| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh lấn núi trống, đồi hoang

Thứ Tư 05/07/2023 , 06:56 (GMT+7)

Kinh tế lâm nghiệp ngày càng phát huy được vai trò, thế mạnh ở khu vực Việt Bắc, cùng với những lợi thế thì kinh tế rừng vẫn còn tồn tại những nút thắt.

Thế mạnh về rừng

Tính đến hết năm 2021 khu vực miền núi phía Bắc có hơn 1,52 triệu ha rừng trồng sản xuất, chiếm 41% diện tích của cả nước. Trong số này, các tỉnh có diện tích nổi bật là Tuyên Quang chiếm 9,9%, Thái Nguyên chiếm 6,1%, Hà Giang chiếm 5,2%, Bắc Kạn chiếm 5,5%...

Diện tích trồng rừng gỗ lớn của khu vực này là gần 326 nghìn ha, chiếm 66,6% diện tích của cả nước; rừng có chứng chỉ bền vững là 84,2 nghìn ha… Những năm qua kinh tế lâm nghiệp đã làm thay đổi không nhỏ bộ mặt nông thôn miền núi của khu vực Việt Bắc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, để người dân có thể sống được và sống tốt dưới sự giàu có, đa dạng của rừng.

Hàng năm các địa phương trong khu vực Việt Bắc thực hiện trồng mới hàng nghìn ha rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Hàng năm các địa phương trong khu vực Việt Bắc thực hiện trồng mới hàng nghìn ha rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có trên 464.000ha đất có rừng; 103.000ha rừng đã giao cho các tổ chức, gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý. Tỉnh có 9.100ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), tập trung tại 2 huyện Bắc Quang và Vị Xuyên. Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu bền vững theo tiêu chuẩn quản lý, bảo vệ rừng của Hội đồng quản trị rừng thế giới; mở ra cơ hội lớn cho người trồng rừng trong xuất khẩu gỗ vào thị trường quốc tế và được hưởng giá trị kinh tế cao hơn 10 - 15% so với rừng không được cấp chứng chỉ FSC. Mặt khác, toàn tỉnh đã huy động số tiền gần 1.200 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời thu hút được 9 dự án ngoài ngân sách hỗ trợ đầu tư cho ngành lâm nghiệp…

Tại tỉnh Cao Bằng, trong năm 2022, địa phương đã thực hiện trồng mới được 334ha rừng với các loài cây được trồng chủ yếu như keo, lát, xoan, quế, hồi, sưa... Thực hiện hiệu quả công tác trồng rừng, ngành NN-PTNT tỉnh Cao Bằng phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển các loại cây lâm sản có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như quế, hồi. Trong năm ngoái địa phương đã thực hiện trồng mới được 95,56ha cây quế và 139ha cây hồi…

Song song với công tác quản lý, bảo vệ và mở rộng phát triển diện tích rừng trồng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, các địa phương trong khu vực Việt Bắc cũng chú trọng việc mở cửa cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, hành lang pháp lý để ngày càng có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến sâu đặt chân tại khu vực. Nổi bật là tỉnh Tuyên Quang có 75 doanh nghiệp và là địa phương có số doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ lớn nhất khu vực Việt Bắc.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện đã có 8 nhà máy chế biến lớn đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa 130.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến gỗ Tuyên Quang 5.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ xã Thái Bình, huyện Yên Sơn 20.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 7.500 tấn sản phẩm/năm... Tổng vốn đầu tư là, của các công trình dự án hơn 1.328 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động vào tháng 1/2024.

Tuyên Quang là trung tâm của khu vực Việt Bắc về hoạt động sản xuất, chế biến gỗ. Ảnh: Đào Thanh.

Tuyên Quang là trung tâm của khu vực Việt Bắc về hoạt động sản xuất, chế biến gỗ. Ảnh: Đào Thanh.

Cần gỡ nút thắt để rừng là... vàng xanh

Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế lâm nghiệp tại các địa phương ở khu vực Việt Bắc còn tồn tại những rào cản, nút thắt cần tháo gỡ. Cụ thể như diện tích rừng tự nhiên lớn (kể cả rừng sản xuất nhưng quy hoạch là rừng tự nhiên) người dân không được khai phát để trồng mới gây ra rất nhiều khó khăn. Hiện nhiều người dân, lực lượng kiểm lâm gắn bó với rừng đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó áp lực công việc lớn; tình trạng phá rừng vẫn còn tồn tại.

Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, phát việc kinh tế lâm nghiệp ở Tuyên Quang vẫn còn những khó khăn như: Việc giữ được rừng trên địa bàn tỉnh khá tốt nhưng hiệu quả kinh tế từ rừng chưa được tương xứng, khó triển khai các cơ chế để phát triển kinh tế dưới tán rừng. Các hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế trong việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng còn nhiều vướng mắc. Việc triển khai một số điều trong Nghị định 156 về thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp như hoàn thiện hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng đối với trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất có rừng hoặc đã được công nhận quyền sử dụng đất có rừng nhưng chưa lập hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng chưa rõ ràng và khó triển khai…

Tại các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng…, chính sách, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên chưa phù hợp, chưa kịp thời; các biện pháp bảo vệ chỉ tập trung hướng bảo tồn mà không có hướng phát triển theo hướng khai thác lợi ích từ rừng tự nhiên. Do đó chưa tạo được sinh kế bền vững, tăng thu nhập, đời sống nhân dân gần rừng còn nhiều khó khăn. Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn còn tồn tại. Cụ thể riêng tại tỉnh Bắc Kạn từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện ra hơn 2.900 trường hợp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp… Việc triển khai thực hiện cấp tín chỉ các bon rừng tại một số địa phương còn lúng túng và bất cập; vấn đề về chất lượng giống cây lâm nghiệp cũng là những rào cản…

Nguồn cây giống đảm bảo chất lượng tốt giúp việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc được thực hiện một cách bền vững. Ảnh: Đào Thanh.

Nguồn cây giống đảm bảo chất lượng tốt giúp việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc được thực hiện một cách bền vững. Ảnh: Đào Thanh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn nêu trên, các địa phương đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều chính sách mang lại lợi ích tích cực cho người dân. Như tại tỉnh Hà Giang, thực hiện Nghị quyết số 29 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của HĐND tỉnh, địa phương này đã hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đối với trồng rừng sản xuất bằng cây giống tốt (cây keo), 8 triệu đồng/ha đối với trồng rừng bằng cây gỗ lớn. Cùng với đó, thực hiện kế hoạch 85 về đột phá trồng rừng kinh tế theo chính sách của HĐND tỉnh, ngành lâm nghiệp đã có bước phát triển đột phá về thâm canh trồng rừng kinh tế sử dụng cây giống tốt, phát triển kinh tế rừng trồng với tư duy mới, đưa nghề rừng trở thành nghề chính tại những địa phương có tiềm năng.

Với tỉnh Tuyên Quang, ngoài việc triển khai chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, địa phương cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các chủ rừng để phát triển rừng gỗ lớn; hỗ trợ nâng cao mức thu nhập của nhân viên tuần rừng từ mức 3,5 triệu đồng/tháng lên mức 5 triệu đồng/tháng; triển khai các chương trình giao đất, giao rừng gắn với tình hình thực tiễn và năng lực của người dân tại khu vực có rừng…

Có thể thấy, rừng ở các địa phương trong khu vực Việt Bắc khá đa dạng và phong phú. Hiện nay khu vực này ngoài tỉnh Bắc Kạn có độ che phủ rừng đạt 73,3% cao nhất cả nước, Tuyên Quang độ che phủ rừng đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước thì các tỉnh khác như Thái Nguyên độ che phủ rừng đạt 46%, Cao Bằng đô che phủ rừng đạt hơn 60%; Lạng Sơn độ che phủ rừng đạt 63,8% và Hà Giang, độ che phủ rừng đạt 58%.

Từ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đến rừng đặc dụng tại các địa phương này đều đóng góp ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở đất, hạn chế lũ ống, lũ quét bảo đảm đa dạng, cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống rừng sản xuất được phát triển cả về diện tích và số lượng. Đặc biệt các địa phương đều chú trọng phát triển rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trên đơn vị diện tích; mở ra cơ hội để rừng có thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.