| Hotline: 0983.970.780

Sacombank để mất 46,9 tỷ đồng: Đánh đổi cả thương hiệu?

Thứ Hai 03/04/2023 , 17:30 (GMT+7)

Cách thức xử lý vụ việc 46,9 tỷ đồng bị "bốc hơi" trong Ngân hàng, Sacombank đang đánh mất niềm tin, uy tín đã dày công gây dựng suốt bao nhiêu năm qua.

Bà Hồ Thị Thuỳ Dương cho biết, số tiền hàng chục tỷ đồng bà gửi trong tài khoản tại Sacombank là tiền mua bán hàng (tôm giống) của bà và hàng trăm khách hàng quen thuộc. Tại Cam Ranh, bà Dương là chủ đại lý cung cấp cho khách hàng của mình – đều là những hộ nông dân nuôi trồng tôm, mua cất tôm giống từ đại lý bà Dương cung cấp, sau đó bán lẻ, phân phối cho các hộ chăn nuôi.

“Với uy tín gần 20 năm trong nghề buôn tôm giống, bà con, bạn hàng đều tin tưởng gửi gắm tiền hàng cho tôi, từ đó tôi quay vòng liên tục trong ngày… chứ không phải tất cả đó là tiền của tôi. Tiền của tôi chỉ có khoàng 1/3 trong số bị thâm hụt mà thôi. 

Cách làm ăn của Sacombank, tôi đang là nạn nhân, sao lại bắt tôi chờ đợi họ giải quyết chuyện nội bộ của họ? Tôi được biết, họ chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng để xử lý nợ xấu của ngân hàng. Với cách hành xử như vậy, làm sao có uy tín để chúng tôi tiếp tục ký gửi? Tôi đã mất hết niềm tin đối với Ngân hàng này rồi” - – bà Dương bày tỏ.

Với lịch sử 23 năm ra đời và phát triển, Sacombank đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý trong nước và quốc tế: Best Forex Bank Vietnam 2023 (Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất năm 2023); Đạt hạng 392  Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Đạt hạng 355 - Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới (Banking 500 2023 Ranking).

Trong nước, Sacombank huộc Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc 2022; Thương hiệu Vàng TP.HCM lần 3 năm 2022; Bằng khen đã tích cực tham gia vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2022.

Tại biên bản làm việc ngày 22/2/2023 giữa Giám đốc Chi nhánh Sacombank Khánh Hoà (ông Cao Phi Kiều – GĐ); Nguyễn Văn Ánh (Phó GĐ); bà Hồ Thị Thuỳ Dương (chủ tài khoải bị rút tiền); chồng bà Dương – ông Nguyễn Quang Vinh; Luật sư Nguyễn Văn Ngọc – người bảo vệ quyền lợi cho bà Dương ghi nhận: Lãnh đạo Chi nhánh Sacombank Khánh Hoà không có đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc; vụ việc cần người có chức vụ cao hơn giải quyết. Ông Cao Phi Kiều cho rằng chờ cơ quan Cảnh sát điều tra giải quyết; không cung cấp cho bà Dương văn bản, quyết định hoặc chứng từ chứng minh bà Dương có liên quan tới vụ án.

Phòng giao dịch Sacombank nơi xảy ra sự việc.

Phòng giao dịch Sacombank nơi xảy ra sự việc.

Bà Dương cung cấp toàn bộ ghi âm: chứng cứ chứng minh bà Nguyễn Thị Thanh Hà nhận tự rút tiền của bà Dương; cán bộ ngân hàng âm mưu rút tiền của Ngân hàng chứ không liên quan tới bà Dương; ghi âm cán bộ ngân hàng tự xác nhận làm sai quy trình trong việc quản lý nhân viên và quy trình rút tiền; xác nhận của nhân viên ngân hàng (tên Trí) nhận mang chứng từ đến tận nhà bà Dương ký theo chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thanh Hà khi làm thủ tục đáo nợ 5 tỷ.

Luật sư Nguyễn Văn Ngọc – luật sư bảo vệ quyền của bà Dương cho biết: bà Dương là khách hàng, là người mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng Sacombank, nguồn tiền của bà Dương được ngân hàng quản lý, do đó tài sản của bà Dương buộc Sacombank phải bảo vệ trọn vẹn. Khi tiền trong tài khoản bị thâm hụt, ngân hàng Sacombank phải chịu trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hoà đang điều tra hành vi “tham ô tài sản” của bà Nguyễn Thị Thanh Hà và các bị can khác, việc điều tra xử lý thuộc về cơ quan công an. Vi phạm cũng là việc nội bộ của ngân hàng Sacombank, bà Dương không liên quan tới chuyện nội bộ này.

Sacombank ngăn cấm khách hàng đăng phát thông tin

Số tiền 46,9 tỷ đồng đang bị chiếm đoạt nhưng không được Sacombank giải quyết, trong khi những bạn hàng gửi tiền cho bà Dương đã yêu cầu bà Dương trả để họ có vốn làm ăn, buôn bán.

“Hơn 200 người, đều là bạn hàng, tin tưởng cá nhân tôi nên họ đưa trước tiền hàng. Tôi đã viết giấy xác nhận, đi vay mượn người thân để trả trước một phần để bạn hàng có vốn làm ăn. Vì cá nhân tôi buôn bán lâu năm, uy tín nên mọi người đều hiểu và thông cảm”.

Báo Vnexpress cho biết nhiều khách hàng tập trung tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh yêu cầu đòi tiền hôm 4/11. Ảnh: Minh Kỳ

Báo Vnexpress cho biết nhiều khách hàng tập trung tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh yêu cầu đòi tiền hôm 4/11. Ảnh: Minh Kỳ

Để tháo gỡ khó khăn, bà Dương yêu cầu Sacombank chi trả trước cho bà 15 tỷ đồng trong số 46,9 tỷ đồng đang bị chiếm dụng. Ngày 12/1/2023, bà bất ngờ nhận được thông báo của một Văn phòng Luật sư gửi tới cho biết, họ là pháp nhân được Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) uỷ quyền theo Giấy uỷ quyền số: 2937/2022/GUQ-PL ngày 24/11/2022 của Tổng Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của Sacombank.

Thông báo cho biết: Sacombank đã nhận được Đơn đề nghị của bà ngày 26/12/2022 với nội dung đề nghị Ngân hàng xem xét giải quyết, tạm ứng số tiền tối đa 15 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn bộ hồ sơ vụ việc đang được Công an tỉnh Khánh Hoà điều tra theo QĐ số 137 ngày 18/11/2022.

Sacombank chấp thuận hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng tạm ứng cho bà Dương với các điều kiện: bà Dương không được yêu cầu Sacombank chi trả thêm bất cứ số tiền nào cho đến khi có quyết định/bản án hiệu lực pháp luật của Cơ quan, Toàn án có thẩm quyền;

Trường hợp có quyết định/bản án có hiệu lực, bà Dương sẽ phải hoàn trả ngay toàn bộ số tiền đã tạm ứng chi trả cho Sacombank (nếu có); Bà không trực tiếp hoặc gián tiếp có hành vi làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Sacombank trong thời gian các cơ quan xử lý vụ việc;

Không thực hiện việc đăng tin, lan truyền thông tin về sự việc này trên mạng xã hội và các phương tiện khác khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và sựu đồng ý bằng văn bản của Sacombank.

Trả lời văn bản này, ngày 16/1/2023, bà Dương có văn bản cho biết không đồng ý việc Ngân hàng hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng, vì bà đang yêu cầu Sacombank trả tiền mà bà gửi trong tài khoản ngân hàng Sacombank. Bà Dương yêu cầu Ngân hàng hoàn trả đủ số tiền 46,9 tỷ đồng kèm theo các khoản lãi phát sinh, chậm nhất đến ngày 17/1 để bà thực hiện thanh toán, hoàn trả lại tiền cho các hộ dân, đối tác kinh doanh. Quá thời hạn trên, bà Dương từ chối đàm phán, thương lượng giải quyết vụ việc, đồng thời sẽ gửi các văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, bà Dương vẫn chưa nhận được phương án giải quyết của Sacombank, bà Dương đã gửi đơn tới Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an); Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Cấm khách hàng đăng tải vụ việc trên truyền thông, Sacombank đơn phương phát thông cáo báo chí:

Bên cạnh việc uỷ quyền cho 1 văn phòng Luật sư để trả lời các văn bản, nội dung yêu cầu của bà Dương, phía Ngân hàng Sacombank đã đơn phương phát ra Thông cáo Báo chí.

Thông cáo Báo chí ngày 17/3 của Sacombank cho biết:

Liên quan đến phản ánh của khách hàng Hồ Thị Thùy Dương tại Cam Ranh, Khánh Hòa trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây, Sacombank phản hồi như sau:

Những thông tin khách hàng Hồ Thị Thùy Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc. Sacombank đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là CBNV phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm. Các bằng chứng này đã được các đối tượng liên quan cung cấp và Văn phòng thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022. Đối với 12 giao dịch mà bà Dương cho rằng mình bị mất tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa.

Trong suốt quá trình xử lý vụ việc, Ban lãnh đạo Sacombank đã tổ chức nhiều buổi làm việc để giải đáp các vấn đề bà Dương vướng mắc. Đến ngày 26/12/2022, bà Dương chủ động liên hệ, đề nghị Sacombank tạm ứng hỗ trợ 15 tỷ đồng duy trì hoạt động kinh doanh trong quá trình chờ điều tra sự vụ. Sacombank đã chấp nhận đề nghị này nhưng sau đó, khách hàng thay đổi và không nhận tạm ứng nữa. Về phía ngân hàng, chúng tôi khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại PGD Cam Ranh nói chung nhưng mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng.

Như đã thông tin trước đó, ngay khi phát hiện sự vụ xảy ra tại PGD Cam Ranh vào tháng 10/2022, Sacombank đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa và chuyển sự vụ đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra, khởi tố vụ án theo quy định pháp luật. Đồng thời, ra quyết định sa thải các cá nhân vi phạm và bổ nhiệm nhân sự mới nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của PGD Cam Ranh. Hiện sự vụ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 137/QĐ-CKT ngày 18/11/2022 và khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân liên quan nhằm phục vụ công tác điều tra.

Trong quá trình xử lý sự vụ, Sacombank luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến của khách hàng, chủ động thiện chí, đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Sacombank khẳng định một lần nữa, chúng tôi đảm bảo toàn bộ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của khách hàng theo đúng quy định pháp luật và không thoái thác trách nhiệm. Ngân hàng cũng chủ trương xử lý nghiêm khắc mọi vi phạm và không ngừng áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của Sacombank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Khi Báo Nông nghiệp Việt Nam liên hệ với phía Ngân hàng Sacombank, bộ phận truyền thông cung cấp nội dung Thông cáo Báo chí này, và cho biết đó là ý kiến trả lời của Sacombank về vụ việc.

Những ngân hàng lớn như Sacombank đều có một Ban pháp chế hoạt động với vai trò cố vấn, trợ giúp, xử lý… các khủng hoảng, các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động của đơn vị mình. Trong vụ việc này, Sacombank đã “đá” quả bóng sang một góc khác, để khách hàng –  nạn nhân của mình, phải phụ thuộc và chờ đợi vào “Kết luận của cơ quan điều tra”, trong khi Sacombank cần thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với khách hàng.

Văn hoá đối phó khủng hoảng, đó là nhìn nhận đúng, trúng sự việc; đặt quyền lợi, lợi ích của khách hàng lên trên hết, không lảng tránh trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh lợi ích… để giữ gìn hình ảnh, uy tín thương hiệu, đó mới là cách hành xử văn hoá và khôn ngoan. Bởi, sự chân thành, thiện chí… sẽ mang lại, thậm chí nâng cao hình ảnh, giá trị của doanh nghiệp.

Thế nhưng, Sacombank đang làm điều ngược lại!

Xem thêm
Bị giật dây chuyền khi đi tập thể dục buổi sớm

Công an huyện Lương Sơn vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Điền (Nhuận Trạch, Lương Sơn, Hòa Bình) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm