơm hoài thôi. Bà con chúng tôi gọi nó là thuốc bổ của rừng”.

14-10-04_3
Nhiều gốc chè to đến 1 người ôm

Mí Tha, cô gái đi cùng nhóm chăn bò với mí Huy cũng ở thôn 2 (xã An Toàn), bẽn lẽn bộc bạch thêm: “Đàn ông thôn 2 ai cũng thích uống loại chè này. Bạn của chồng mỗi khi đến nhà uống rượu cứ hỏi tôi có hái chè không để xin. Ngồi uống rượu mà mấy ông cứ to nhỏ với nhau rằng chè này uống vô giải rượu, lại muốn có mấy đứa con thì có, không biết mệt đâu!”.

Trong lúc loanh quanh trong rừng để nhìn ngắm những cây chè cổ thụ, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn Nguyễn Hùng Nam cần mẫn tìm những cây chè thấp, lá xanh mơn mởn, bứt những đọt chè non để về nấu nước. Trưa hôm ấy, khi về đến cơ quan, anh phụ trách nhà bếp rửa những lá chè sạch sẽ, bỏ vào ca nhựa, sau đó chế nước sôi vào. Chỉ một lát sau nước trong ca nhựa đã trở màu vàng sánh trông rất đẹp mắt.

14-10-04_4
Mí Tha (bìa trái): “Đàn ông thôn 2 ai cũng thích uống loại chè này”

Nhấp một ngụm, mới uống vào lưỡi cảm nhận vị đắng, nhưng khi ngụm nước chè xuống cổ thì vị đắng đã hóa ngọt. Uống xong ly nước chè, bao nhiêu mệt nhọc dần tan biến. Nước chè có hương vị hoang sơ rất đặc biệt, chỉ chừng ấy lá chè mà chế đến mấy lần nước sôi mà nước chè vẫn óng vàng.

Trong bữa cơm trưa, anh  Nam hồ hởi khoe: “Chúng tôi đã hợp đồng với Cty CP Dược và trang thiết thiết bị y tế Bình Định để phân tích, đánh giá hàm lượng các dược chất có trong chè tự nhiên ở An Toàn, so sánh với các vùng chè khác khá nổi tiếng như chè Gò Loi ở huyện Hoài Ân để tiến tới xây dựng thương hiệu, sản xuất hàng hóa bán ra thị trường”.

Một lần đi thăm vùng chè bảo tồn tại thôn 2 xã An Toàn, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, bỗng nảy ra ý kiến xây dựng con đường bậc thang từ đường bê tông lên đến vùng chè, để khi thu hoạch chè vận chuyển cho tiện, sau là để phục vụ du lịch. Chúng tôi ngầm hiểu, tham vọng của chính quyền huyện An Lão là không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn và phát triển chè tự nhiên nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu chè An Toàn, mà còn sẽ lấy rừng chè làm điểm nhấn cho du lịch sinh thái sau này.

14-10-04_5
Mí Huy hái chè về cho chồng uống

 

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm