Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nông dân trồng nấm rơm trong nhà, năng suất cao gấp ba lần trồng ngoài trời và thời gian trồng giảm được 1/3 (trồng trong nhà khoảng 30 ngày là thu hoạch).
Thu hoạch nấm rơm trồng ngoài trời. |
Cùng với phát triển nấm rơm, các loại nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi, nấm kim châm… cũng được nuôi trồng đạt hiệu quả cao và ngày càng nhân rộng. Các cơ sở cung cấp phôi giống, phụ liệu trồng nấm, kết hợp thu mua sản phẩm giúp tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn.
Tại diễn đàn "Phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT An Giang tổ chức ngày 5/7, các chuyên gia đánh giá cao việc phát triển mạnh nghề trồng nấm rơm ở ĐBSCL, ngoài lợi ích to lớn về kinh tế còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, để nghề trồng nấm phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất trong dân, cần tổ chức liên kết, hợp tác thật đồng bộ ngay từ khâu cung ứng nguồn giống, nguồn nguyên liệu đến quy trình SX...
Bà Huỳnh Đào Nguyên, Phó GĐ phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang cho biết: Bình quân mỗi năm An Giang SX gần 4 triệu tấn lúa, tương đương sẽ cho ra lượng rơm rạ khổng lồ từ quá trình thu hoạch lúa là 2 triệu tấn/năm.
Từ thực trạng trên, có thể thấy tài nguyên sinh khối từ phụ phẩm cây lúa, cụ thể là rơm rạ và trấu tại An Giang là rất lớn. Quan trọng hơn nữa là sự cần thiết thích ứng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này theo hướng thân thiện môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Việc sử dụng rơm rạ cũng dần được cải thiện và hiệu quả thông qua các mô hình sử dụng rơm tại các địa phương của tỉnh như trồng nấm rơm, ủ rơm làm thức ăn gia súc, phủ rơm trồng hoa màu…
Nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu đang phát triển rất mạnh ở ĐBSCL. |
Theo bà Nguyên, năm 2015 An Giang SX bình quân mỗi năm với diện tích 300 ha nấm ăn cho sản lượng trên 3.000 tấn, đến năm 2018 là trên 4.200 tấn, năng suất trung bình 10 tấn/ha. An Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt năng suất nấm từ 15-20% nấm thành phẩm/khối lượng rơm nguyên liệu trên cơ sở hoàn thiện nhà trồng theo hướng hiện đại, tạo việc làm cho 30.000 lao động thường xuyên và 80.000 lao động thời vụ, tăng hai lần so với năm 2010, trong đó, tay nghề lao động được nâng cao ngang tầm với công nghệ sản xuất..
Ngoài ra, An Giang thực hiện ứng dụng công nghệ cao từ năm 2013 - 2020 để tăng năng suất các loại nấm có giá trị kinh tế khác như nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi từ 15 - 20% do cải thiện chất lượng giống và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời phát triển các loại nấm có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng như nấm đùi gà, kim châm, ngọc châm…
Điển hình như mô hình liên kết SX và tiêu thụ nấm bào ngư của ông Mai Văn Hùng Cường ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang. Ông Cường cho biết: “Từ năm 2013, được sự giới thiệu và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về mô hình trồng nấm bào ngư, tôi đã tìm hiểu và trồng thử nghiệm với số lượng ít để đút kết kinh nghiệm về kỹ thuật trồng nấm và thị trường tiêu thụ.
Sau thời gian trồng cho hiệu quả kinh tế tốt, đến nay tôi đã mở rộng diện tích trồng nấm bào ngư lên đến 140m2 (quy mô 2 nhà trại, mỗi nhà 70m2), với số lượng bịch phôi mỗi đợt 10.000 bịch cho thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Ngoài trồng nấm, tôi còn đứng ra bao tiêu hơn 20 trại nấm bào ngư của bà con, năng lực thu mua từ 120 -180kg nấm bào ngư tươi mỗi ngày".
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển nấm ăn và nấm dược liệu, tổng sản lượng nấm của cả nước gần 140.000 tấn trong năm 2016, tăng 111.158 tấn so với năm 2000. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương thế giới, SX nấm ở nước ta được xếp hàng thứ 9 trong khu vực, bằng 0,3% sản lượng nấm của Trung Quốc và 0,23% tổng sản lượng nấm của thế giới. Diễn đàn lần này tạo điều kiện cho các hộ dân trồng nấm và DN tiếp cận những chính sách, tiến bộ kỹ thuật trồng nấm và nhu cầu thị trường để thúc đẩy SX. |