| Hotline: 0983.970.780

‘Biến tấu’ thành công công nghệ ủ giá đỗ của Nhật Bản

Thứ Năm 18/08/2022 , 10:43 (GMT+7)

Một phụ nữ ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ 'biến tấu' thành công công nghệ ủ giá đỗ Nhật Bản, khép kín quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu giá sạch, an toàn.

“Biến tấu” công nghệ ủ giá đỗ của Nhật Bản

Vừa qua, nằm trong danh sách các sản phẩm được công nhận OCOP của UBND TP Cần Thơ có sự xuất hiện của thương hiệu Giá sạch Hồng Nhung, đạt hạng sản phẩm 4 sao.

Nằm trong vùng nông thôn của phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, mất khá nhiều thời gian để chúng tôi tìm được cơ sở sản xuất giá sạch của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung. Dạo một vòng quanh cơ sở sản xuất, mới thấy sự đầu tư bài bản cho mặt hàng giá sạch của chị Nhung. Cơ sở với 3 nhà xưởng, bao gồm 2 nhà xưởng ủ giá truyền thống bằng lu sành và 1 nhà xưởng ứng dụng công nghệ ủ bồn, với 40 bồn ủ dung tích 1 mét khối/bồn, diện tích xưởng hơn 400 mét vuông.

Ảnh 1 (2)-01

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, chủ sở hữu thương hiệu Giá sạch Hồng Nhung. Ảnh: Kim Anh.

Chị Nhung cho biết, nghề ủ giá đỗ là nghề truyền thống của gia đình. Năm 2010, chị nhận lại bí quyết ủ giá đỗ từ mẹ để nối nghiệp, với cách làm thủ công quy mô nhỏ. Theo lời chị Nhung, để làm giá đỗ theo phương pháp truyền thống mà đạt yêu cầu, chất lượng cao, việc đầu tiên phải chọn loại đậu có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng. Đậu được ngâm trong lu, lắng lọc từ 5 – 6 tiếng để đậu nảy mầm. Công đoạn tiếp theo cũng khá kỳ công, mỗi ngày cho giá “ngậm nước” 4 lần, cứ mỗi lần như vậy phải úp và ngửa lu. Theo đúng quy trình trên, sau 5 ngày giá đỗ có thể được thu hoạch. 1 kg đậu cho thu hoạch 7 – 8kg giá đỗ. Đặc biệt, sau mỗi đợt ủ giá, lu phải được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô.

Ảnh 2

Nguồn đậu chất lượng là một trong những bí quyết giúp mẻ giá đỗ ủ thành công. Ảnh: Kim Anh.

Thời điểm làm giá đỗ truyền thống, mỗi ngày gia đình chị cung cấp ra thị trường chỉ vài chục ký, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Hơn nữa, trong vùng có tới 4 – 5 cơ sở ủ giá, “nếu vẫn làm cách truyền thống, năng suất thấp, không tìm hướng phát triển mới, sẽ khó trụ được với nghề”, chị Nhung bộc bạch.

Từ đó, chị Nhung bắt đầu lên mạng tìm hiểu, tình cờ xem được cách ủ giá hiện đại theo công nghệ của Nhật Bản, ủ giá trong bồn. “Người ta làm được thì mình cũng làm được, lúc đó cũng không ai dạy mình đâu. Công nghệ Nhật nhiều máy móc, gia đình không thể đầu tư, nên tôi “chế” ra cách làm bồn”, chị Nhung kể về quá trình tiếp cận cách ủ giá đỗ hiện đại.

Ảnh 3-01

Hệ thống xưởng bồn được trang bị hệ thống tưới phun nhỏ giọt, lắp đặt máy điều hòa để duy trì nhiệt độ ổn định từ 25 – 30 độ C cho giá nảy mầm đạt năng suất. Ảnh: Kim Anh.

Giai đoạn làm thử nghiệm, chị Nhung mua 2 bồn nhựa, mỗi bồn có thể ngâm được 14kg đậu. Trong thời gian 6 tháng các mẻ giá làm ra đều bị meo mốc, nhớt, nhũng, chảy nước, hư hết nguyên mẻ, chi phí đầu tư cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Thấy tốn kém cả về chi phí và thời gian, gia đình nhiều lần khuyên chị từ bỏ ý định, tiếp tục làm theo lối truyền thống.

Không bỏ cuộc, chị Nhung tiếp tục đeo đuổi tìm ra nguyên nhân khiến giá ủ trong bồn không thành công. Thời điểm cuối năm 2018, cận tết, thời tiết chuyển lạnh, giá đỗ lại nảy mầm tốt và cho năng suất ngoài mong đợi. Từ đây chị Nhung rút ra được kỹ thuật, để ủ được mẻ giá đỗ chất lượng phải chọn được nguồn đậu đẹp, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp.

Nguồn đậu hiện đang được cơ sở sử dụng là đậu đen và đậu xanh, tùy theo nhu cầu và đơn đặt hàng của khách sẽ có sự lựa chọn riêng cho từng loại đậu. Chị Nhung chia sẻ, để có mẻ giá đỗ đẹp, đậu phải được tuyển chọn kỹ lưỡng từ giống. Trung bình mỗi tháng cơ sở nhập từ 4 – 6 tấn đậu các loại của Myanmar từ doanh nghiệp nhập khẩu ở TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, chị đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới phun nhỏ giọt, tự động, thực hiện phun 4 lần/ngày, lắp đặt hệ thống máy điều hòa để đảm bảo nhiệt độ trong nhà xưởng duy trì ở mức từ 25 – 30 độ C. Giá đỗ được ủ đúng quy trình, sẽ rút ngắn được thời gian ủ giá đỗ từ 5 ngày xuống còn 4 ngày so với cách làm truyền thống, năng suất giá cũng tăng cao hơn, 1 bồn có thể cho ra thành phẩm từ 140 – 150 kg giá đỗ.

Để lưu giữ nghề truyền thống, chị Nhung vẫn duy trì cách ủ giá đỗ bằng lu sành với 120 lu. Theo so sánh của chị Nhung, cách ủ giá truyền thống có rất nhiều công đoạn phức tạp, hiệu quả và lợi nhuận lại không cao. Nhưng ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là giá sẽ khô và bảo quản được lâu hơn so với cách làm hiện đại theo công nghệ mới. Vì thế chị vẫn duy trì song song hai cách làm truyền thống và hiện đại để có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng của khách.

Tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm

Giá đỗ được biết đến là loại rau mầm dễ sản xuất. Nhưng đây cũng là mặt hàng bị hoài nghi nhiều nhất về chất lượng cũng như quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm trên thị trường.

Giá đỗ được ủ theo phương pháp hiện đại. Ảnh: Kim Anh.

Giá đỗ được ủ theo phương pháp hiện đại. Ảnh: Kim Anh.

Từ thực tế trên, thời gian đầu, khi thương hiệu Giá sạch Hồng Nhung ra thị trường “chào hàng” rất khó cạnh tranh, bởi lẻ giá thành để làm ra mẻ giá sạch có phần nhỉnh hơn. Đặc thù với mặt hàng giá đỗ rất khó để phân biệt đâu là giá sạch và đâu là giá đã xử lý qua hóa chất. Nhiều năm kinh nghiệm, chị Nhung cho biết, người tiêu dùng sẽ nghi ngờ và có quyền nghi ngờ về chất lượng an toàn thực phẩm của sản phẩm giá đỗ.

Và bản thân cơ sở muốn giữ được lòng tin người tiêu dùng, phải minh bạch, công khai. Đều đặn 6 tháng một lần, chị Nhung phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ lấy mẫu độc lập để gửi đi kiểm nghiệm các chỉ tiêu như: Chì, thủy ngân, Cadimi, E.Coli, Salmonella spp… Kết quả sẽ được gửi đến khách hàng. Đồng thời, chị Nhung cũng đặt ra tiêu chí lựa chọn khách hàng riêng cho cơ sở để giữ vững thương hiệu Giá sạch Hồng Nhung, đó là chỉ kinh doanh độc quyền mặt hàng giá đỗ của cơ sở.

Từ những thành công trên, tháng 8/2016, chị Nhung đăng ký thành lập cơ sở kinh doanh và xây dựng thương hiệu Giá sạch Hồng Nhung. Đồng thời, được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Cần Thơ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất Giá sạch Hồng Nhung cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn giá đỗ, chủ yếu cho khách hàng sỉ tại các chợ đầu mối, siêu thị tiện ích, cửa hàng nông sản xanh trên địa bàn TP Cần Thơ.

Ảnh 5-01

Giá sạch Hồng Nhung hiện nay được cung cấp đến nhiều chợ đầu mối, cửa hàng siêu thị tiện ích và chuỗi cửa hàng nông sản xanh trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay cơ sở sản xuất giá đỗ của gia đình chị Nhung đã bước hoạt động ổn định và trở thành địa chỉ cung cấp giá sạch uy tín cho thị trường. Cơ sở cũng tạo công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/tháng cho một số lao động địa phương.

Để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trên bao bì, cơ sở Giá sạch Hồng Nhung cũng niêm yết mã QRCode, đồng thời công khai tại website: https://check.cantho.gov.vn/san-pham/gia-sach-hong-nhung-3268 dưới sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ.

Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, chủ cơ sở sản xuất Giá sạch Hồng Nhung cho biết, thị trường và thương hiệu đã được xây dựng bền vững, mục tiêu dài hạn của cơ sở là chuyển giao công nghệ và vươn tầm thị trường ra thế giới. Theo lời chị Nhung, đã có đối tác ngỏ lời phát triển thương hiệu tại Đức, nếu thành công sẽ mở ra bước tiến mới cho lĩnh vực sản xuất thực phẩm sạch của TP Cần Thơ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.