| Hotline: 0983.970.780

Trồng nấm bào ngư xám lãi hơn 1 triệu đồng/ngày

Thứ Tư 05/12/2018 , 07:05 (GMT+7)

Anh Hồ Xuân Phước (40 tuổi, trú tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) hồ hởi: “Đến giờ thì cứ mỗi ngày, trừ đi chi phí, nhà tôi thu lãi ròng hơn 1 triệu đồng. Tôi tin, đây là con đường làm giàu chính đáng từ trồng nấm”.

Thời còn trai trẻ, anh Phước xin vào lái xe cho văn phòng UBND tỉnh Bình Phước. Sau khi lập gia đình, vợ anh làm công chức kế toán ở Sở NN-PTNT Bình Phước. Gần 20 năm làm việc ở cơ quan nhà nước, hai vợ chồng vay mượn làm được căn nhà để ở. Nhiều lần, đọc báo, nghe đài, anh Phước thấy cái nghề làm nấm vừa đơn giản và có thu nhập cao, ổn định, dễ làm giàu nên có suy nghĩ rẽ hướng lập nghiệp.

08-19-21_nnvn__1-_nh_phuong_kiem_tr
Anh Phước kiểm tra nấm bào ngư xám trước khi thu hoạch

Vừa quan sát những bao nấm bào ngư đang kỳ phát triển, anh Phước vừa tâm sự: “Tôi đến với nghề như cái duyên, tạo cho mình niềm tin và lòng quyết tâm...”.

Khi mới vào miền Nam, anh Phước đã có mấy năm lăn lộn, làm việc ở một trang trại nấm thuộc tỉnh Đồng Nai. “Nhờ đó mà tôi học hỏi và đã có được chút kinh nghiệm kỹ thuật trồng nấm, từ khâu vô meo, lên giàn cho đến hấp thanh trùng, thu hoạch...", anh Phước bộc bạch.

Tuy nhiên, không thể chủ quan, anh Phước đã học hỏi, tìm tòi kinh nghiệm tại các trang trại nấm để cập nhật những thông tin mới nhất về kỹ thuật trồng nấm. Để chắc ăn, anh tự trồng thử với một mô hình nhỏ ngay tại quê nhà. “Khi thành công mô hình trồng ớt trong thời tiết khắc nghiệt Quảng Bình thì tôi mới quyết định về quê lập nghiệp, làm giàu”, anh Phước nói thêm.

Nói thì êm, nhưng thực ra, khi thuyết phục được vợ nghe theo thì anh Phước vấp phải sự phản đối của bà con, bố mẹ. “Gần như ai cũng nói không được. Người ta bỏ tiền ta xin việc nhà nước, chỉ có người hâm mới bỏ công, bỏ việc đang yên, đang lành mà về quê… trồng nấm. Người nhà cũng mắng vợ chồng tôi như rứa”, anh Phước kể thêm.

Cái Tết năm 2017, mọi người trong làng cũng lấy làm lạ là vợ chồng anh Phước không khăn gói vào miền Nam như những lần trước mà ở lại quê nhà. Mấy bữa sau lại thấy anh thuê ô tô chở tranh tre… về dựng trại trên vùng đất rộng hơn 2.000m2 mượn của bố mẹ. Lúc đó, mọi người mới vỡ ra là anh chị đã xin nghỉ việc, bán nhà ở Bình Phước rồi. Nhiều bà con xắn tay giúp làm trại nấm nhưng bụng vẫn hoài nghi: "Có được hay không, hay rồi tiền mất tật mang”.

Đưa chúng tôi tham quan trại nấm, anh Phước vừa rủ rỉ trao đổi kinh nghiệm cho mấy người dân đến học hỏi. “Làm nấm bào ngư xám đơn giản nhưng tỉ mỉ. Phôi được cấy trong các bịch ni lông (nuôi ủ phôi từ 30 - 35 ngày), bên trong chứa giá thể là chất dinh dưỡng của phôi. Hợp chất dinh dưỡng được làm từ mùn cưa của cây cao su. Mùn cưa được ủ từ 1 - 2 tháng, sau đó sàng lọc kỹ và cho vào máy trộn cho đều”, anh Phước cho mọi người hay.

Sau khi trộn xong thì đưa vào máy đóng bịch và bỏ vào lò hấp thanh trùng với nhiệt độ khoảng 98oC, trong vòng 10 - 12 tiếng đồng hồ để khử sạch. Anh Phước cũng chia sẻ, nấm bào ngư xám là thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ với giá ổn định cao. “Tuy nhiên, yêu cầu cao đặt ra là cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và bảo quản đúng kỹ thuật thì mới thành công”, anh Phước nhân mạnh.

Sau hơn 1 năm sản xuất, anh Phước đã tự nghiên cứu và thành công trong việc lên phôi nấm. Trước đó, mỗi lần sản xuất, anh phải nhập phôi nấm từ các trang trại ở tỉnh Đồng Nai. Với việc sản xuất và chủ động được phôi nấm đã tạo cho anh chủ động, giảm chi phí trong quá trình sản xuất. “Nhờ chủ động được phôi nên hiện trại của tôi có  hơn 2 vạn bịch nấm bào ngư xám. Mỗi bịch cho thu hoạch từ 10 - 12 lứa nên quy trình sản xuất được quanh năm”, anh Phước chia sẻ.

08-19-21_nnvn-__2-_tri_nm_se_duoc_mo_rong
Trại nấm sẽ được mở rộng

Cũng không giấu diếm, anh Phước cho mọi người biết, mỗi ngày trại nấm thu hoạch ít nhất là 40kg nấm bào ngư xám. Giá bán ra thấp nhất cũng được 50 ngàn đồng/kg. Đều đặn mỗi ngày gia đình có thu nhập từ bán nấm khoảng 2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi cũng được hơn 1 triệu. Nấm thành phẩm hàng ngày được nhập lại cho thương lái hoặc gia đình tự mang đi các chợ trong vùng để bán. Người tiêu dùng đã quen nên không bao giờ ế.

Theo anh Phước, hướng phát triển tiếp theo của trại nấm là đầu tư, mở rộng. Luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến theo hướng an toàn. An toàn từ khâu cấy giống đến thu hoạch cũng như vệ sinh lán trại. Đầu tư vốn, mở rộng quy mô sản xuất và trồng thêm các loại nấm khác, như nấm mèo đen, nấm rơm... để đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời đăng ký nhãn hiệu và mở rộng thị trường.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.