| Hotline: 0983.970.780

PVcomBank cần chú trọng đạo đức kinh doanh: Bồi thường chưa thỏa đáng

Thứ Năm 14/07/2022 , 07:18 (GMT+7)

Cho rằng bản án của Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) vẫn còn nương nhẹ cho PVcomBank, Công ty Thành Thương quyết định kháng án để tìm công lý.

PVcomBank “cãi chày”

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thành Thương (viết tắt là Công ty Thành Thương) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (viết tắt là PVcomBank) vào ngày 1/7/2022, ông Nguyễn Thọ Quang, Giám đốc Phòng giao dịch PVcomBank Quy Nhơn, trình bày: Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp, Công ty Thành Thương mua bảo hiểm xe tải 77C-136.13 đến ngày 16/1/2020, được ngân hàng cấp giấy lưu hành từ ngày 25/10/2019 đến ngày 6/1/2020 (lần gần nhất). Ngày 9/1/2020, ngân hàng thông báo nhắc công  ty mua bảo hiểm, đến ngày 20/1/2020 Công ty Thành Thương cung cấp hợp đồng bảo hiểm xe nhưng không có phiếu thu. Sau đó, Công ty Bảo hiểm PVI Bình Định cung cấp hình ảnh phiếu thu cho PVcomBank Quy Nhơn nhưng chưa có dấu đỏ.

Ngày 20/1/2020, PVcomBank Quy Nhơn ra thông báo quá hạn bảo hiểm, hướng dẫn Công ty Thành Thương thực hiện mua bảo hiểm đúng quy định. Do Công ty Thành Thương không đóng phí bảo hiểm theo tài khoản chuyên thu của ngân hàng nên không được xác định việc đóng bảo hiểm, do đó ngân hàng không cấp bản sao cà vẹt xe, dù Công ty Thành Thương có xuất trình hợp đồng và hóa đơn bảo hiểm cùng giấy chứng nhận.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương với Bản án số 183/2022/DS-ST ngày 1/7/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương với Bản án số 183/2022/DS-ST ngày 1/7/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Về tính hợp pháp việc mua bảo hiểm của Công ty Thành Thương, tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của Công ty Bảo hiểm PVI Bình Định, bà Trần Thị Mỹ Lệ, trình bày: Năm 2019 Công ty Thành Thương có ký hợp đồng mua bảo hiểm xe tải 77C-136.13 với Công ty Bảo hiểm PVI Bình Định. Ngày 17/1/2020, hai bên tái tục bảo hiểm xe. Theo đó, ngày 20/1/2020, Công ty Bảo hiểm PVI Bình Định cấp tái tục bảo hiểm cho Công ty Thành Thương và công ty đã thanh toán phí bảo hiểm cho Công ty Bảo hiểm PVI. Do bảo hiểm cũ vẫn còn hiệu lực, nên ngày 20/1/2020 Công ty Bảo hiểm PVI cấp phiếu thu nội bộ. Đến 16h19 cùng ngày, Công ty Bảo hiểm PVI Bình Định chụp hình phiếu thu gửi cho anh Nguyễn Minh Hoàng, cán bộ tín dụng PVcomBank Quy Nhơn, vì ngân hàng này yêu cầu bên bảo hiểm chứng minh Công ty Thành Thương đã nộp bảo hiểm xe. Cùng ngày 20/1/2020, Công ty Bảo hiểm PVI Bình Định cung cấp phiếu thu có dấu đỏ và hóa đơn điện tử số 0004086 ký hiệu BH/18E cho Công ty Thành Thương và bộ hồ sơ hợp đồng. Bà Lệ khẳng định, khi khách hàng đã đóng đủ phí, hợp đồng đã xác lập 2 bên thì hợp đồng có hiệu lực.

Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) nhận định: Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng tính đến ngày 25/2/2022, Công ty Thành Thương đã thực hiện đúng việc trả nợ lãi và gốc theo thỏa thuận. Như vậy, Công ty Thành Thương đã đủ điều kiện để được PVcomBank Chi nhánh Quy Nhơn (PVcomBank Quy Nhơn) cấp bản sao cà vẹt xe có công chứng, nhưng ngân hàng không cấp nên Công ty Thành Thương không thể cho xe lưu hành phục vụ kinh doanh vận tải, khiến công ty chịu nhiều thiệt hại.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương cho rằng Bản án số 183/2022/DS-ST ngày 1/7/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) xử ép doanh nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương cho rằng Bản án số 183/2022/DS-ST ngày 1/7/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) xử ép doanh nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

“PVcomBank Quy Nhơn đã phớt lờ văn bản số 84/QLBH-TKTT ngày 10/3/2020 của Bộ Tài chính ban hành nhằm chấn chỉnh các tổ chức tín dụng ép khách hàng vay vốn phải mua thêm gói bảo hiểm kèm theo khoản vay”, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, bức xúc nói.

Mức bồi thường chưa thỏa đáng

Qua quá trình xét xử, HĐXX Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) nhận thấy mức thu nhập của ô tô tải 77C-136.13 của Công ty Thành Thương từ ngày 7/1/2020 đến ngày 20/4/2020 sau khi trừ chi phí còn lại là 3 triệu đồng/ngày, tổng cộng là 309 triệu đồng/103 ngày.

Cụ thể, căn cứ hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa Công ty Thành Thương với Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Tân Hồng Phát từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020 với số lượng 1 chuyến/ngày, giá cước 450.000 đồng/tấn, tải trọng 23 tấn/chuyến, thành tiền 10.350.000 đồng/chuyến/ngày; và hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa Công ty Thành Thương với Công ty TNHH MTV Hoa Sen từ Quy Nhơn đi Gia Nghĩa, Krong Pắc, Eakar 1 chuyến/ngày, giá cước dao động từ 7 - 9 triệu đồng/chuyến, HĐXX nhận định, sau khi trừ tất tần tật chi phí, Công ty Thành Thương còn thu nhập 3 triệu đồng/ngày là phù hợp.

Do xe 77C-136.13 không được cấp bản sao cà vẹt nên dừng hoạt động, Công ty Thành Thương phải thuê xe ngoài để bảo đảm các hợp đồng vận tải hàng hóa cho khách hàng trong năm 2020, nên HĐXX chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thu nhập của Công ty Thành Thương từ ngày 7/1/2020 đến ngày 31/12/2020 là 358 ngày, mỗi ngày 3 triệu đồng, vị chi là 1.074.000.000đ. Ngoài ra, qua báo cáo tài chính của Công ty Thành Thương, bảng tính khấu hao tài sản cố định hàng năm của công ty thể hiện mức khấu hao hơn 8.826.000 đồng/tháng là chính xác theo quy định luật thuế, nên HĐXX chấp nhận yêu cầu của Công ty Thành Thương về khoản đòi PVcomBank bồi thường khấu hao tài sản là 264.858.000 đồng. Vị chi PVcomBank phải bồi thường cho Công ty Thành Thương số tiền là 1.338.858.000 đồng.

Sau 2 năm rưỡi dừng hoạt động bây giờ ô tô 77C 136.13 của Công ty Thành Thương hóa thành sắt vụn. Ảnh: V.Đ.T.

Sau 2 năm rưỡi dừng hoạt động bây giờ ô tô 77C 136.13 của Công ty Thành Thương hóa thành sắt vụn. Ảnh: V.Đ.T.

Phía PVcomBank nại Công ty Thành Thương không nộp tiền bảo hiểm xe tại tài khoản chuyên thu của ngân hàng nên PVcomBank Quy Nhơn không thể cấp bản sao giấy đăng ký xe cho doanh nghiệp là không phù hợp. HĐXX không chấp nhận lời nại của ngân hàng.

Về yêu cầu phản tố của PVcomBank đối với Công ty Thành Thương về số nợ vay tại PVcomBank Quy Nhơn với số tiền 461.871.326 đồng; trong đó nợ gốc là 333.614.214 đồng, lãi 128.257.112 đồng tính đến ngày 30/6/2022,và tiền lãi phát sinh tính từ ngày 1/7/2022 cho đến khi thanh toán. Qua đối chiếu và kiểm tra bảng kê do ngân hàng cung cấp tại phiên tòa tính đến ngày 30/6/2022 là phù hợp, nên HĐXX có đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu của PVcomBank.

Theo những nhận định trên HĐXX Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn đã tuyên xử buộc PVcomBank có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty Thành Thương hơn 1,3 tỷ đồng; buộc Công ty Thành Thương có nghĩa vụ trả cho PVcomBank số nợ gốc và lãi với số tiền hơn 461,8 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn xử PVcomBank bồi thường cho Công ty Thành Thương khoản tiền hơn 1,3 tỷ đồng là ép doanh nghiệp. Bởi, thời gian tòa án xử PVcomBank bồi thường cho doanh nghiệp chỉ có 1 năm thiệt hại, nhưng thực tế mức thiệt hại của doanh nghiệp kéo dài từ ngày ngân hàng không cấp bản sao cà vẹt xe cho đến nay khiến xe phải dừng hoạt động là 2 năm rưỡi, thời gian thiệt hại của doanh nghiệp đến 30 tháng mà tòa xử chỉ bồi thường có 12 tháng, trong khi doanh nghiệp không có lỗi gì là xử ép.

Vì cho rằng doanh nghiệp bị xử ép nên ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, sẽ kháng án. Ảnh: V.Đ.T.

Vì cho rằng doanh nghiệp bị xử ép nên ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, sẽ kháng án. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong khi doanh nghiệp đã trả tiền gốc và tiền lãi cho PVcomBank đủ 30 tháng, trả cho đến ngày tòa án xét xử. Phiên tòa cũng đã cho thấy sai phạm của PVcomBank về việc ép khách hàng mua bảo hiểm theo chỉ định của ngân hàng; sai phạm tiếp theo là dù doanh nghiệp đã mua bảo hiểm xe đầy đủ mà ngân hàng vẫn không cấp bản sao cà vẹt để xe phục vụ vận tải gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Từ đó đến nay doanh nghiệp phải dừng hoạt động trong khi chúng tôi hoàn toàn không sai phạm gì. Do đó, Công ty Thành Thương sẽ tiếp tục kháng án”, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương cho biết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất