Chơi xấu!
Chiếc xe tải mang biển kiểm soát 77C 136.13 là tài sản thế chấp của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thành Thương (Công ty Thành Thương) có địa chỉ tại 141B đường Mai Hắc Đế (TP.Quy Nhơn, Bình Định) không được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) Chi nhánh Quy Nhơn cấp cà vẹt phô tô có công chứng nên không thể kinh doanh vận tải.
Bởi, theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, xe vận tải hàng hóa lưu thông trên quốc lộ mà không có cà vẹt là vi phạm không nhỏ. Ngoài bị phạt 6 triệu đồng, bị giam xe 7 ngày, tài xế còn bị tước bằng lái 5 tháng. Đó là chưa kể khi xe bị cảnh sát giao thông giam, hàng hóa của khách hàng không biết phải xử lý như thế nào. Do đó, chiếc xe tải mang biển kiểm soát 77C 136.13 của Công ty Thành Thương đành phải nằm bãi suốt 2 năm rưỡi nay.
“Do chúng tôi không mua bảo hiểm theo chỉ định, nên PVcomBank Quy Nhơn gửi văn bản đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định thông báo là Công ty Thành Thương do có nợ xấu nên ngân hàng không còn cấp cà vẹt để xe được lưu hành. Nhận được thông báo của PVcomBank Quy Nhơn, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định thông báo cho công ty chúng tôi là từ nay không được lưu thông xe tải mang biển kiểm soát 77C 136.13. Đến khi nào có lệnh của tòa án hoặc của viện kiểm sát thì chiếc xe ấy mới được lưu hành. Chỉ vì công ty không mua bảo hiểm theo chỉ định của ngân hàng mà PVcomBank Quy Nhơn đẩy khách hàng vào tình thế khó khăn. Tài xế xe 77C 13613 ở xã An Dân (huyện Tuy An, Phú Yên) thất nghiệp từ đó đến nay, thế nhưng công ty vẫn phải trả lương để tài xế trông coi xe và định kỳ đưa xe đi bảo dưỡng”, ông Nguyễn Tất Thành cho hay.
Theo tính toán của Công ty Thành Thương, trong 2 năm rưỡi chiếc xe tải 25 tấn mang biển kiểm soát 77C 136.13 nằm bãi do không được PVcomBank Quy Nhơn cấp cà vẹt, mỗi ngày Công ty Thành Thương bị thiệt hại mất 3 triệu đồng. Khoản thiệt hại này được doanh nghiệp minh chứng qua các hợp đồng vận chuyển tôn giữa Công ty Thành Thương với Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội (Bình Định) đi Tây Nguyên và những hợp đồng vận chuyển mì (sắn) từ Tây Nguyên về.
Ông Nguyễn Tất Thành tính toán, trong 1 ngày, sau khi trừ mọi chi phí, chiếc xe 77C 136.13 còn cho Công ty Thành Thương khoản dư 3 triệu đồng. Trong đó, 1 triệu doanh nghiệp dành để trả nợ vay và trả lãi cho ngân hàng; 1 triệu khấu hao, sửa chữa phương tiện và 1 triệu là khoản trả lương cho nhân viên công ty. 2 năm rưỡi tính ra là 906 ngày, mỗi ngày doanh nghiệp thiệt hại 3 triệu đồng, vị chi từ đó đến nay Công ty Thanh Thương bị thiệt hại đến hơn 2,7 tỷ đồng.
“Chỉ vì không mua bảo hiểm tài sản thế chấp theo chỉ định của ngân hàng mà doanh nghiệp bị thiệt hại chừng ấy là đau đớn lắm. Đó là chưa kể doanh nghiệp phải đình trệ hoạt động, lao động mất việc làm. Thời điểm ấy lại là thời điểm nóng của dịch Covid-19, Chính phủ còn kêu gọi các ngân hàng giãn nợ cho doanh nghiệp, các công ty bảo hiểm còn giãn thời gian nộp phí cho các doanh nghiệp. Trước bức xúc này, chúng tôi khởi kiện PVcomBank Quy Nhơn không chỉ vì thiệt hại của doanh nghiệp mà còn vì lo ngại nhiều khách hàng khác của ngân hàng này cũng sẽ bị lâm vào tình cảnh tương tự”, ông Nguyễn Tất Thành chia sẻ.
Cần sớm ngăn chặn PVcomBank chèn ép khách hàng
Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, ngày 24/4/2020 Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn bắt đầu thụ lý vụ kiện của Công ty Thành Thương đối với PVcomBank Quy Nhơn, khi ấy vị thẩm phán đầu tiên là bà Văn Thảo Linh Phương.
Trong ngày 24/4/2020, tại phiên hòa giải giữa PVcomBank Quy Nhơn và Công ty Thành Thương, thẩm phán Linh Phương hỏi Công ty Thành Thương đưa ra yêu cầu gì để rút đơn kiện PVcomBank Quy Nhơn. Khi ấy, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương chỉ yêu cầu PVcomBank Quy Nhơn cấp lại cà vẹt để xe tải 77C 136.13 được vận hành thì doanh nghiệp sẽ rút đơn kiện. Tuy nhiên, lần hòa giải ấy đại diện PVcomBank Quy Nhơn vẫn một mực cho rằng Công ty Thành Thương sai nên không đồng thuận. Đến ngày 9/6/2020, PVcomBank Quy Nhơn tiếp tục ra thông báo yêu cầu Công ty Thành Thương không được trả lãi hàng tháng nữa mà phải trả hết tiền gốc vay 1 lần với số tiền còn lại là 340 triệu đồng. Doanh nghiệp hỏi lý do thì PVcomBank Quy Nhơn trả lời là do doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng vay.
Ông Nguyễn Tất Thành trình bày tiếp: Đến tháng 5/2020, thẩm phán Linh Phương yêu cầu PVcomBank Quy Nhơn cấp cà vẹt xe cho Công ty Thành Thương để doanh nghiệp hoạt động. Tính đến thời điểm ấy, Công ty Thành Thương đã bị thiệt hại kinh tế vì đã đình trệ 5 tháng hoạt động, nhưng thẩm phán Linh Phương chỉ yêu cầu doanh nghiệp bồi thường PVcomBank Quy Nhơn 3 tháng thiệt hại. Công ty Thành Thương đồng ý, nhưng PVcomBank Quy Nhơn không chấp nhận.
“Cuối cùng, ngoài khởi kiện, Công ty Thành Thương còn gửi đơn tố cáo PVcomBank Quy Nhơn đến Thanh tra Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ để mong hệ thống ngân hàng PVcomBank không còn làm khó doanh nghiệp vì những lý do phi lý. Chúng tôi khởi kiện PVcomBank Quy Nhơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do ngân hàng này ép doanh nghiệp mua bảo hiểm của các đối tác đặt tại PVcomBank Quy Nhơn, không cấp bản sao giấy đăng ký xe 77C 136.13 khiến chiếc xe tải này không hoạt động được, gây thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Thành bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Tất Thành, với điều khoản “Bên thế chấp có nghĩa vụ mua và chịu chi phí mua bảo hiểm theo yêu cầu của ngân hàng cho toàn bộ tài sản thế chấp trong suốt thời gian thế chấp, đồng thời chuyển quyền thụ hưởng cho ngân hàng. Trường hợp hết thời hạn bảo hiểm mà bên thế chấp không tiếp tục mua bảo hiểm theo yêu cầu của ngân hàng, thì ngân hàng có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) mua bảo hiểm cho bên thế chấp và số tiền này sẽ được tính vào khoản tiền nợ của bên được bảo đảm tại ngân hàng.
Trường hợp ngân hàng mua bảo hiểm thay thế cho bên thế chấp, thì ngân hàng được lựa chọn tổ chức bảo hiểm và quyết định tất cả các vấn đề liên quan khi mua bảo hiểm. Bên được bảo đảm cam kết nhận nợ vô điều kiện số tiền ngân hàng bỏ ra để mua bảo hiểm thay cho bên thế chấp và không có bất kỳ khiếu nại, tranh chấp nào đối với ngân hàng” là PVcomBank Quy Nhơn vi phạm nghiêm trọng Luật Tổ chức tín dụng, lạm quyền khi ép khách hàng vay tiền phải ký hợp đồng bảo hiểm mang lại bất lợi cho mình.
Cũng theo ông Thành, tại khoản 2, điều 4 trong hợp đồng số 1101/2017/HĐBĐ còn có nội dung ép buộc khách hàng, phải nghe theo sự sắp đặt vô lí như: “Trong suốt thời gian thế chấp, bên thế chấp phải bàn giao cho ngân hàng giữ tất cả các giấy tờ bảo hiểm, ngay khi nhận được từ tổ chức bảo hiểm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, ngân hàng có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) làm việc trực tiếp với tổ chức bảo hiểm, để nhận số tiền bảo hiểm, mà không có sự đồng ý của bên thế chấp... Trường hợp tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm cho bên thế chấp, thì bên thế chấp ngay lập tức có nghĩa vụ chuyển toàn bộ số tiền này cho ngân hàng”.
“Với điều khoản này, PVcomBank Quy Nhơn không cần phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm, nhưng vẫn được hưởng lợi khi tài sản thế chấp, là chiếc xe tải SHACMAN biển kiểm soát 77C 136.13 của Công ty Thành Thương khi xảy ra tai nạn, trong khi người bỏ tiền mua bảo hiểm là Công ty Thành Thương không được khoản bảo hiểm này”, ông Thành bức xúc cho biết thêm.
“Sau 2 phiên xét xử vào ngày 30/6 và 1/7/2022, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Quy Nhơn đã tuyên án yêu cầu PVcomBank Quy Nhơn bồi thường cho Công ty Thành Thương hơn 1,3 tỷ đồng về khoản thiệt hại. Khoản tiền này mới chỉ bù đắp khoản 1/3 thiệt hại của doanh nghiệp trong 2 năm rưỡi qua, thế nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận vì “lật mặt” được những sai trái của PVcomBank Quy Nhơn qua vụ việc của Công ty Thành Thương”, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương chia sẻ.