| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP Ninh Thuận: [Bài 1] Những sản phẩm mang hương vị miền nắng, gió

Thứ Ba 06/08/2024 , 08:18 (GMT+7)

Ninh Thuận đã biến những khó khăn về khí hậu, thời tiết thành lợi thế để phát triển các loại cây trồng đặc thù giá trị cao mà các địa phương khác không có được.

Nho là loại cây trồng chủ lực của Ninh Thuận trong việc phát triển các sản phẩm OCOP và du lịch. Ảnh: PC.

Nho là loại cây trồng chủ lực của Ninh Thuận trong việc phát triển các sản phẩm OCOP và du lịch. Ảnh: PC.

Phát triển sản phẩm chủ lực

Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh có 182 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 152 sản phẩm đạt 3 sao và 30 sản phẩm đạt 4 sao; có 2 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao. Điều đặc biệt đó là các sản phẩm OCOP cũng là các sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận như: nho, táo, măng tây xanh, nha đam, dê, cừu rong nho, muối…Đây là những sản phẩm của vùng khô nóng.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, địa phương chịu nhiều bất lợi về sản xuất nông nghiệp bởi đây là vùng khô nóng quanh năm, lượng mưa hàng năm rất thấp trong khi đó mùa mưa rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, những khó khăn về điều kiện khí hậu và thời tiết này đã được ngành nông nghiệp biến thành lợi thế để phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị cao mà các địa phương khác không có được.

Với mục tiêu phát huy những loại cây trồng, vật nuôi đặc thù chỉ có ở vùng khô nóng, ngành nông nghiệp những năm qua đã tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị và tôn vinh các loại nông sản chủ lực của tỉnh có giá trị kinh tế và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Sản phẩm táo Ninh Thuận được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: PC.

Sản phẩm táo Ninh Thuận được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: PC.

Theo ông Đặng Kim Cương, trong các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thời gian vừa qua của tỉnh Ninh Thuận thì có rất nhiều các sản phẩm đặc thù của địa phương. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có chất lượng cao không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đã được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải được biết đến là HTX trồng nho trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận. Để nâng cao giá trị của nho, ngay khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn gắn với du lịch trải nghiệm để thu hút du khách, quảng bá sản phẩm, giúp tăng giá trị sản phẩm nho tươi.

Đến nay, sản phẩm nho tươi NH01-152 của HTX được chứng nhận OCOP 4 sao. Bên cạnh đó, HTX còn có 7 sản phẩm khác được chứng nhận OCOP 3 sao gồm: táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau câu hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho được người tiêu dùng đánh giá rất cao.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ngày càng chú trọng việc nâng cao chất lượng, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống, đặc thù của địa phương.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận cho biết, công ty là một trong những đơn vị tiên phong tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được UBND tỉnh Ninh Thuận phát động vào cuối năm 2019. Đến nay, công ty có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.

Hiện nay, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm táo, nho tươi, sấy khô, đã liên kết với các HTX, hộ dân trong vùng liên tiếp mở rộng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hàng năm, công ty thu mua từ 300 - 400 tấn táo tươi; trong đó chế biến từ 150 - 180 tấn táo tươi thành các sản phẩm táo sấy dẻo tách hạt, nguyên hạt, ô mai táo, siro táo, giấm táo bằng thiết bị chưng cất thủy đa năng, máy sấy, máy đóng gói... hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, cung ứng cho các cửa hàng OCOP, sân bay, siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trưng bày tại Đà Nẵng. Ảnh: TL.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trưng bày tại Đà Nẵng. Ảnh: TL.

Theo ông Nguyễn Đình Quang, để sản phẩm OCOP có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh trên thị trường thì đầu tiên công ty phải liên kết với người dân, nhà cung cấp, hình thành các chuỗi cung ứng nguyên liệu. Khi đó, công ty có đủ lượng hàng lớn để đảm bảo cho dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định.

“Chúng ta phải đầu tư máy móc để tăng năng suất chế biến (quyết định tới 90%) mới hạ được giá thành sản phẩm. Việc này cũng giải quyết được đầu ra cho bên cung ứng, từ đó các đối tác cung ứng nguyên liệu sẽ bán cho công ty với giá hợp lý”, ông Nguyễn Đình Quang nói và cho biết thêm, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia chuyên về thiết kế các bao bì sản phẩm bắt mắt, từ đó mới thu hút thêm được khách hàng.

“Điều khó khăn nhất để được chứng nhận OCOP và nâng hạng sao OCOP cho sản phẩm chế biến sâu đó là những tiêu chí về nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất, chế biến đều phải đạt đúng tiêu chuẩn. Tối thiểu cơ sở phải được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh đánh giá đạt chất lượng loại A trở lên thì bên chế biến mới đạt được OCOP”, ông Nguyễn Đình Quang cho hay.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.